'Vốn đầu tư công là tiền thuế của dân, đi vay thì người trả cũng là dân'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/07/2021 16:00 GMT+7

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho rằng còn hiện tượng ban phát, xin - cho trong việc phân bổ vốn đầu tư công và kiến nghị cần minh bạch, công khai trong quá trình tổ chức thực hiện.

Chiều 27.7, Quốc hội thảo luận về các kế hoạch tài chính, vay trả nợ công và đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2026.

Cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc

Đề cập vấn đề phân cấp ngân sách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho biết luật Đầu tư công năm 2019 đã được sửa đổi theo hướng đổi mới, trong đó, tăng cường phân cấp cho các địa phương. Theo đó, hiện nay, từ khâu đề xuất dự án đến phân bổ nguồn lực về căn bản giao cho các địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế, bà Mai cho biết, bên cạnh các địa phương thực hiện nghiêm túc, còn một số địa phương chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên.
Bà Mai dẫn chứng, vào tháng 2.2020, một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng với lý do cấp bách. Nhưng cũng chính các dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đã không còn là cấp bách nữa.
"Nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mà xuất phát từ ý muốn chủ quan", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẳng thắn.
Bà Mai cũng cho biết, theo báo cáo của Chính phủ thì trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, có 3.476 dự án thuộc diện chuyển tiếp. 
Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí vốn, còn lại hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể.
"Điều này có thể dẫn đến hệ lụy, đó là lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm và đặc biệt là tạo áp lực ngân sách cho giai đoạn tiếp theo, khi rất nhiều dự án mới được bổ sung", bà Mai nói.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chấn chỉnh một số địa phương, song vấn đề bà nêu nói trên vẫn rất cần được quan tâm. 
"Bởi lẽ, vốn đầu tư công cần được hiểu đó là tiền thuế của nhân dân; kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân. Đó không phải là sở hữu bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ nguồn lực, đã có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình cái gọi là quyền ban phát. Câu chuyện về cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc", bà Mai thẳng thắn.
Từ đó, bà Mai kiến nghị cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện các kế hoạch đầu tư công. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ trong việc triển khai thực hiện.

Đề xuất rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế

Một vấn đề khác được đại biểu đoàn Hà Nội đề cập là câu chuyện thể chế. Theo bà Mai, hiện nay, khi đánh giá các hạn chế trong lĩnh vực nào đó thì pháp luật bao giờ cũng là nguyên nhân đầu tiên. 
Theo bà Mai, ngay các báo cáo Chính phủ gửi tới kỳ họp này, mặc dù nêu nhiều hạn chế về pháp luật, song các báo cáo lại đều chưa chỉ ra được hạn chế chỗ nào, điều khoản nào, nội dung gì. 
Từ đó, bà Mai kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế. Trong trường hợp thực sự có những hạn chế thì cần đề xuất phương án kịp thời sửa đổi còn trong trường hợp những hạn chế là do tổ chức thực hiện thì cũng cân nhắc để đánh giá tránh gây ra những nghi ngại đối với hệ thống pháp luật.
Bà Mai cũng kiến nghị Quốc hội kịp thời rà soát, điều chỉnh trong trường hợp Chính phủ đề xuất sửa đổi thì kịp thời đưa vào chương trình phối hợp để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.