'Đồng lòng chống dịch': Sa Huỳnh những ngày chống dịch

04/08/2021 06:36 GMT+7

Khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, người dân Sa Huỳnh (P.Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho rằng cái câu 'quá tam ba bận' sai rồi. Là nói cho vui chứ 'thằng giặc Covid' đâu có hứa một đi không trở lại.

Có những đồng lòng nhờ... cách ly

Ngày đầu phát hiện ca nhiễm, các chốt kiểm dịch mọc lên. Việc đọc báo giấy gặp trở ngại. Từ Quy Nhơn, Báo Thanh Niên phải vòng qua đường tránh Sa Huỳnh. Độc giả phải lọ mọ dậy sớm, đứng chờ từ 5 giờ sáng để đón xe lấy báo. Đi trễ, chốt kiểm soát không cho qua. Vậy là phải xa báo một ngày. Có bạn đọc đi cách ly gọi về nói sáng sớm nghe bàn tay buồn buồn. Nghĩ một chặp mới hiểu ra: thiếu tờ báo.
Biển vắng thuyền. Bãi vắng người. Nhiều ông sồn sồn tập thể dục trước nhà, thôi vác cái bụng bự xuống bãi. Chị em yoga nhào lộn uốn éo trên thềm. Thanh thiếu niên không có chỗ đá banh, đấm bao cát hự hự trong sân.
Trong một bữa giỗ, H. ngồi gần một F0 nên bị buộc phải đi cách ly. Chị vợ tự tin ký biên bản tự cách ly tại nhà xong thì lui cui soạn tư trang cho chồng. Xe y tế bấm còi inh ỏi. H. thò đầu ra cửa mếu máo: “Em đưa cho anh mấy gói thuốc lá”. Vợ hớt hơ hớt hải chạy vô nhà. Một bác sĩ mở cửa xe bước xuống: “Không thuốc men gì hết. Đi!”.
H. nghiện thuốc lá nặng, môi lúc nào cũng lập lòe đom đóm. Vợ rên rỉ, không thuốc vài giờ chắc ảnh chết. Bữa sau H. điện về, nói anh khổ lắm vì thiếu thuốc và mất ngủ. Ban ngày thì vật vờ, ban đêm chiêm bao thấy một giường thuốc lá. Tỉnh dậy nhớ thuốc và nhớ em kinh khủng. Vợ nói anh xạo, không ngủ được sao thấy chiêm bao?
Tuần sau H. tâm sự trên “phây”, có gắn thẻ cho vợ, nói cả 6 anh em trong phòng dứt khoát cách ly “khói lửa” rồi. Tất cả đều khỏe và đã tổng kết cuộc thi... nói xấu thuốc lá. Một thằng đạt giải nhất vì nói hay: “Bỏ thuốc lá là thôi giết mình, giết vợ con mình một cách từ từ”. Biết chuyện, cô hàng xóm mơ màng: “Ước gì ông chồng liên tục “bập phà” của em được cách ly và cách luôn thuốc lá như chồng chị”.
Chuyện này cũng “có hậu” không kém chuyện trên. Cháu bà A. “dính” F1 trong lớp học thêm. Cháu ông B. nhà bên cũng “dính” luôn. Tụi nó đều có cha mẹ kẹt dịch ở Sài Gòn. Vậy là lớn nhỏ 4 người phải đi cách ly. Bà A. hay gọi ông B. là “thằng cha” vì giữa hai người có mâu thuẫn. Nhưng “định mệnh” xui khiến họ ở hai phòng sát nhau. Nơi lạ cảnh lạ người, hai ông bà cùng quê giúp nhau chai nước, cái bánh, gói xôi rồi tự nhiên tảng băng trong quan hệ lâu nay tan chảy.
Sau một tuần, từ nơi “nghỉ mát”, ông B. gọi điện về khoe đã làm lành với bà A. rồi. Con cháu hai nhà ai nấy mừng ra mặt. Có tiếng bà A. trong điện thoại của ông B.: “Nhờ cách ly đó nghen”. Ông B. cười khà khà: “Cách ly mà không xa cách mới hay”. Tổ trưởng dân phố gặp ai cũng khoe cái tin hòa giải giữa bà A. với ông B. ở khu cách ly. Ông nói cách ly là để mà gần.
Vượt qua Covid-19 'Đồng lòng chống dịch': Sa Huỳnh những ngày chống dịch1

Phóng viên các báo, đài thường trực trong tâm dịch Sa Huỳnh để thông tin tuyên truyền

Ép dầu ép mỡ lỡ dính F0...

Thương anh em trong lực lượng căng mình trực chốt, dân trong phường tự giác hỗ trợ mì tôm, nước ngọt, bánh trái, cà phê... Nhiều tổ chức, cá nhân là người Sa Huỳnh đang sinh sống ở Sài Gòn gửi nhu yếu phẩm về giúp bà con quê hương. Hoạn nạn phát sinh từ dịch bệnh đã “kích hoạt” tình cảm tương thân tương ái là điều ai cũng thấy.
Gần 10 nhà báo đi vào tâm dịch. Họ đã ở bên dân, nghe dân kể chuyện sống trong dịch bệnh. Tấm lòng giúp đỡ người dân thể hiện ở ngay tường rào cổng ngõ. Phóng viên Lê Chương (Báo Biên phòng) gọi cửa nhà dân, đưa túm rau quả qua hàng rào. Phóng viên Đông Huyền (Báo Nhân Dân) phanh kít xe lại, vội vã đưa mấy bánh lương khô cho một người dân trước căn nhà xập xệ nhất trên đường cái quan.
Các phóng viên Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi lụng thụng trong bộ quần áo chống dịch, đi xuống bến cảng, vào các ngõ ngách trò chuyện với dân, cảm nhận “mùi thời dịch” để đưa lên trang viết.
“Tụi em đứa nào cũng có con nhỏ. Xế chiều, con quấy khóc, đòi ba mở điện thoại để thấy mẹ. Có đứa tuyên bố... đâu có dịch là ta cứ đi nên suốt tuần không gặp mặt con. Có đứa nói gở, kiểu này lỡ “dính dịch” thì đi “Cali” (cách ly) là cái chắc. Ai cũng biết đã vào vùng dịch là tiềm ẩn nguy cơ, phải “né” cơ quan, làm việc qua mạng”, phóng viên Mỹ Hoa (Báo Quảng Ngãi) chia sẻ.
Thời Covid-19, nhiều đám cưới phải đình. Có nhà xúi chú rể cưới “chạy dịch”. Nhưng chú rể lắc đầu: “Chuyện trăm năm, bao nhiêu cái trăng rằm cũng đợi. Ba má khát dâu hổng bằng con... khát vợ đâu. Ráng chờ qua dịch chứ đừng ép con. Dịch giã kiểu này, ép dầu ép mỡ lỡ dính F0 thì hối không kịp”.

Gia đình là “pháo đài” chống dịch

Biển dã, chợ búa, hàng quán... tạm ngưng hoạt động. Nhà cách ly nhà. Chỉ những điểm test (xét nghiệm) mới thấy đông người nhưng xếp hàng giãn cách. Cả nhà cùng ghi một phiếu để lỡ có gì truy cho dễ. Một học sinh tiểu học nói với nhóm bạn: “Người lớn xếp hàng coi đẹp hơn tụi mình nhiều”. Một đứa có vẻ hiểu biết: “Dịch mà. Nó ác lắm, bóp cổ họng, thở hổng được. Mấy phút chết liền”. Một đứa cãi: “Gì mà chết liền. Má tao nói đừng chạy chơi ngoài đường, uống nước chanh nhiều. Thường rửa tay. Tối ngủ riêng, khò nước muối cho kỹ. Ba tao nói làm vậy Covid chết như rạ”.
Một nếp sống mới thời dịch bệnh được cài đặt. Con dắt xe ra cổng bị cha mẹ truy vấn ngay: “Đi đâu? Thôi thôi! Ở nhà giùm mẹ cái đi. Dịch giã tùm lum. Loa đài rần rần ngoài đường. Con không nghe à?”. “Con đi biển mới vô, gặp bạn chút rồi về. Từ “không giờ” Chỉ thị 16 mới có hiệu lực mà. Giờ còn sớm”. Ông ba trợn mắt: “Ba nói không đi là không đi. Chỉ thị như vậy nhưng dịch nó có nói “mày cứ đi, không giờ tao mới lây lan đâu”. Ở nhà đi con. Cá không ăn muối cá ươn. Thời Covid nhảy ra đường là nguy”.
Ngư dân Q. gọi bạn nhậu trước khi “xa nhau”. Ai cũng tuân thủ “5K” nên từ chối. Q. uống một mình. Chờ cả buổi không thấy ai đi ngang, Q. lè nhè: “Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn...”. Say, Q. lại lè nhè: “Ai sợ cứ sợ. Ai nhậu cứ nhậu. Đồ nhát như thỏ. Mới cảm sơ đã lập bàn thờ”. “Chửi” đã rồi Q. dắt con SH to đùng ra cổng: “Tao đi lòng vòng cho mát”. Vợ ngăn lại nhưng Q. không... hợp tác.
Khoảng nửa tiếng sau vợ nhận điện thoại từ công an thông báo chồng bị phạt triệu rưỡi, tạm giữ xe. Lý do: Không mũ bảo hiểm. Không giấy tờ xe. Không bằng lái. Không khẩu trang. Chỉ có một cái không cần mà lại có, là mùi bia nồng nặc. Cha Q., là ông Tài, hay tin vừa chạy vừa đeo khẩu trang tới xắn tay áo đòi đánh Q. Ông mắng: “Đang có dịch mà không khẩu trang, còn đi nghênh ngang. Đúng là loại thừa tiền thiếu chữ”.
Bà giáo về hưu hay “lý giải” cho hàng xóm về những câu chuyện trên. Bà nói gia đình là cái gốc của xã hội. Cái gốc khỏe thì xã hội hồng hào. Cái gốc lung lay thì xã hội bệnh hoạn. Nhà nào cũng đồng lòng, cũng quyết tâm, làm tốt các quy định phòng chống dịch thì cúm tây cúm tàu gì cũng bó tay. Trường lũy chống dịch vững chắc là từ mỗi gia đình dựng nên chớ đâu. Đồn trưởng biên phòng hưởng ứng: “Dạ đúng quá cô ơi. Gia đình là pháo đài chống dịch mà”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.