Việt Nam tìm ra cách phát hiện nhanh nCoV: Sắp được thử trên mẫu bệnh phẩm

Quý Hiên
Quý Hiên
10/02/2020 21:21 GMT+7

Theo tin của PV Thanh Niên , chiều 10.2, nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hòa , Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đã làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về các vấn đề để được phép nghiên cứu trên mẫu bệnh phẩm.

Theo trang Cổng thông tin Chính phủ, sáng 10.2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, TS Lê Quang Hòa, đại diện nhóm nghiên cứu thử nhanh để phát hiện nCoV-2019 của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đã trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm.
Còn theo đại diện Bộ Y tế, trong thời gian qua, ngoài nhóm nghiên cứu của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, một số đơn vị khoa học trong nước cũng đã tiến hành nghiên cứu sản xuất kit thử nhằm đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm phát hiện người bị nhiễm nCoV và đã đạt được một số kết quả.
Kết luận cuộc họp, về nội dung liên quan tới việc nghiên cứu, sản xuất kit thử phát hiện nhanh nCoV-2019, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phối hợp chặt chẽ với các nhóm nghiên cứu và các đơn vị liên quan đánh giá về mặt hiệu quả, an toàn sinh học… trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho việc nghiên cứu, triển khai sản xuất kit thử xét nghiệm nCoV-2019.
Theo một nguồn tin của Thanh Niên, chiều 10.2, nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hòa đã làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, tiến hành các thủ tục để được nghiên cứu trên mẫu bệnh phẩm.
Như Báo Thanh Niên đã phản ảnh, mới đây TS Lê Quang Hòa, giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện cho một nhóm nghiên cứu, công bố chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh virus Corona chủng mới.
Tuy kết quả mới được tiến hành trên các mẫu RNA nhân tạo mà nhóm tự tổng hợp, chưa được thực hiện trên các mẫu bệnh phẩm, TS Hòa nói ông tin tưởng vào mức độ chính xác của sinh phẩm. Kỹ thuật RT-LAMP mà nhóm thực hiện dùng tới 6 mồi, hướng tới 8 trình tự khác nhau; trong khi phương pháp RT-PCR chỉ hướng tới 3 trình tự khác nhau.
TS Hòa cũng bày tỏ, nhóm của ông rất mong đợi được thử trên mẫu bệnh phẩm. Bởi để đưa được một sinh phẩm ra thị trường, phải thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.