Vui buồn thú y miệt vườn: Nghề 'độc'... thả nọc heo, bò

Như Lịch
Như Lịch
24/06/2021 08:23 GMT+7

Cũng như ông Mười, một số người dân làm công việc thả heo nọc, bò nọc (dẫn heo đực, bò đực đến phối giống tự nhiên với con cái). Trong tương lai không xa, nghề này có thể chỉ còn là 'ký ức vui vẻ' của làng quê!

Những người chăm sóc, điều trị, gây giống vật nuôi ở quê khá đa dạng. Họ được đào tạo hoặc làm theo kiểu dân gian. Trong xu thế chăn nuôi hiện đại, ý thức phòng ngừa dịch bệnh nâng cao, công việc của họ có những đổi thay.
Mỗi khi thấy ông Mười dắt con bò đực đi thả nọc ngang qua nhà mình, chị Lập (xã Sùng Nhơn, H.Đức Linh, Bình Thuận) ngồi lột vỏ hạt sen trước hiên nói với ra: “Chu, chiều nào người ta cũng dẫn bò đi chơi miết. Đi chơi mà có tiền, sướng kinh rứa hỉ!”. Ông Mười đối lại: “Chứ răng, ai làm sen như mi”...
Cũng như ông Mười, một số người dân làm công việc thả heo nọc, bò nọc (dẫn heo đực, bò đực đến phối giống tự nhiên với con cái). Nghề này trước đây rất phổ biến, nhưng hiện đã giảm nhiều và trong tương lai không xa có thể chỉ còn là “ký ức vui vẻ” của những làng quê!

“Sao nhanh dữ vậy mà lấy 400.000 đồng ?”

Chúng tôi tìm gặp anh Trần Phong Vũ (46 tuổi), một người làm nghề thả bò nọc lâu năm ở xã Nam Chính, H.Đức Linh, Bình Thuận. Trong chuồng bò nhà anh Vũ, con bò lang trắng xanh Bỉ (bò BBB, hay còn gọi là bò 3B) lực lưỡng đã được bồi bổ bằng cám trộn trứng gà sống sau khi làm “nhiệm vụ” trở về.
Cách đây một năm, anh Vũ lặn lội về Ba Tri (Bến Tre) 3 - 4 ngày để lùng mua con bò này với giá hơn 70 triệu đồng. Anh Vũ cho biết chọn bò giống rất công phu, nó phải có thể hình đẹp, nhất là hai chân sau cao to và trụ vững, hơi nghiêng về phía trước. Đặc biệt, anh lựa kỹ con nào có “súng” dài và to, tinh hoàn đều hai bên và không bị thòng.
Hằng ngày, anh Vũ thường dùng xe ba gác chở bò đi phối giống trong xã Nam Chính và một số địa bàn lân cận. Để con bò có thể quen với việc lên xuống xe, anh Vũ huấn luyện nó gần một tháng. Anh tự tin: “Trừ tui, không ai dám đụng vô nó. Tui biểu nó đi vô là đi vô, đi ra là đi ra. Con bò giống là cả cơ nghiệp, nên tui luôn chăm sóc nó”.
Anh Vũ còn tập cho bò tiếp xúc dần với môi trường có nhiều phương tiện giao thông lúc di chuyển trên đường. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi những lần con bò giật mình hoảng sợ khi xe ben, xe tải chạy ào qua hoặc đột ngột bóp kèn...

Anh Trần Phong Vũ với “con bò chiến” 3B

Anh Vũ cho hay từ hồi thanh niên, anh đã mê bò. Mỗi lần có việc ra ngoài, vừa trở về nhà là anh chạy tới... chuồng bò. Gần 10 năm nay, anh mạnh dạn đầu tư mỗi đợt 2 - 3 con giống để làm dịch vụ thả bò nọc. Theo anh Vũ, bò nọc “đắt sô” hơn trong mùa nắng vì bò cái hay lên giống hơn so với mùa mưa. Mỗi con bò nọc đi gieo giống thường xuyên (một lần/ngày) khoảng 2 năm là phải thanh lý, thay con khác.
Nói về kỷ niệm trong nghề, anh Vũ kể có nữ chủ nhà thấy con bò của anh đang “nhảy”, phàn nàn: “Sao nhanh dữ vậy? Nó lên mà không nhắp nhắp, chỉ đẩy một cái xuống lấy 400.000 đồng?”. Anh Vũ đáp: “Cái đó là chuyện của tui. Miễn bò tui làm bò chị chửa được thì thôi!”.
Anh Vũ ước tính tỷ lệ đậu thai cỡ 90% từ bò thả nọc của mình. Với 10% không đạt, anh Vũ đưa bò tới nhảy lần hai miễn phí. Hiện nay, lượng khách hàng của anh Vũ (những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) đã giảm hơn 30%, bởi họ chuyển sang phối tinh nhân tạo cho bò.

Chuyển hướng bởi dịch bệnh

Một chiều tháng 5, chúng tôi theo anh Phan Văn Nghĩa (48 tuổi, ngụ xã Nam Chính, H.Đức Linh, Bình Thuận) đi phối tinh nhân tạo cho một con heo nái.
Chào hỏi chủ nhà vài câu vui vẻ, anh Nghĩa bước thẳng vô chuồng heo với đồ nghề gọn nhẹ gồm ống đựng tinh dịch heo, dây dẫn tinh và chất bôi trơn. Trong khi anh Nghĩa thao tác phối tinh, con heo nái gần 1 tạ đứng im, vểnh tai. Anh Nghĩa chỉ cho tôi: “Con heo này đã tới kỳ rỡ. Nó hưng phấn cao độ, cuống đuôi rung rung nè”.
Vui buồn thú y miệt vườn: Nghề 'độc'... thả nọc heo, bò1

Anh Phan Văn Nghĩa phối tinh nhân tạo cho heo

Được biết, anh Nghĩa vào nghề này theo kiểu “cha truyền con nối”. Cha của anh thả heo nọc gần 40 năm. Khoảng 7 năm nay, người cha giải nghệ, còn anh Nghĩa chính thức làm công việc này. Trước năm 2019, anh Nghĩa nuôi một lúc 7 con heo nọc. Thời gian đó, nhiều người dân nuôi heo nái và họ có thói quen mướn heo nọc đến “nhảy” trực tiếp lên con nái. Nhưng dịch tả lợn châu Phi xảy ra trong năm 2019 khiến anh Nghĩa và nhiều người khác mất sạch đàn heo.
Ảnh hưởng đợt dịch tả, cộng với việc bảo vệ môi trường được chú trọng hơn, khá nhiều hộ dân không còn nuôi heo trong khu dân cư và một số hộ chuyển sang mô hình trang trại chăn nuôi. Dịch vụ thả heo nọc, bò nọc không còn ăn nên làm ra như trước, vì người dân sợ vật nuôi của họ bị lây lan mầm bệnh.
Trước thực tế trên, anh Nghĩa chỉ nuôi 1 - 2 con heo nọc và học hỏi để làm thêm phối giống nhân tạo. Khách hàng của anh hiện có khoảng 70% chọn phối nhân tạo và 30% chọn phối tự nhiên cho heo. Bản thân anh Nghĩa cũng chuộng phương pháp phối tinh nhân tạo hơn thả heo nọc bởi nó “dễ dàng, nhẹ nhàng, ít bị hôi dơ”, trong khi tỷ lệ heo nái đậu thai hai bên xấp xỉ nhau.
Anh Nghĩa cho hay khi đi phối tinh nhân tạo cho heo, thỉnh thoảng anh gặp một số chủ nhà hài hước. Chẳng hạn, có nữ khách hàng “khuyên” anh Nghĩa: “Chuyến này anh phải kéo con nọc tới đây, thả cho tụi nó biết cảm giác sung sướng một chút. Anh phối miết, tụi nó không được hưởng mùi đời, thiệt tội nghiệp!”.
(còn tiếp)

Không được, không về !

Theo anh Phan Văn Nghĩa, trong thời gian dịch vụ thả heo nọc còn thịnh hành, anh cho mỗi con heo đực đi “nhảy” khoảng 20 lần/tháng trở lại để đảm bảo tỷ lệ đậu thai cao. Khi heo phối giống trở về, anh Nghĩa bồi bổ cho nó bằng 2 - 3 quả trứng gà sống trộn với cám.
Anh Nghĩa cho biết nếu 2 - 3 ngày không được giao phối, con heo nọc bứt rứt phá chuồng vì bản năng sinh lý của nó rất mạnh. Khi con đực được đưa đi thả nhưng con cái chưa lên giống (còn gọi là động dục hoặc rỡ), nó cứ bu, rượt, nhảy lên bạn tình. Lúc đó, việc lùa heo đực ra khỏi chuồng heo cái rất khó, vì nó lần chần kiểu như “không được, không về!”. Thậm chí, có những con còn quay đầu cắn chủ. Vì vậy, trước khi đưa heo đi thả nọc, công đoạn theo dõi thời điểm con cái lên giống chín muồi rất quan trọng.

Những ca “khó đỡ”

Từng làm nghề thả heo nọc, nay chuyển sang làm vườn và phối tinh nhân tạo cho heo, anh Giảng (xã Nam Chính, H.Đức Linh, Bình Thuận) kể: “Một cô kêu tôi tới nhà thả heo nọc. Khi tôi coi con heo cái trong chuồng, cô vô tình nói: “Anh thả giùm cho em, chứ mấy ông kia thả không đậu”. Lúc đó, chồng cô đứng ngay cửa. Tôi tức cười nhưng giữ thể diện cho cô nên không dám, để câu chuyện lướt qua tự nhiên”.
Theo anh Tiến, thú y tự do tại xã Sùng Nhơn (H.Đức Linh, Bình Thuận), thỉnh thoảng thấy anh đi ngang, có mấy chị réo gọi: “Anh, vô chích cho em cái. Sáng giờ em chờ anh miết mà không thấy anh đi chích”; “Anh ơi anh, con heo em nó rỡ sáng giờ mà chờ hoài không thấy anh vô”. Ngược lại, có khách hàng mắc cỡ kể lại cho bạn anh Tiến rằng: “Ông quỷ Tiến mỗi lần vô nhà mình phối giống heo là mình dị (xấu hổ), bỏ đi trốn. Vậy mà ổng cứ kêu mình ra để giữ cho con heo đứng yên”...
Một người có kinh nghiệm thả heo nọc lâu năm nhìn nhận: “Mình đến nhà người ta làm xong việc thì về. Đừng cà kê. Nếu để tai tiếng trong nghề, rất khó làm ăn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.