Gia đình tôi đã vượt qua Covid-19

29/09/2021 11:59 GMT+7

Gia đình tôi cả 5 người bị nhiễm Covid-19 , tự điều trị tại nhà ở TP.HCM và may mắn đã mỉm cười khi tất cả đều được bình an.

Để chiến thắng được dịch bệnh Covid-19, tôi nghĩ một số kinh nghiệm sau đã giúp ích rất nhiều cho gia đình tôi vượt qua những thời khắc ngặt nghèo nhất.

Duy trì sự bình tĩnh và lạc quan

Đây có lẽ là cái đầu tiên mà những F0 điều trị tại nhà cần phải có. Khi gia đình tôi mới phát hiện cả 5 người bị nhiễm Covid-19 vào ngày 3.8.2021, thật sự lúc đầu mọi người cũng rất hoang mang vì bố tôi 63 tuổi bị cao huyết áp lại chưa được tiêm vắc xin.
Tôi, 36 tuổi, đã được tiêm vắc xin 1 mũi từ giữa tháng 6.2021, nhưng thể trạng bị béo phì với cân nặng lên đến 96 kg. Vợ tôi, 35 tuổi, chỉ vừa mới được tiêm vắc xin mũi 1 trước đó 2 ngày, người lại bị huyết áp thấp. Ngoài ra còn có 2 đứa con nhỏ, đứa lớn chỉ mới 6 tuổi và đứa út vừa tròn 1 tuổi. Nhưng lo lắng không giải quyết được gì mà còn khiến tình hình tồi tệ thêm.
Đầu tiên, tôi nghiên cứu và nắm bắt kỹ 10 hướng dẫn của PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, về chăm sóc F0 tại nhà. Sau đó, tôi nhanh lấy lại được sự bình tĩnh để kết nối với bác sĩ lên phác đồ điều trị cho cả nhà, cũng như được hướng dẫn thêm kỹ năng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Thông tin có nhiều người bị nhiễm Covid-19 có thể tự chăm sóc ở nhà khỏi bệnh mà chưa cần nhập viện khiến chúng tôi thêm động lực và niềm tin sẽ chiến thắng Covid-19.
Hai đứa con nhỏ của tôi khi bị nhiễm Covid-19 khiến các cháu bị sốt, tiêu chảy và nổi mẩn ngứa khắp người. Tuy nhiên, trẻ con bị nhiễm Covid-19 không đáng lo ngại như người lớn. Các cháu sau khi cho uống thuốc trị các triệu chứng và bổ sung thêm vitamin tăng sức đề kháng, thì rất nhanh chóng vượt qua được Covid-19. Sự hồi phục nhanh chóng của các cháu đã trở thành động lực, tạo niềm tin cho cả nhà.
Để duy trì sự bình tĩnh và lạc quan, chúng tôi chỉ thông tin tình hình nhiễm bệnh cho một vài bạn bè để họ hỗ trợ khi cần thiết. Còn lại giấu hết, kể cả người thân, vì sợ họ biết lại càng thêm hoảng loạn. Đồng thời, chúng tôi hạn chế tối đa tiếp xúc với những thông tin tiêu cực vì sẽ làm mất tinh thần và lo lắng thêm. Thay vào đó, cả nhà cùng động viên và làm điểm tựa cho nhau để vượt qua những thời khắc ngặt nghèo.
Gia đình tôi đã vượt qua Covid-191

Càng chuẩn bị kỹ thì F0 càng giữ được thế chủ động

T.L

Giữ tâm thế luôn chủ động

Càng chuẩn bị kỹ thì F0 càng giữ được thế chủ động. Sau khi được bác sĩ lên phác đồ điều trị, tôi nhờ bạn mua đầy đủ loại thuốc, từ hạ sốt, tiêu chảy, thuốc ho, tiêu đàm… đến những loại thuốc như kháng viêm và kháng đông. Một danh sách các số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp như xe cứu thương, bác sĩ, những người có thể hỗ trợ… cũng được tôi ghi ra để người nhà biết phòng trường hợp bất trắc.
Bố tôi lớn tuổi lại thêm bệnh nền cao huyết áp và chưa được tiêm vắc xin, nên từ đầu tôi nhận định sẽ có nguy cơ trở nặng. Tuy nhiên, thời điểm đầu tháng 8.2021, tất cả bệnh viện đều quá tải nên chỉ tiếp nhận F0 cấp cứu. Do đó, cả máy tạo ô xy trợ thở và bình ô xy y tế cũng được tôi chuẩn bị sẵn. Đồng thời, tôi cũng chuẩn bị sẵn phương án sẽ đưa bố vào bệnh viện nào cấp cứu khi bệnh trở nặng không thể ở nhà.
Nhờ đó, cả nhà chúng tôi rất bình tĩnh đối mặt và có sẵn thuốc điều trị khi các triệu chứng của bệnh Covid-19 xảy ra. Mới đầu mọi người chỉ có cảm giác như dầm mưa bị cảm lạnh khi người bừng bừng ớn lạnh rồi đau họng, sổ mũi và ho. Sau đó bắt đầu sốt và mất cả khứu giác lẫn vị giác. Những cơn sốt cứ lặp đi lặp lại liên tục, cộng với việc bị tiêu chảy khiến ai cũng mệt rã rời. Từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 8 của bệnh là giai đoạn mệt nhất.
Sau 8 ngày thì 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ của tôi đã hồi phục dần và khỏi bệnh vào ngày thứ 12. Riêng bố tôi bị nặng hơn khi từ ngày thứ 5 chỉ số SpO2 (nồng độ ô xy trong máu) đã bị tụt dưới 94% và phải thở ô xy. Chỉ số SpO2 cực kỳ quan trọng đối với người bị nhiễm Covid-19 nên phải kiểm tra thường xuyên. Bố tôi dù có lúc SpO2 bị tụt xuống tận 76%, nhưng nhờ nằm sấp kết hợp thở ô xy và vỗ nhẹ đều sau lưng đã giúp cải thiện ô xy trong máu của bố tăng lên nhanh chóng.
Có một kinh nghiệm xương máu với các F0 đang thở ô xy khi thấy trong người khỏe hơn đã tự tháo ra để đi tắm hoặc đi vệ sinh. Nhưng chỉ cần rời thở ô xy một lúc có thể sẽ bị choáng váng, thậm chí hôn mê. Bố tôi từng mắc sai lầm này khiến SpO2 tụt sâu suýt té ngã trong nhà vệ sinh. Từ đó, mọi sinh hoạt của bố, tôi đều hỗ trợ để thực hiện tại giường.
Không chỉ giám sát chặt SpO2, với các F0 bị suy hô hấp phải giám sát chặt nhịp thở đảm bảo luôn trong ngưỡng từ 16 - 20 lần/phút với người lớn. Nếu vượt quá 20 lần/phút là phổi có dấu hiệu tổn thương nặng và cần phải nhập viện sớm. Bố tôi may mắn dù có những lúc chỉ số SpO2 tụt sâu, nhưng nhịp thở của ông luôn trong ngưỡng an toàn nên phần nào giúp tôi đỡ lo lắng hơn.
Nhờ chủ động kiểm tra thường xuyên nên khi bố tôi bị huyết khối làm tắc mạch máu cánh tay phải, tôi và bác sĩ hướng dẫn điều trị đã nhanh chóng phát hiện để đưa bố vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu kịp thời. Nói về tình huống cấp cứu, nhiều người chần chừ khi chờ xe cấp cứu 115 hoặc chờ liên hệ được bệnh viện tiếp nhận nên bỏ lỡ cơ hội của bệnh nhân. Chủ động đưa F0 đến bệnh viện càng sớm càng tốt sẽ hạn chế được nguy hiểm trong các tình huống cấp cứu.
Dinh dưỡng cho F0 có vai trò hết sức quan trọng để chiến thắng Covid-19. Những ngày bị vi rút tấn công, dù bị mất khứu giác lẫn vị giác nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng ăn uống đầy đủ ngày 3 bữa và bổ sung thêm sữa, nước yến. Các loại củ dền, khoai tây, cà rốt cắt nhỏ hầm xương, cháo loãng… rất phù hợp với F0.
Tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ, kết hợp với kinh nghiệm dân gian như nấu lá sả xông hơi, dùng chanh, gừng với mật ong trị ho, dùng tỏi giải cảm, uống nước dừa đun sôi với đường phèn… đã giúp gia đình tôi dần khỏe mạnh và chiến thắng được Covid-19.
Mời tham gia cuộc thi viết Đồng lòng chống dịch
Báo Thanh Niên trân trọng mời quý bạn đọc trong và ngoài nước tham gia cuộc thi Đồng lòng chống dịch. Đây là cuộc thi viết tiếp nối (Giai đoạn 2) cuộc thi Vượt qua Covid-19, đã được triển khai từ 26.7 vừa qua.
(Xem thể lệ chi tiết trên thanhnien.vn).
Tác phẩm dự thi gửi qua email của chương trình: vuotquacovid-19@thanhnien.vn.
Tác phẩm gửi về phải ghi rõ: Họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, giới tính, nghề nghiệp, địa chỉ liên hệ và email, số điện thoại (ghi rõ kèm bên dưới bài dự thi).
Giải thưởng
1 giải nhất: Trị giá 20.000.000 đồng.
1 giải nhì: Trị giá 15.000.000 đồng.
1 giải ba: Trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất (bài có số lượt xem và like cao nhất trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng.
Danh sách người đoạt giải sẽ được công bố trên chuyên trang Vượt qua Covid-19: Đồng lòng chống dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.