'Biệt đội' giải cứu thú rừng: Nơi tái sinh

Khánh Hoan
Khánh Hoan
12/07/2020 07:32 GMT+7

Thú rừng được giải cứu trong tình trạng kiệt sức, bị thương nặng được đưa về bệnh viện là Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Pù Mát để cấp cứu, điều trị và giúp chúng tái sinh để về lại với tự nhiên.

Bệnh viện của thú rừng

Nằm trong khuôn viên Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), một khu vực khá rộng được bao kín bằng tường vây là Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Pù Mát. Để vào nơi này, kể cả bác sĩ, nhân viên trung tâm, đều phải thực hiện sát trùng ở ngay cửa ra vào để phòng ngừa dịch. Anh Nguyễn Sĩ Quốc, phụ trách trung tâm, nói đây như một bệnh viện của thú rừng, có bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, phòng cấp cứu, điều trị, chăm sóc...
Pù Mát hiện có 132 loài thú, 361 loài chim, 55 loài bò sát, ếch nhái, 1.084 loài côn trùng và hơn 2.400 loài thực vật, trong đó có 37 loài nằm trong Sách đỏ VN và 20 loài trong Sách đỏ thế giới. Trong số các loài động vật, có nhiều loài quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia, quốc tế như: sao la, hổ, gấu, voi, tê tê, thú móng guốc, linh trưởng... Vườn quốc gia Pù Mát được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An do UNESCO công nhận năm 2007 và hiện đang trình hồ sơ cho Trung tâm ASEAN về đa dạng sinh học thẩm định, phê duyệt Pù Mát là Vườn di sản ASEAN.
Trung tâm này ra đời sau khi Vườn quốc gia Pù Mát được thành lập (năm 2002). Tuy nhiên, nơi đây thực sự thành bệnh viện thú rừng từ năm 2018, khi được Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tài trợ kinh phí để mua sắm thêm thiết bị và bổ sung thêm 3 nhân sự, trong đó có 2 bác sĩ thú y. Dẫn tôi vào khu điều trị cho thú rừng là những căn phòng rất thoáng mát, sạch sẽ, anh Quốc bảo khu này về chức năng và bố trí thiết bị không khác bệnh viện điều trị cho người. Các loại máy móc hiện đại cũng đã được sắm để khám bệnh cho thú rừng. Khi thú rừng được đưa đến, nếu trong tình trạng bị thương nặng, kiệt sức do bị nhốt lâu ngày, sẽ được đưa đến phòng cấp cứu hồi sức, được các bác sĩ thú y thăm khám, hội chẩn tìm phương án điều trị phù hợp. Sau đó, khi con thú có dấu hiệu hồi phục, sẽ được đưa đến khu chăm sóc đặc biệt và được theo dõi hằng giờ.

Việc điều trị cho thú rừng được theo dõi như điều trị cho người ở bệnh viện

ẢNH: KHÁNH HOAN

Hai dãy nhà xây áp mặt vào nhau, ở giữa là lối đi, được ngăn ra thành các phòng là nơi chăm sóc thú rừng bị thương. Bên trong được thiết kế thành 2 ngăn, ngăn sinh hoạt của thú rừng và ngăn để thú trú ẩn. Bên ngoài phòng điều trị, chăm sóc thú đều có một tờ giấy A4 ghi lịch trình theo dõi, cho ăn, tiêm thuốc... “Hầu hết thú rừng được đưa về đây điều trị đều là thú bị săn bắt ở rừng, có tập tính tự nhiên nên khi thấy người, dễ làm chúng sợ hãi. Do đó, khu này được thiết kế yên tĩnh, hạn chế việc người tiếp xúc với chúng”, anh Quốc giải thích.
Tại trung tâm này hiện đang điều trị, nuôi hàng chục cá thể gồm các loài: vượn, tê tê, cầy vòi, gấu, khỉ, rái cá... Sau điều trị, việc chăm sóc thú để chúng phục hồi hoàn toàn không phải là chuyện dễ. Một số loài thú ăn rất sang, như tê tê chỉ ăn kiến nên khi đưa về đây điều trị, chăm sóc, chế độ ăn uống của chúng cũng rất kỳ công. Ở tự nhiên, loài này tự tìm kiến để ăn; nhưng vào đây, các nhân viên trung tâm không thể đi bắt kiến nên phải mua trứng kiến về làm thức ăn cho chúng với giá không hề rẻ.
“Biệt đội” giải cứu thú rừng: Nơi tái sinh

Những chú rái cá tại trung tâm

ẢNH: KHÁNH HOAN

Sau khi được điều trị, chăm sóc, thú rừng khỏe mạnh trở lại, các nhân viên ở trung tâm cứu hộ này phải truy xuất nguồn gốc con thú để quyết định có thể thả về rừng hay không. Với những con thú có nguồn gốc đánh bắt từ rừng đang thích nghi được môi trường tự nhiên, khi đã hồi phục hoàn toàn, chúng được thả về khu vực có phân bố loài của nó. Trước khi thả về rừng, các con thú đều được gắn chip theo dõi. Với những loài như tê tê, rùa, thiết bị được gắn để theo dõi có phát sóng radio. Trong tầm thu phát sóng, các cá thể này di chuyển đến đâu đều có thể phát hiện được. Sau khi được thả về rừng, “biệt đội” giải cứu thú rừng Pù Mát lập tức khoanh vùng để bảo vệ, theo dõi đặc biệt cho đến khi chúng hoàn toàn thích nghi được với môi trường.
Hằng năm, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Pù Mát tiếp nhận hàng chục cá thể thú rừng từ các cơ quan chức năng và người dân, trong đó có nhiều loài thuộc nhóm 1B (nhóm nguy cấp, quý, hiếm) như vượn, tê tê, cu li... Điều đáng mừng, theo anh Quốc, không chỉ thú rừng do công an chuyển đến từ các vụ bắt giữ vận chuyển trái phép, nhiều người dân đã tự nguyện bàn giao thú rừng cho trung tâm để cứu hộ và thả về rừng, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm. Một số cá thể sau khi được điều trị, chăm sóc đã được thả về rừng. Tuy nhiên, một số cá thể do bị nuôi nhốt quá lâu nên sau khi được đưa đến trung tâm, không thể tái thả về rừng do chúng không thể thích ứng được với môi trường hoang dã nữa và những cá thể này hiện đang được nuôi nhốt tại trung tâm.

Một người gánh việc của 2 người

Pù Mát là rừng nguyên sinh, cheo leo nằm ở sườn đông của dãy Trường Sơn với độ cao trung bình 1.200 - 1.400 m so với mực nước biển. Rừng nằm trên địa phận 3 huyện của Nghệ An, tiếp giáp với Lào. Hàng vạn người dân sống ven rừng, trong đó có tộc người Đan Lai sống trong vùng lõi của rừng từ hàng trăm năm trước. Dù đề án đưa người Đan Lai ra khỏi rừng đã được thực hiện từ hơn 10 năm nay, nhưng hiện vẫn còn gần 200 gia đình đang sinh sống ở đây và cuộc sống của họ vẫn hoàn toàn dựa vào rừng. Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, nói vì thế, việc giữ rừng là vô cùng vất vả.
“Biệt đội” giải cứu thú rừng: Nơi tái sinh

Một con lửng đang được điều trị, chăm sóc tại trung tâm

ẢNH: KHÁNH HOAN

“Sống trong rừng, nhu cầu của người dân cần gỗ để làm nhà và săn bắt thú rừng, cá dưới suối để làm thức ăn. Dù luật đã nghiêm cấm nhưng rất khó để ngăn chặn người dân xâm hại đến rừng”, ông Cường nói. Hiện lực lượng kiểm lâm của vườn chỉ có 77 người, đảm trách ở 11 trạm kiểm soát, trong khi phải là 188 người mới có thể đảm trách hết lượng công việc. Áp lực công việc quá cao nên 5 năm qua, đã có 13 kiểm lâm viên bỏ việc.
Trong điều kiện đó, theo ông Cường, rất may mắn, “biệt đội” giải cứu thú rừng ra đời từ năm 2018 đã tiếp sức cho lực lượng kiểm lâm. Hai năm qua, lực lượng này đã liên tục tổ chức hàng trăm đợt đi dài ngày trong rừng để kiểm tra, bảo vệ và giải cứu thú bị săn bắn, đánh bẫy. Dù thu nhập chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng, nhưng anh em rất yêu, đam mê với công việc. “Chúng tôi rất ghi nhận sự hợp tác này và từ khi được tiếp sức, Pù Mát đã bình yên hơn rất nhiều”, ông Cường nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.