'Vương quốc hoa kiểng' khắp miền vào mùa Tết - Kỳ 7: Những 'cao thủ' chạy sô

19/01/2019 11:00 GMT+7

Khi làng mai Phước Định, xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ (Vĩnh Long) vào vụ Tết, những người thợ bứng mai cũng tất bật “chạy sô”. Tùy gốc mai lớn, nhỏ, mỗi thợ kiếm từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.

Ông Lê Thanh Sơn (50 tuổi, ngụ ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước) có thâm niên hơn 20 năm kinh nghiệm bứng, sửa, trồng mai thuê. Ông Sơn là một trong những "cao thủ" của nghề đặc biệt này ở làng mai Phước Định.
Ông Sơn cho biết do đam mê cây kiểng, từ thời thanh niên, ông đã thường xuyên tìm mua kiểng ở nhiều nơi đem về trồng trong vườn, sau đó bán lại, tìm mua cây khác ưng ý hơn. Dần dà, ông càng thành thạo các công đoạn bứng, di chuyển, chỉnh sửa mai hơn. Đến năm 2009, làng mai Phước Định được thành lập, ông chuyển hẳn sang nghề bứng mai và sửa mai cho đến nay.

Nghề... "không dễ ăn"

Thông thường, khách hàng thường thuê bứng gốc để “đội” đất lên cao, hoặc một số người “săn” mai về bán lại, hoặc mua về chưng tết nên các thành viên trong đội thường phải xuyên suốt quanh năm.
Theo ông Sơn, khi bứng mai phải kiểm tra xem cây có đủ sức khỏe hay không, bằng cách xem bộ lá, khí hậu, loại đất, thời gian mai "hưởng" nắng trong ngày, mai có nhánh to nào đang bị chết, mai có bị nhiễm bệnh hay không…, mới đưa ra quyết định và thời gian tập hợp các "cao thủ" để bứng. Nếu cây mai "quá yếu" thì không nên bứng, bởi bứng lên sẽ dễ làm cây chết và người bứng phải bồi thường.
Nếu cây mai "quá yếu" thì không nên bứng, bởi bứng lên sẽ dễ làm cây chết và người bứng phải bồi thường. Trong ảnh là gốc mai 200 năm tuổi có giá trên 1 tỉ đồng được các thành viên trong đội bứng mai xử lý “đội” đất lên cao hơn  ẢNH: DUY TÂN
Công đoạn bứng mai khá phức tạp, đòi hỏi người bứng phải am hiểu tận tường kỹ thuật để tránh bứng mai bị lỗi. Thời điểm nào trong năm cũng có thể bứng mai được, nhưng “chắc ăn” nhất phải bứng vào thời điểm cây đang mang bộ lá già, không có mầm non và lá non. Nếu bộ lá còn quá non, phải chờ thêm 1 thời gian cho lá già đi. Đó là một... tuyệt kỹ của nghề.
Thông thường, thời gian bứng cây khỏe nhất là từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, vì lúc này bộ lá mai vàng đã già, cây đã tích lũy nhiều dinh dưỡng để chuẩn bị ra hoa nên cây sẽ khỏe, bứng về tỷ lệ sống là rất cao, cây ra chồi khỏe mạnh. 
Bầu chọn
Thường ngày, đặc biệt là dịp lễ, tết, gia đình bạn có thói quen:
Đối với một cây “khủng” thì phải cần hơn 5 "cao thủ" bứng và di chuyển. Trước khi đào, bứng cây phải xem gốc lớn hay nhỏ và bứng hết bộ rễ của gốc mai. Giữ bộ tàn và tỉa tàn lá cho gọn gàng. Nhưng để giữ được tàn cây thì phải bứng bầu đất thật to, đường kính bầu đất phải ít nhất gấp đôi đường kính thân mai.
Trong khâu bứng, việc cắt rễ và đưa gốc mai lên khỏi mặt đất cũng rất quan trọng. Nếu phải cắt rễ, thì cắt vừa đủ để không tác động đến sức khỏe của mai. Đặc biệt, phải xác định được bộ rễ cái tới đâu và bắt đầu đào ngang, dùng xẻng đào ở gốc cây đến khi đụng được bộ rễ. Sau khi keo bôi vào vết cắt đã khô, tiến hành dùng dây thun quấn thật chặt bầu đất để không bị vỡ lúc di chuyển, tránh cây không bị sốc khi thay đổi môi trường sống dẫn đến chết cây.
Tiền thù lao của "cao thủ" bứng mai dao động tùy theo độ “khủng” của cây ẢNH: DUY TÂN
Sau khi cây đươc bứng, các "cao thủ" trong đội sẽ dùng thiết bị kéo di chuyển cây đến vị trí trồng mới đã được làm phẳng và được rải một lớp xơ dừa, phân hữu cơ. Sau đó, cân chỉnh cho cây ngay đúng vị trí để đưa cây xuống. Đối với công đoạn này, nếu không có các thiết bị “chuyên dụng” phải cần ít nhất khoảng 10 người, nếu có thiết bị chỉ cần 5 người cũng có thể hoàn thành.

Tết no đủ nhờ được… bứng mai

Ông Nguyễn Văn Minh (50 tuổi), thành viên vừa gia nhập đội bứng mai khoảng 1 năm nay, cho biết: “Lúc trước tôi đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống qua ngày. Từ ngày tham gia đội bứng mai thì thu nhập ổn định hơn. Đa phần kỹ thuật được anh em trong đội truyền lại và tự rút ra trong quá trình bứng mai. Nghề này cũng rất cực khổ, nhất là vào những ngày cao điểm mùa tết. Suốt ngày phải còng lưng dưới nắng, dùng sức để kéo và di chuyển cây khiến tay chân thường xuyên đau nhức. Mặc dù cực nhưng bù lại tôi có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày để giúp gia đình có một cái tết no đủ”.
Những gốc mai cổ thụ trị giá tiền tỉ, mỗi khi bứng, di chuyển, đòi hỏi phải có "tuyệt kỹ" ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Ông Trần Văn Hòa (59 tuổi, ngụ xã Bình Hòa Phước), chủ vườn mai vàng, cho biết ông có 4 công đất trồng kiểng, gồm 2 khu đất trồng hơn 200 cây vạn niên tùng và 60 gốc mai vàng cổ thụ. Đặc biệt là gốc mai hơn 200 năm tuổi đang thuê các "cao thủ" bứng cây chuyên nghiệp di chuyển và “đội” đất cao hơn để tránh những tháng mưa cây bị úng và thối rễ. Đa phần các thành viên trong xóm tập hợp thành một nhóm bứng mai chuyên nghiệp nên ông rất yên tâm khi thuê mướn.
 
Ông Lê Thanh Sơn cho biết đội bứng mai thuê ở làng mai Phước Định hiện có 10 người. Thông thường, nghề này làm liên tục trong năm, nhưng cao điểm là đầu tháng Chạp. Đây cũng là lúc nhiều nhà vườn tại địa phương và một số khách hàng tại các tỉnh, thành lân cận “đặt hàng” liên tục. Các thành viên trong đội phải đội đèn đi bứng mai từ 5 giờ sáng và đến nửa đêm mới về nhà, nhưng bù lại tiền công kiếm được kha khá. Tùy thuộc vào kích thước và giá trị của cây, chủ vườn trả công từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/người/ngày.
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.