Sinh viên ở Đà Nẵng làm điều bất ngờ, ấm lòng đoàn người về quê tránh dịch

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
31/07/2021 08:50 GMT+7

Sinh viên Trường đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã rất thực tế khi chọn một lĩnh vực để giúp đỡ người dân trên đường về quê: sửa chữa xe máy.

Trong lúc nhiều người ngồi trong nhà than vãn về sự gò bó, ra đường không chấp hành quy định lại còn cự cãi với người làm nhiệm vụ… thì biết bao người khác, bằng khả năng trong phạm vi mình có thể, làm từ việc nhỏ nhất để dìu nhau vượt qua dịch bệnh Covid-19. Sinh viên Trường đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã rất thực tế khi chọn một lĩnh vực để giúp đỡ người dân trên đường về quê: sửa chữa xe máy.

Từ thực tế cuộc sống

Thoạt đầu, nhiều tỉnh thành có chủ trương tổ chức đưa người về quê để giảm áp lực cho TP.HCM khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Thực tế, một số địa phương cũng đã tổ chức được nhiều chuyến, bằng máy bay, tàu hỏa, ô tô… tùy theo điều kiện, để đưa người về quê. Thế nhưng số lượng đăng ký về đông, địa phương thiếu chỗ cách ly, vì thế đã dừng hoạt động này lại.
Từ đó, hàng ngày, càng có thêm nhiều đoàn người đi xe máy từ TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh phía nam về quê, gọi là “tự phát”. Họ là những công nhân, người lao động tự do… gặp khó khăn trong cuộc sống vì dịch bệnh không còn được làm việc, không có thu nhập để sống, chỉ còn một cách cuối cùng là về quê bấu víu vào gia đình.
Không khuyến khích kiểu “tự phát” này vì nó vừa dễ gặp nguy hiểm trên đường, vừa khó quản lý người đi ngang ghé tắt dễ lây nhiễm dịch bệnh, nhưng thực tế đang diễn ra. Chỉ riêng đi ngang địa bàn Đà Nẵng mỗi ngày cũng từ 300 đến 600 người.
Nhìn dòng người, không ai có thể cầm lòng.
Vì thế trên đường, bà con đã góp ủng hộ từ chai nước, trái dừa, suất cơm, hộp sữa... cho đến chai xăng.

Đi đường đã quá mệt mỏi, tạm nghỉ ở nơi dừng chân

Ảnh: Đại học Đông Á

Đi cả ngàn cây số để ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc giữa mùa nắng nóng không chỉ người mà đến xe máy, vốn không phải là loại tốt, cũng phát sinh nhiều vấn đề. Và các em sinh viên Trường đại học Đông Á đã nhận ra điều đó.

Đội sinh viên cứu hộ xe máy

Hình ảnh cảm động nhất lần đầu tiên nhìn thấy là bà con đóng xăng vào chai, hình ảnh tiếp sau đó là CSGT Gia Lai đứng bên chiếc xe đẩy có tấm bảng để: “Xăng miễn phí cho người về quê” thực sự thấy lòng ấm áp.
CSGT Đà Nẵng cũng đã từng ngày đêm túc trực trên đèo Hải Vân để hỗ trợ bà con từ chai nước uống đến xử xý các tình huống phát sinh. Từ đó, các anh đã bàn với Ban quản lý Hầm đường bộ Hải Vân cho bà con đi qua đường hầm bằng xe trung chuyển.
Dù vất vả, mệt mỏi, thậm chí là đuối sức, nhưng chắc chắn bà con đều thấy họ không bị bỏ rơi. Xung quanh vẫn có biết bao người đang dõi theo và giúp đỡ.

Cảnh chợp mắt trước khi tiếp tục “hành quân”

Ảnh: Đại học Đông Á

Ý tưởng cứu hộ xe máy có thể có từ suy nghĩ của nhiều người, nhất là các anh CSGT hàng ngày chứng kiến, nhưng lập một đội “SOS - cứu hộ xe máy” của sinh viên Đại học Đông Á là cách làm hay vì nó có tổ chức để phối hợp và chịu sự chỉ dẫn của các anh CSGT.
Đội có 24 sinh viên các khoa Ô tô, Điện - điện tử, Tự động hóa… Tất nhiên phải biết sửa xe máy.
Các em chủ động quyên góp tiền bạc, thứ thì mua, thứ thì xin đồ cũ còn dùng được, từ săm lốp, phụ tùng, xăng, nhớt… Khi được các anh CSGT làm nhiệm vụ ở chốt báo tin, thì các em trang bị bảo hộ chống dịch cho bản thân và có mặt.

Đêm trắng

2 giờ sáng 28.7 có 392 người, 1 giờ 15 ngày 29.7 gần 600 người đi trên 284 xe máy qua địa bàn xã Hòa Khương, H.Hòa Vang, Đà Nẵng (khu vực giáp Quảng Nam).
Có nhiều nhóm cũng đăng ký tham gia, CSGT lựa chọn đội của sinh viên Đại học Đông Á, theo nhận xét thì các em làm việc có tổ chức, có kỷ luật, có tay nghề, nhiệt tình, tuân thủ quy định phòng chống dịch. Mỗi đêm có 18 em tham gia.
Những ai chứng kiến cảnh cùng lúc chừng đó xe máy, chừng đó người đến một địa điểm, công việc giữ trật tự, sắp xếp giãn cách… cũng đã tốn biết bao thời gian.

Thỉnh thoảng cũng có “ca” nặng

Ảnh: Đại học Đông Á

Khi đó “đội sửa chữa” bắt đầu công việc, đúng là thượng vàng hạ cám: Từ căng xích, xiết bulon, ốc vít, thay săm lốp, thay dầu, vô mỡ, đổ xăng, bơm xe… làm không ngơi nghỉ. Nhưng chưa phải chỉ có thế…
Sinh viên Lê Đình Lượng kể: “Nhiều người khi đến khu vực giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng thì không chạy xe nổi nữa. Anh em chúng em phải cử người dìu từ đó về trạm trung chuyển Nam Hải Vân mất 2 tiếng đồng hồ”.
Bà con thường đến lúc đó nhưng các em phải chuẩn bị từ trưa hôm trước và đêm đó, đúng là đêm trắng.

Có mặt trên từng điểm nóng

Cô Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Đại học Đông Á, cho biết: “Khi đi, nhà trường cho các em kiểm tra, phải mang theo 2 khẩu trang, mũ chống giọt bắn, đồ bảo vệ… Nhà trường còn hỗ trợ cho mỗi bà con 2 hộp sữa, 2 chai nước. Mỗi sinh viên tham gia thì có thêm 100.000 đồng để ăn khuya”.
Đêm. Các em thì ở chốt, cô Đào cũng không thể ngủ, lại điện thoại hỏi han, mỗi lần thế, cô đều băn khoăn: “Lo quá, giá mà các em đã được tiêm vắc xin”.

Bơm căng lốp xe cho người về quê tiếp tục hành trình

Ảnh: Đại học Đông Á

Không chỉ đội sửa xe mà trong những ngày này, 34 bạn sinh viên hỗ trợ tại bệnh viện dã chiến theo yêu cầu từ Sở Y tế Đà Nẵng; trước đó, 38 sinh viên khoa Y của Đại học Đông Á cũng có mặt hỗ trợ cho công tác tiêm phòng
Không chỉ trong dịch bệnh, trong những lần các tỉnh miền Trung bị thiên tai, bão lụt, lúc nào sinh viên Đại học Đông Á cũng có mặt. Năm trước, trường cũng đã giúp bà con H.Lệ Thủy (Quảng Bình) 20 chiếc bè làm bằng nhựa PVC để bà con di chuyển trong mùa lũ, giúp kinh phí để “tiếp viện” cho khu vực bị phong tỏa từ những thứ thuộc về vệ sinh cá nhân của phụ nữ cho đến các thứ hỗ trợ về đời sống.

Nhiều người chờ đến lượt xe mình

Ảnh: Đại học Đông Á

Ngoài kiến thức khoa học chuyên môn, Đại học Đông Á rất quan tâm đến việc dạy kỹ năng sống và kiến thức xã hội, đặc biệt tinh thần vì cộng đồng. Và chuyện sinh viên thức trắng đêm lo sửa chữa xe máy cho các đoàn người về quê, phát huy từ tinh thần vì cộng đồng đó. Tất cả điều đó đã hun đúc vào con người các em sinh viên, tạo thành bản năng, có dịp là bật ra.
Cả nước đang căng mình chống dịch bệnh Covid-19, tất cả đều vì cuộc sống, vì mục tiêu phải sống, còn người là còn tất cả. Vì thế mỗi người hãy kiềm chế cái tôi để nghĩ cho đại cuộc. Phải sống nhưng phải sống với đồng bào!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.