Vui buồn thú y miệt vườn: Đỡ đẻ cho gia súc

Như Lịch
Như Lịch
25/06/2021 06:45 GMT+7

Một trong những công việc thường xuyên của thú y miệt vườn là đỡ đẻ cho gia súc. Bên cạnh những người từ trường lớp ra, còn có một số “bà mụ” mát tay hay làm.

Từ đỡ đẻ cho heo đến đỡ cho... người

Sau một thời gian im ắng, chuồng heo của gia đình bà Hồ Thị Xinh (61 tuổi, ngụ xã Sùng Nhơn, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) đã có tiếng ụt ịt trở lại. Trong năm 2019, dịch tả lợn châu Phi lan tới H.Đức Linh và “đánh gục” nhiều đàn heo của người chăn nuôi, trong đó có con nái to gần 3 tạ nhà bà Xinh. Sau dạo ấy, bà chất vôi ở chuồng và tạm ngưng nuôi heo.

Biệt tài chích cho heo... chảy sữa

Anh Võ Đăng Tiến được một số người chăn nuôi ở địa phương nhìn nhận có biệt tài chích cho heo chảy sữa. Đây là những người từng gặp sự cố heo nái của họ không tiết sữa sau sinh, khiến đàn heo con yếu dần. Khi được gọi đến, anh Tiến vừa chích ven tai cho heo mẹ vừa bảo chủ nhà đưa heo con tới bú ngay, vì sữa chảy ra ào ạt. “Bí quyết này tui học từ các thầy ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, hồi đi thực tập làm thú y cách đây 20 năm”, anh kể.
Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi ghé thăm nhà bà Xinh. Buổi sáng, bà mang mớ bánh ít nhà làm tới chợ bán, rồi về cùng chồng chăm sóc bốn đứa cháu nội do cha mẹ chúng đi làm ăn xa. Tranh thủ cho heo ăn, bà kể: “Đầu năm nay, tui nuôi lại con nái này. Nó đẻ được một lứa 10 con và tui vừa bán cả bầy heo con”.
Con heo nái mới cũng được bà Xinh trực tiếp đỡ đẻ bởi bà là “bà mụ” mát tay. Trước đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019, bà Xinh thường xuyên nuôi heo nái. Có lần, bà đỡ đẻ cùng lúc cho hai con. Bà ngồi giữa, hết quay bên này đến bên kia để “bốc sướng tay” tổng cộng 24 heo con!
Mỗi khi heo con lọt ra, bà Xinh nhanh chóng dùng khăn “móc miếng” (lau sạch nhớt ở mũi, miệng). Tôi cảm nhận sự chu đáo, cẩn thận khi bà hai lần lưu ý: “Nên dùng khăn chặm chất nhầy trên mình con heo chứ không nên lau, vì đó là chất bảo vệ da ban đầu của heo con”. Các công đoạn cắt rốn, bấm răng, cắt đuôi... cho heo con, bà Xinh cũng tự xử lý.
Không chỉ đỡ đẻ cho heo nhà, bà Xinh còn đỡ đẻ cho heo nhà hàng xóm hoặc người quen khi họ nhờ cậy. Trong đó có những ca khó, heo nái rặn khá lâu mà không đẻ được. Sợ heo con bị ngộp chết, bà Xinh quyết định bấm hết móng tay và thoa ô xy già nguyên cánh tay rồi lòn dần dần vô bên trong heo nái. Nếu sờ “thấy” heo con nằm tư thế nghịch, bà Xinh khéo léo trở nó lại cho thuận...
“Có mấy người hỏi tui sao dạn dữ vậy? Thực ra từ nhỏ tui bồng heo, vọc heo quen rồi nên không sợ. Ngày xưa, ba tui nuôi heo và tự đỡ đẻ cho heo, nên tui học hỏi từ ba mình. Sau khi lấy chồng, tui tiếp tục chăn nuôi và đỡ đẻ cho heo gần 40 năm nay”, bà Xinh cho hay.
Nhắc đến bà Xinh, chị Xuân Lập (46 tuổi), một người dân địa phương nhận xét: “Chị Xinh có tiếng mát tay đỡ đẻ cho heo. Trước đây nhà mình nuôi heo, mình hay nhờ chị hỗ trợ. Đặc biệt, chị Xinh còn biết đỡ đẻ cho người nữa kìa!”.
Theo bà Xinh, hôm đó bà mới may bộ đồ đẹp, định khoe với người chị dâu ở cùng xã. Tình cờ đúng lúc chị dâu chuyển dạ, nhăn nhó: “Tui đau bụng quá cô ơi, mà ảnh đi kêu bà mụ chưa về”. Bà Xinh thấy cái đầu của cháu bé đã ló ra, vội giục: “Chị rặn đi, em đỡ cho!”. Đứa trẻ ra đời khóc oe oe, bà Xinh nhanh chóng “móc miếng”. Tuy nhiên, bà vẫn để cái rốn lòng thòng, chờ bà mụ đến cắt. Bà Xinh giải thích: “Tui sợ mình cắt rốn cho người không quen, biết đâu làm cháu bé nhiễm trùng. Dù sao đây là mạng người, mình không thể chủ quan”.
Được biết, cô bé mà bà Xinh đỡ đẻ năm nào nay đã 25 tuổi. Bà Xinh thở phào: “Trước đây, ba cháu bé hay nói tui là cô mày lanh lẹ, móc miếng cho cháu thì nhất định cháu sẽ lanh lẹ. Nói thiệt, tui từng lo lỡ nó không được vậy mà lại... lanh chanh, người móc miếng như tui dễ bị đổ thừa. Bây giờ thấy nó nhanh nhẹn, có chồng đàng hoàng, tui rất mừng!”.

Bác sĩ thú y Dư Đình Tuấn cũng là một “ông đỡ” kỳ cựu

Ảnh: T.H

Những “ông đỡ” kỳ cựu

Gần 20 năm làm thú y tự do tại quê nhà là xã Sùng Nhơn và một vài địa bàn lân cận thuộc H.Đức Linh, anh Võ Đăng Tiến đã đỡ đẻ cho hàng trăm con gia súc. Trước đó, vào năm 2002, anh tốt nghiệp Khoa Chăn nuôi thú y Trường trung học Kỹ thuật và Dạy nghề Bảo Lộc (nay là Trường cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Theo anh Tiến, đỡ đẻ cho gia súc là một trong những việc phổ biến của người làm thú y ở nông thôn. Công việc này đòi hỏi sự tận tụy, chịu khó và... chịu dơ. Nhiều ca heo, bò đẻ khó, đẻ ngược, anh phải thò tay đẩy thai vô và sửa lại tư thế cho chúng dễ đẻ hơn. Không ít lần, máu nhớt hôi tanh của con vật dính đầy cánh tay anh Tiến, có khi bắn đầy trên mặt...
Anh Tiến bộc bạch: “Có những ca tui phải đưa dây vô bên trong con bò, con heo để kéo thai ra. Mình chỉ đưa được một tay, nên quá trình cột cái thai rất cực. Điều quan trọng là cột làm sao để khi kéo ra, cái thai phải an toàn”. Anh Tiến thẳng thắn nhìn nhận có những ca quá khó, nên việc đỡ đẻ không thành công. Lúc đó, anh và chủ nhà xác định kéo thai ra để cứu mẹ, còn con là chết rồi.
Vui buồn thú y miệt vườn: Đỡ đẻ cho gia súc

Một số đồ nghề làm thú y dạo

Ảnh: Như Lịch

Trên thực tế, cũng có những kết cục thật bất ngờ. Chẳng hạn trường hợp con bò của ông N. (xã Sùng Nhơn) chuyển dạ và gia đình ông cứ nghĩ “từ từ nó đẻ”. Đợi mãi không thấy con bê chào đời, ông N. mới kêu thú y. Thò tay kiểm tra, anh Tiến cảm nhận cái thai dường như đã chết do bị ngộp. Dù vậy, khi kéo thai ra, anh vẫn tập trung hết khả năng hô hấp nhân tạo và sử dụng các biện pháp sơ cứu. Kỳ diệu thay, con bê hồi phục và dần dần đứng dậy! Với chất giọng Quảng Nam, anh Tiến hào hứng kể: “Chù, khi nớ chủ nhà họ mừng, họ thưởng tiền ghê lắm”. Hỏi anh được thưởng bao nhiêu, anh Tiến vui vẻ tiết lộ: “Tiền công đỡ đẻ 100.000 đồng, họ cho thêm 100.000 đồng nữa. Ở quê như rứa là ô kê rồi!”.
Với 23 năm trong nghề, bác sĩ thú y Dư Đình Tuấn (47 tuổi, ngụ xã Phú Túc, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cũng là một “ông đỡ” kỳ cựu cho heo, bò, dê, chó... Hai năm nay, anh Tuấn mở phòng khám thú y Tuấn Hằng chuyên điều trị và phẫu thuật cho chó, mèo kiểng.
Anh Tuấn cho hay chó kiểng thường có khung chậu rất hẹp, cấu trúc tử cung chứa nhiều con nhưng độ co giãn không lớn nên đẻ khó. Hơn nữa, trong quá trình nuôi, người ta cho chó kiểng ăn nhiều đồ dinh dưỡng cao cấp, khiến thai lớn so với khung chậu của nó. Vì vậy, tỷ lệ chó kiểng mổ đẻ chiếm khoảng 80 - 90%. Chi phí mỗi ca cộng với 4 - 5 ngày chó, mèo kiểng lưu trú chờ cắt chỉ ở đây có giá khoảng 2 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn khẳng định khách hàng có điều kiện, có tình thương với thú cưng nên vấn đề tiền bạc điều trị là không lớn với họ. Bù lại, các “ông đỡ”, “bà đỡ” cho chó mèo kiểng phải làm việc trong môi trường áp lực lớn và đòi hỏi chuyên môn rất cao, có trang thiết bị hiện đại. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.