Em đề nghị khởi tố anh
Theo nội dung vụ án, Công ty TNHH dịch vụ Thanh Bình đóng tại khách sạn Thanh Bình (P.Phước Hội) do ông Phạm Văn Đức làm giám đốc (góp vốn 60% và Phạm Trọng Hiếu, 34 tuổi; em trai Đức góp vốn 40%). Ngày 5.10.2011, Đức làm hợp đồng thuê khách sạn Thanh Bình của vợ chồng ông Phạm Kim Oanh và bà Bùi Thị Hòa (cha mẹ Đức và Hiếu) để kinh doanh dịch vụ lưu trú trong thời gian 30 năm.
Khoảng 13 giờ ngày 9.5.2017, ông Oanh đến nhà Đức cho biết vừa bị Hiếu đuổi ra khỏi nhà (Khách sạn Thanh Bình). Nghe vậy, Đức đến khách sạn gặp Hiếu để hỏi chuyện. Tại đây, trong lúc lời qua tiếng lại, Đức nóng giận xô ngã một số vật dụng trên quầy lễ tân và ném bể chiếc máy in. Sau đó, ông Hiếu làm đơn yêu cầu công an khởi tố Đức.
Ngày 28.8.2017, Cơ quan CSĐT Công an TX. La Gi khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Đức về hành vi hủy hoại tài sản. Theo CQĐT tài sản bị thiệt hại bao gồm 1 màn hình máy tính hiệu LG, 1 máy in hiệu EPSON, 1 máy tính tiền hiệu P8O EFT- POS với tổng giá trị 7,7 triệu đồng.
Tài sản của ai?
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm (xét xử vào ngày 18,19 và tuyên án 25.7), bị cáo Phạm Văn Đức thừa nhận hành vi sai của mình và sẵn sàng mua trả lại số tài sản bị hư hỏng. Tuy nhiên, Đức khai rằng khách sạn Thanh Bình do ông làm đại diện theo pháp luật thì tại sao lại bị truy cứu tội hủy hoại tài sản. Bị cáo Đức khai: “Công ty Thanh Bình kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có khách sạn. Việc xây dựng, mua sắm vật dụng trong khách sạn đều do tôi thực hiện. Ban đầu việc điều hành đều do tôi. Về sau, lo kinh doanh ngành nghề khác, nên giao Hiếu trông coi”.
Mặc dù giấy phép kinh doanh của Công ty Thanh Bình do ông Đức làm giám đốc do Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận cấp vẫn còn hiệu lực và hợp đồng thuê khách sạn (30 năm) vẫn còn giá trị nhưng cáo trạng lại buộc: “Trong quá trình kinh doanh, Đức không đáp ứng đúng quy định theo hợp đồng nên ngày 10.10.2014, ông Oanh và bà Hòa làm hợp đồng tặng khách sạn Thanh Bình cho con gái là bà Phạm Thị Tuyết Minh (em ruột Đức, đang định cư tại Mỹ). Như vậy Đức không còn quyền sở hữu tài sản để quản lý khách sạn”. Đồng thời, cáo trạng cho rằng căn cứ vào hợp đồng (không được công chứng) của bà Minh cho em ruột là ông Hiếu thuê khách sạn Thanh Bình (từ ngày 1.1.2015 đến ngày 31.12.2020), để công nhận ông Hiếu là người quản lý khách sạn. Bào chữa cho bị cáo Đức, Luật sư Bùi Văn Tích (Đoàn Luật sư Bình Thuận) cho rằng đây là hợp đồng vô hiệu.
Cũng theo luật sư Tích, ngoài việc loại bỏ vai trò của ông Đức tại khách sạn Thanh Bình, thì việc định giá tài sản bị thiệt hại trong vụ án được CQĐT thực hiện có vấn đề từ khâu quản lý tang vật đến giám định. Cụ thể, tại biên bản khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra ghi nhận: “Phát hiện 1 máy cà thẻ tính tiền màu xám nằm treo lơ lững trên bàn lễ tân”. Bản ảnh của tang vật này không bị bể. Tuy nhiên, trong danh mục các vật dụng bị hư hỏng được giám định thì chiếc máy này đã bị bể, định giá thiệt hại 4,4 triệu đồng (trong tổng số tài sản bị thiệt hại 7,7 triệu đồng). Ngoài ra, trong quá trình điều tra, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Bình Thuận (tham gia với tư cách đại diện nguyên đơn dân sự) không yêu cầu bồi thường nhưng CQĐT vẫn đưa vào vụ án để nâng mức thiệt hại.
“Vụ việc có tính chất gia đình đúng ra chỉ cần được hòa giải, thì đã bị hình sự hóa, thúc đẩy sự việc ngày càng nghiêm trọng dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng TX.La Gi phải vào cuộc suốt thời gian dài. Cả một hệ thống pháp luật phải tham gia vào sự việc chỉ đáng xử lý vi phạm hành chính", luật sư Tích phát biểu.
Vẫn giữ quan điểm của cáo trạng đã truy tố, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án 3 đến 6 tháng nhưng cho hưởng án treo. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng (giám định có nhiều sai xót).
Bình luận (0)