Vụ Vinasun kiện Grab: Tiếp tục tranh cãi quanh kết luận giám định thiệt hại

Phan Thương
Phan Thương
23/11/2018 08:28 GMT+7

Grab vẫn không đồng ý với kết luận giám định thiệt hại và đề nghị HĐXX đình chỉ giải quyết vụ án.

Sáng 22.11, TAND TP.HCM mở lại phiên sơ thẩm xét xử vụ án "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Đây là phiên tòa được hoãn xử, tạm dừng 4 lần và HĐXX cũng hoãn tuyên án vào ngày 29.10 để chờ xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ liên quan đến kết luận giám định.
Tuy nhiên, sau khi công bố văn bản giải thích về kết luận giám định thiệt hại của Vinasun do Công ty CP thẩm định - giám định Cửu Long (gọi tắt Công ty Cửu Long) gửi TAND TP.HCM và kết thúc phần xét hỏi trở lại, chủ tọa lại thông báo tạm dừng phiên xử đến chiều nay (23.11).
Dựa vào báo cáo của công ty chứng khoán ?!
Trong những phiên xử được mở trước đây, Grab nêu không đồng ý với kết luận giám định thiệt hại của Vinasun (nếu có) do Công ty Cửu Long thực hiện, khi Công ty Cửu Long dựa vào cổ phiếu Vinasun giảm để tính thiệt hại.
Trong văn bản giải thích về kết quả giám định, Công ty Cửu Long khẳng định không tự đưa ra các số liệu cổ phiếu của Vinasun trên thị trường chứng khoán mà căn cứ vào báo cáo của 3 công ty chứng khoán. Cụ thể, ngày 31.12.2015, giá cổ phiếu của Vinasun là 30.400 đồng; đến 30.6.2017 còn 21.900 đồng, giảm 28%.
Để xác định cổ phiếu Vinasun giảm là do Grab, báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt phát hành 3.10.2016 nêu lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 của Vinasun giảm so với cùng kỳ năm 2015 do Vinasun phải tăng chiết khấu và ưu đãi cho tài xế nhằm giữ chân tài xế, không để tài xế chuyển qua làm việc cho Grab, Uber. Công ty chứng khoán Bản Việt cũng khuyến nghị khách hàng cần thận trọng trong đầu tư dài hạn cổ phiếu Vinasun do các rủi ro tiềm ẩn từ chiến lược cạnh tranh giá rẻ của đối thủ Grab, Uber.
Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt ngày 8.11.2016 đánh giá lợi nhuận của Vinasun đang ở mức thấp nhất trong ngành do sự đổ bộ của Uber, Grab trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây.
Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán MB ngày 28.8.2017 cũng đánh giá Vinasun có kết quả kinh doanh đang sụt giảm do cạnh tranh gay gắt từ Grab, Uber... và giá cổ phiếu khuyến nghị ở mức 14.600 đồng/cổ phiếu.
Văn bản giải thích kết luận giám định của Công ty Cửu Long gửi tòa cũng nêu, tại TP.HCM trong giai đoạn tháng 1.2016 - 6.2017, ngành vận tải taxi có tốc độ tăng trưởng cao, đáng lẽ kinh doanh vận tải của Vinasun phải tăng trưởng theo tỷ lệ thuận. Nhưng Vinasun lại sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận, trong khi doanh thu của Grab và sản lượng khai thác các chuyến xe đều tăng nhanh. Điều đó cho thấy sự xâm nhập thị trường vận tải của Grab là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của Vinasun và chính sự tác động tiêu cực của Grab đối với Vinasun dẫn đến cổ phiếu của Vinasun bị giảm.
Grab đề nghị đình chỉ giải quyết vụ án
Sau khi công bố văn bản giải thích kết luận giám định của Công ty Cửu Long, HĐXX để các bên đương sự quay lại nội dung xét hỏi. Vinasun một lần nữa khẳng định việc cạnh tranh không lành mạnh của Grab như khuyến mãi, giảm giá trái/vượt quy định pháp luật; Grab đăng ký thí điểm là đơn vị cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải nhưng thực tế trực tiếp kinh doanh vận tải, tương tự Vinasun. Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại hơn 41,2 tỉ đồng.
Ngược lại, Grab vẫn không đồng ý với kết luận giám định thiệt hại và đề nghị HĐXX đình chỉ giải quyết vụ án.
Vì sao Vinasun tính ra con số 41,2 tỉ đồng ?
Theo kết luận giám định của Công ty Cửu Long, từ ngày 1.1.2016 - tháng 6.2017, Vinasun thiệt hại tổng cộng hơn 158,6 tỉ đồng, gồm chi phí phát sinh do xe nằm bãi, không kinh doanh (phí khấu hao, chi phí bãi đỗ, chi phí lãi vay, chi phí quản lý phân bổ) gần 9 tỉ đồng; giảm giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp gần 149,7 tỉ đồng.
Trong đó, phần Grab gây thiệt hại do Vinasun là 54,2% trên tổng số thiệt hại (lượng xe Grab đăng ký chiếm trên thị trường, 12.913/23.820 xe) được tính: 158,6 tỉ đồng x 54,2% = gần 86 tỉ đồng.
Tuy kết luận giám định của Công ty Cửu Long nêu thiệt hại của Vinasun là gần 86 tỉ đồng nhưng Vinasun căn cứ vào kết quả kiểm toán để khởi kiện yêu cầu Grab bồi thường số tiền hơn 41,2 tỉ đồng. Theo Vinasun, so với năm 2015, lợi nhuận năm 2016, quý 1 và 2/2017 của Vinasun bị mất khoảng 75,9 tỉ đồng x 54,2% = hơn 41,2 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.