Chống được dịch vẫn là trên hết: Dãi nắng, dầm mưa, cơm hộp, xa nhà, nhớ con

Bích Ngân
Bích Ngân
01/08/2021 13:59 GMT+7

TP.HCM những ngày này buồn hiu hắt. Phố vắng, đường im thinh, sự phồn hoa thường lệ nhường bước cho những “nốt trầm”. Đại dịch Covid-19 lại càn quét thêm một đợt mới, phức tạp hơn, dai dẳng và đau thương hơn, khiến người dân thành phố đầu tàu về kinh tế cả nước này phải chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để đổi lấy sự bình an lâu dài.

Người dân lo lắng, cùng với bao lo lắng của những người có trách nhiệm. Hằng ngày, hằng đêm, có hàng trăm cán bộ chiến sĩ gánh vác nhiệm vụ thầm lặng bảo vệ người dân trước dịch dã nguy nan.

Dãi nắng, dầm mưa, cơm hộp...

Tiết trời Sài Gòn, nắng thì gắt gỏng, mưa thì chẳng hề báo trước, đùng cái giông lốc, nước đổ xối xả từng hồi. Dịch bệnh tạo ra những tình huống căng thẳng suốt hơn một tháng nay, khiến cho lực lượng trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 thêm phần nhọc nhằn, vất vả.
Khoảng 16 giờ ngày 30.7, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai (hướng đi Ngã Sáu Phù Đổng, Q.1). Lúc này, lượng người đi làm, đi mua đồ ăn, đi giao hàng, đi tiêm vắc xin... đổ về đây khá đông. Gác barie được dựng giữa đường để kiểm soát người qua lại. Thời tiết nắng nóng cộng với áp lực công việc lớn, nhiều chiến sĩ công an tại đây đã phải “căng mình” để hướng dẫn người dân chấp hành quy định phòng chống dịch.
Thượng úy Bùi Đăng Thành (cán bộ Đội CSGT Q.1) được phân công làm tổ trưởng kíp trực. Hôm đó kíp trực của thượng úy Thành làm việc từ 6 giờ - 10 giờ và từ 14 giờ - 18 giờ. Trại dã chiến khai báo y tế cũng là nơi giao ban giữa các kíp trực. Mọi thứ đều tối giản nhưng vẫn đảm bảo ghi chép đầy đủ số liệu, tình hình lại chốt.
“Tuyến đường này vào giờ cao điểm có khá đông người dân qua lại. cán bộ, Chiến sĩ trực chốt yêu cầu người dân tấp vào lề để lần lượt kiểm tra giấy tờ, thì một số thanh niên tăng ga phóng xe bỏ chạy, may là kịp thời ngăn chặn”, thượng úy Thành vừa kể, vừa lấy tay quệt mồ hôi lấm tấm trên trán.

Thượng úy Bùi Đăng Thành đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 đường Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1)

BÍCH NGÂN

Các cán bộ, chiến sĩ hiểu chỉ cần một phút lơ là, một chiếc xe chạy qua mà không được kiểm soát cũng có thể gây thêm khó khăn cho công tác phòng chống dịch, nên dù “nắng cháy da tay” hay tới cữ ăn cơm, thì các anh cũng không bỏ chốt. Bao nhiêu ngày làm nhiệm vụ ở chốt thì có bấy nhiêu ngày cơm hộp đã trở thành khẩu phần quen đối với họ.
Chốt kiểm soát Covid-19 hôm đó có 5 thành viên gồm 4 chiến sĩ công an và 1 dân quân tự vệ. Tuy cái nắng buổi chiều nhưng cán bộ, chiến sĩ cũng đã thấm mệt vì công việc đứng ngoài đường khói bụi cả ngày, gương mặt mọi người mồ hôi nhễ nhại.
Chừng 10 phút sau thì bầu trời vần vũ báo hiệu một cơn mưa sắp đến, chúng tôi hỏi: “Chắc cơn mưa này lớn lắm, anh em tính sao?”. Thượng úy Bùi Đăng Thành nói: “Mưa nhỏ thì anh em mặc áo mưa làm nhiệm vụ. Chừng nào mưa lớn quá mới chạy vô lều trú. Mà dạo này mưa lớn kèm gió giông tốc mái lều nên anh em ướt sũng để cố định giữ cái lều”.
Dường như, câu chuyện “dãi nắng, dầm mưa” thì cán bộ, chiến sĩ nào trực chốt cũng từng trải qua. Nhưng vẫn may là hôm ấy trời đổ cơn mưa vừa đủ mát, khi mưa ngớt dần, bầu trời sáng từ từ và nắng rực một màu vàng tươi.

Trung úy Lê Thảo Nhi làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) lúc trời sắp mưa

BÍCH NGÂN

Trung úy Lê Thảo Nhi (cán bộ Đội quản lý hành chính Công an Q.1) cũng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch này. Chị cho biết: “Cũng như các đồng nghiệp khác, tôi đi làm nhiệm vụ đã gần 2 tháng chưa về nhà. Nói thật, nhiều anh em nhớ nhà, thiếu ngủ, ăn uống có khi không đúng giờ. Song mỗi người luôn được tiếp thêm sức mạnh là tình cảm của người dân, lời động viên từ gia đình, sự quan tâm của đơn vị dành cho cán bộ, chiến sĩ công an và lực lượng phòng chống dịch”.

Thắm tình người, tình đồng đội

Khoảng 11 giờ 45 ngày 31.7, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Minh Nghệ (P.Tam Bình, TP.Thủ Đức). Dưới cái nắng chói chang buổi trưa, mấy chị ra đường bịt khẩu trang kín mít, tất thảy ai nấy đều hối hả chạy về nhà; duy chỉ có đại úy Phan Hoàng Thụ (cán bộ Công an P.Tam Bình) cùng nhiều đồng đội vẫn đang đội nắng tất bật kiểm tra giấy tờ người đi đường.
So với các quận trung tâm, nhịp độ ở vùng quen TP.HCM cũng “đông đúc” không kém. “Tính trên địa bàn TP.Thủ Đức thì P.Tam Bình có số lượng ca nhiễm F0 và người trong các khu phong tỏa hoặc diện cách ly rất cao, cho nên áp lực của anh em là rất lớn. Hình như không có sự ngơi nghỉ, anh em làm hết công suất và không được về nhà”, đại úy Thụ bộc bạch.
Qua 30 phút quan sát, chúng tôi thấy được sự nghiêm ngặt trong công tác kiểm soát người qua lại tại chốt trực này. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bắt buộc lực lượng phải linh động vì yếu tố tình người, nhân văn.
Đại úy Thụ nói: “Ví dụ như trường hợp ông D. ra đường vì nhà có tang, không mang theo giấy tờ, nhưng nếu trình bày đúng sự thật thì chúng tôi không thể phạt họ được”. Ngoài ra, còn có nhiều người lao động lâm vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, trụ lại Sài Gòn không nổi nữa do hết tiền ăn, tiền đóng nhà trọ… phải khăn gói về quê. Gặp chốt kiểm soát, họ nước mắt lưng tròng kể thật, giằng lòng không đặng, đại úy Thụ gom góp anh em được vài trăm ngàn đồng bỏ vào túi người dân, sau đó yêu cầu quay xe trở lại kèm theo lời chúc “sớm vượt qua đại dịch”.
“Cảnh khó ai cũng như ai. Bầu ơi thương lấy bí cùng mà thôi”, đại úy Phan Hoàng Thụ cười hiền lành sau câu nói rất thơ ấy!

Trại dã chiến nơi chốt trực kiểm soát dịch Covid-19 của các chiến sĩ công an và đồng đội

BÍCH NGÂN

Trên thực tế, làm nhiệm vụ chống dịch nhọc nhằn gấp 2, gấp 3 lần phần việc ngày bình thường. Các cán bộ, chiến sĩ P.Tam Bình phải đứng trước rất nhiều áp lực, kể cả là nguy cơ bị lây nhiễm bệnh tật. Dẫu vậy, họ vẫn không ít lần gặp phải tình huống “dở khóc dở cười”. Nhiều người dân thiếu ý thức, không chấp hành còn tỏ thái độ hằn học, thách thức lực lượng chức năng.
“Có hôm trực chốt cả ngày ngoài đường, hết nắng rồi mưa, ăn không đúng bữa..., anh em bơ phờ luôn. Đã vậy, còn bị một bộ phần người dân gây hấn, dùng nhiều lời lẽ nặng nề với anh em. Trong những tình huống như vậy, lực lượng chúng tôi phải rất bình tĩnh, thể hiện sự bản lĩnh để tránh để xảy ra những tình huống xấu nhất. Chống dịch vẫn là trên hết mà”, đại úy Thụ tâm sự.
Với những cán bộ như đại úy Phan Hoàng Thụ, sức nặng trong công việc phải gồng gánh hơn 1 tháng nay khó thể tả hết bằng lời. May thay, anh đang có được những đồng đội luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau tận tình.
Tại Công an P.Tam Bình, nhiều cán bộ trực đêm về, nếu có bị kiệt sức thì có ngay người khác sẵn sàng choàng việc để anh em nghỉ ngơi lại sức. Ngoài ra, nhờ được Ban chỉ huy Công an phường quan tâm, phối hợp Ủy ban MTTQ VN phường kêu gọi được nguồn trang bị đồ bảo hộ, các nhu, yếu phẩm cho anh em… Đó chính là động lực to lớn để các cán bộ, chiến sĩ dù xa nhà, nhớ nhà nhưng vẫn hoàn tốt thành nhiệm vụ được giao.

Ước mơ sớm đoàn viên

Gần 2 tháng đi làm nhiệm vụ cũng là ngần ấy thời gian đại úy Phan Hoàng Thụ chưa về nhà. Quan sát những cán bộ, chiến sĩ ở chốt làm việc, chúng tôi thấy họ luôn bận rộn. 
Vừa làm việc, đại úy Thụ vừa bộc bạch: “Vợ tôi cũng làm trong ngành công an luôn, nên mấy ngày nay cũng bận trực chốt giống tôi. Con tôi 12 tuổi giờ không đi học, bố mẹ bận công tác nên gửi cho nhà ngoại chăm. Nói thật là cũng nhớ vợ với con nhiều”.

Đại úy Phan Hoàng Thụ kiểm tra giấy tờ và hướng dẫn người dân tại chốt kiểm soát Minh Nghệ (P.Tam Bình, TP.Thủ Đức)

BÍCH NGÂN

Chúng tôi chia tay chốt kiểm soát dịch Minh Nghệ khi kim đồng hồ đã điểm 12 giờ 30 phút. Lúc này ngoài đường vẫn chưa ngớt người dân đi lại. Ngoái nhìn lại, chúng tôi thấy các cán bộ, chiến sĩ lưng vẫn ướt đẫm mồ hôi.
Chạy xe dọc đường Gò Dưa, chúng tôi dừng chân tại chốt kiểm dịch Covid-19 Gò Dưa - Trạm Cân (P.Tam Phú). Dòng xe đổ từ Bình Phước về theo hướng Q.13 tuy không đông, nhưng một lượt có mấy xe rồi lắt nhắt cả ngày. Lúc chúng tôi đến thấy những hộp cơm trưa còn đầy ắp, hỏi ra mới biết có người vẫn chưa “hột cơm bỏ bụng”. Người dân đến đây cũng có “1.001 lý do đòi qua chốt”…
Dịch bệnh kéo dài, đất nước chấp nhận hy sinh kinh tế để bảo vệ con người. Nhưng trong cuộc chiến Covid-19, không chỉ có thượng úy Bùi Đăng Thành, đại úy Phan Hoàng Thụ, trung úy Lê Thảo Nhi... mà còn có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Công an TP.HCM, Bộ Công an, lực lượng phòng chống dịch túc trực xuyên đêm cũng như sự đồng lòng của người dân.
Dịch bệnh còn kéo dài thêm ngày nào là ngày đó, lực lượng tuyến đầu chống dịch vẫn chưa được sum vầy với gia đình. Để tham gia vào cuộc chiến này, người dân hãy làm theo thông điệp “ở nhà là yêu nước, ở nhà là chung tay cùng cả nước chống dịch”.
“Yêu ba...”
Ngày 30.7, mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài 11 giây ghi lại cảnh anh Lê Đức Long, Phó trưởng Công an P.Cầu Ông Lãnh (Q.1) khi hết ca trực vẫn còn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, chạy về đứng bên dưới nhà. Các con luôn nhớ thương ba nên vừa nhìn thấy anh, các con đã vội gửi thật nhiều nụ hôn gió và nhắn gửi: “Yêu ba. Ba nhớ mặc áo mưa nha” trước khi anh lại vụt chạy đi.
Vợ của anh Lê Đức Long cũng làm trong ngành công an, bận đi trực nên 2 con nhỏ của anh chị gửi cho ông bà nội chăm sóc. Khi anh Long đã chạy xe đi, cô con gái vẫn ngoái đầu nhìn theo khiến nhiều người rưng rưng. Với người chiến sĩ công an, trong lúc này, niềm hạnh phúc đơn giản chỉ cần có vậy, nhưng không phải lúc nào cũng có được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.