Vụ xăng giả của 'đại gia' Trịnh Sướng: Trách nhiệm trước hết là quản lý thị trường

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/06/2019 14:15 GMT+7

Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đường dây chế xăng giả của đại gia Trịnh Sướn g hoạt động một thời gian dài mới bị phát hiện đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 11.6, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho rằng, chưa thể nói đến sự câu kết, lợi ích nhóm trong vụ đường dây chế xăng giả của đại gia Trịnh Sướng khi chưa có kết luận điều tra cuối cùng, song vụ việc cho thấy sự yếu kém, tắc trách của cơ quan quản lý khi đã kiểm tra không đến nơi, đến chốn, để kẻ gian sử dụng phiếu xuất, nhập xăng một lần để quay vòng.
“Yếu kém này đặt ra nhiều lĩnh vực trong quản lý của chúng ta. Tại sao buôn lậu ngày càng phổ biến, hoành hành, thậm chí hàng ngoại đội lốt hàng Việt? Điều này không chỉ hệ luỵ hàng kém, hàng giả mà làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, nên phải xem lại quy trình quản lý”, đại biểu TP. Hà Nội nêu.
[VIDEO] Đại gia xăng giả Trịnh Sướng giàu cỡ nào, có bao nhiêu đất đai ở Sóc Trăng?
Theo đại biểu Cường, có nhiều đơn vị tham gia vào quy trình quản lý này, tuy nhiên, đối với mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện thì vụ việc xảy ra trước hết thể hiện sự yếu kém của quản lý thị trường đã để cho hàng lậu, hàng nhái, hàng giả vào thị trường.
Bên cạnh đó, cơ quan kiểm soát, kiểm định, cơ quan quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng phải xem xét trách nhiệm.
“Cơ quan điều tra sẽ chỉ rõ anh nào cố ý, anh nào yếu kém năng lực”, đại biểu Cường nêu, đồng thời kiến nghị trước mắt cần phải tăng cường vai trò quản lý của cơ quan quản lý thị trường, bằng nhiều biệnh pháp, kể cả các công cụ công nghệ 4.0, để kiểm tra lưu chuyển hàng hóa trên thị trường.

Nếu không bắt được, hậu quả sẽ còn lớn hơn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, lại cho rằng việc phát hiện một vụ làm xăng dầu giả như vừa qua là việc rất khó, đơn phương các cơ quan quản lý thị trường hay khoa học công nghệ không thể làm được.
Giám đốc Công an Nguyễn Hữu Cầu trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội Ảnh Ngọc Thắng
Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, mua hóa chất về sau đó trộn với xăng rồi bán ra thị trường.
“Muốn bắt và xử lý pháp luật hình sự thì phải bắt được quả tang, còn bắt trên đường vận chuyển thì không làm gì được. Và khi đó, nếu có kiểm định thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh mặt hàng không đảm bảo chất lượng”, đại biểu Cầu phân tích.
[VIDEO] “Đại gia” Trịnh Sướng đã làm giàu bằng hàng triệu lít xăng giả như thế nào?
Từ kinh nghiệm của Công an Nghệ An, đại biểu Cầu cho hay, muốn bắt quả tang những đối tượng làm giả xăng dầu thì phải lập án đấu tranh, mất nhiều thời gian, có khi cả năm trời.
Bên cạnh đó, ngoài lực lượng công an thì phải có sự phối hợp của các ngành khoa học công nghệ trong giám định chất lượng xăng và quản lý thị trường để bắt quả tang hành vi gian lận rồi mới mở rộng điều tra, kiểm tra sổ sách và giấy tờ của việc múa hóa chất...
Theo đại biểu Cầu, cơ quan quản lý thị trường kiểm soát rất nhiều mặt hàng khác nhau chứ không chỉ xăng dầu nên khó có thể kiểm soát hết được, nhất là khi lực lượng mỏng.
“Mâu thuẫn giữa lực lượng và nhu cầu công việc ngày càng tăng, cái này phải hết sức thông cảm. Cho nên quan điểm của tôi đây là thành tích, chứ đừng nghĩ tiêu cực. Nếu không bắt được thì hậu quả xã hội sẽ phải chịu nhiều nữa”, Giám đốc Công an Nghệ An nhấn mạnh.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, qua trinh sát, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện một đường dây sản xuất, mua bán hàng giả là xăng dầu với phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Ngày 13.3, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 9 bị can về hành vi sản xuất, mua bán hàng giả; trong đó ra lệnh bắt tạm giam 8 bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can.
Qua điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông nhận thấy đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trên nhiều tỉnh, thành nên báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
Bộ Công an đã lập ban chỉ đạo chuyên án do thượng tướng, Thứ trưởng Lê Quý Vương làm Trưởng ban. Từ 28.5 - 2.6, ban chuyên án đã chỉ đạo phối hợp với cơ quan chức năng bắt quả tang các nghi can đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với các chất kích RON, bột màu tạo thành xăng giả, tổ chức khám xét tại 6 địa điểm là nơi pha trộn thuộc địa bàn TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Theo Công an tỉnh Đắk Nông, đến nay Cơ quan điều tra đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại; trong đó có 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, 3 tàu thủy, 6 ô tô (xe bồn), 5 máy bơm, 50 kg chất tạo màu và nhiều tang vật có liên quan khác.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 5.6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 14 bị can, nâng tổng số bị can trong vụ án lên 23 người. Trong số bị can này có ông Trịnh Sướng, Chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng (Sóc Trăng). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.