Vượt qua Covid-19 'đồng lòng chống dịch': Đoàn kết bảo vệ vùng xanh

15/09/2021 08:40 GMT+7

Nhớ nhất là mấy hôm đêm mưa dầm, từ góc nhà tôi nhìn ra chốt kiểm soát đầu làng, thấy các chiến sĩ áo xanh tình nguyện đứng nép mình trong chiếc ô, mưa cứ tầm tã mà đồng hồ đã điểm 11 giờ đêm, thương vô cùng.

Ngay sau Công điện số 17/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ngày 1.8 về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, nhiều xã ở H.Thường Tín đã thiết lập các vùng xanh (vùng không có dịch), song hành với đó là tăng tốc truy vết, xét nghiệm nhanh vùng đỏ (vùng có ca nhiễm Covid-19).

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Ngày thực hiện lập chốt kiểm soát dịch ở làng tôi cũng là ngày ghi nhận các ca F0 ở các nơi lân cận. Trong làng có vài trường hợp F1 được đọc tên liên tục trên loa phóng thanh, làm cho người dân có phần hoang mang. Chúng tôi buộc phải ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết và những người làng khác không được vào làng, muốn gửi đồ đều phải gửi từ đầu chốt kiểm soát dịch.
Một số người cao niên nói rằng tinh thần phòng dịch như vậy không khác nào thời chiến, nội bất xuất ngoại bất nhập, nhưng chỉ có như vậy mới bảo vệ được vùng xanh, không để vùng xanh chuyển màu. Còn đối với vùng đỏ - xóm 3 thôn Văn Trai, hay khu vực tiểu khu Trần Phú, TT.Thường Tín, lực lượng y tế tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm khi phát hiện chùm ca F0. Chỉ trong vòng một đêm mà đội ngũ nhân viên y tế đã lấy được gần 9.000 mẫu xét nghiệm gửi CDC Hà Nội.
Làng tôi có nhiều người đi buôn bán rau ở nội thành Hà Nội, đó là nghề mưu sinh chủ yếu. Những người này được yêu cầu tuyệt đối không ra khỏi nhà. Ban đầu, tâm lý mọi người có phần hoảng sợ, nhưng dần được cải thiện bằng những ca khúc như Ghen Cô Vy, Đánh giặc Corona hay Đôi mắt nCov được phát thường xuyên trên loa phóng thanh của xã.
Cả xã tôi (xã Văn Phú) có 15 chốt kiểm soát dịch, mỗi chốt đều có 2 - 3 người. Đó là lực lượng dân quân địa phương, thanh niên, phụ nữ và cả các cựu chiến binh tham gia phòng tuyến chống dịch. Ở bất kỳ chốt nào, họ đều được người dân quan tâm và tiếp sức, khi thì những suất cơm, khi thì mấy thùng nước, khẩu trang, chè đậu đen… Nhớ nhất là mấy hôm đêm mưa dầm, từ góc nhà tôi nhìn ra chốt kiểm soát đầu làng, thấy các chiến sĩ áo xanh tình nguyện đứng nép mình trong chiếc ô, mưa cứ tầm tã mà đồng hồ đã điểm 11 giờ đêm, thương vô cùng.
Cũng như nhiều nơi khác, xã tôi đẩy nhanh việc tiêm vắc xin - tấm khiên quan trọng nhất, hiệu quả nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Danh sách gọi lên trạm y tế xã tiêm có người trước người sau, nhưng mọi người đều biết ai rồi cũng sẽ đến lượt, dĩ nhiên chẳng ai “tham lam” tiêm vài mũi làm gì, người nào hay đi ra ngoài thì được gọi tiêm trước. Vắc xin về trạm y tế mỗi ngày được khoảng 200 - 300 liều, tiêm chóng vánh trong buổi sáng đã hết, cho dù đó là loại vắc xin nào đi chăng nữa, vì mọi người đều biết rằng những loại vắc xin đó đều được WHOBộ Y tế phê duyệt để tiêm cho người dân.

Không chủ quan khi đã tiêm vắc xin

Mỗi sáng mở báo mạng ra, tôi thấy các lô vắc xin liên tiếp về Việt Nam bằng nỗ lực ngoại giao của Chính phủ và các cơ quan chức năng, lại thấy tốc độ tiêm vắc xin càng ngày càng nhanh. Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, làng tôi đã tiêm vắc xin mũi 1 cho 70% người dân. Tuy nhiên, đi kèm với việc tiêm vắc xin, mọi người được khuyến cáo vẫn phải tuyệt đối tuân thủ biện pháp 5K, bởi không có vắc xin nào có thể bảo vệ cơ thể 100%.

Món quà gửi đến các chốt kiểm soát từ người dân trong xã Văn Phú

Hơn nữa, vắc xin sau tiêm cần một thời gian nhất định để sinh ra đủ kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi vi rút SARS-CoV-2. Vậy nên, trong thời gian sau tiêm và đợi tiêm mũi thứ 2, nguy cơ lây bệnh vẫn ở mức độ cao.
Xóm tôi có rặng cây bên bờ kênh mát mẻ, ngày nắng nóng trước dịch mọi người tụ tập rất đông để giải nhiệt. Mấy ngày đầu Hà Nội giãn cách, các cô bác trong xóm (đã tiêm vắc xin mũi 1) vẫn ra ngồi, nhưng ngay sau đó đã được chính quyền thôn nhắc nhở. Ban đầu, có người không biết thì bảo rằng “chúng tôi đều đã tiêm vắc xin rồi, không lây bệnh được đâu”, nhưng sau khi nghe giải thích thì đã nhận ra nguy cơ lây bệnh và tự giải tán. Nóng quá thì chia nhau ra ngồi hóng mát, ngồi giãn cách, đeo khẩu trang như bình thường, quan trọng nhất là ai cũng hiểu rằng vắc xin rất tốt nhưng không phải là tuyệt đối.

Tình người trong đại dịch

Dịch bệnh khiến cho hầu hết hoạt động kinh tế đều ngưng trệ, duy chỉ có tình người đùm bọc lẫn nhau vẫn ngày càng nhân lên. Bà Đạch ở khu ngõ nhà tôi có mấy luống rau, cà chua, công việc của bà mỗi sáng là ra tưới rau, bắt sâu và hái rau rồi đi chia cho từng nhà trong khu ngõ. Có nhà được mớ rau ngót, nhà mớ rau muống, nhà vài quả cà chua..., đến những nhà trước đây chẳng bao giờ nói chuyện bỗng nhờ mớ rau mà thân tình hơn hẳn. Còn tại các điểm chốt trong xã thì liên tiếp nhận được hỗ trợ từ bà con, nào thùng nước, mấy cân hoa quả, mấy suất cơm, có cả chè đỗ đen cho các chiến sĩ áo xanh trên phòng tuyến chống dịch
Những hình ảnh đó bắt gặp thường xuyên trên các trang mạng xã hội, nhiều nhất là Facebook. Tuy hình ảnh đó lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng ai lướt qua đều dừng lại để đọc từng chữ, zoom vào xem cận cảnh, rồi ngẫm về nghĩa đồng bào. Ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là hình ảnh các cụ già lọ mọ mang chút ít tiền tiết kiệm, rau củ nhà tự trồng đến tận chốt trực mà chẳng cần biết nhà mình có đủ ăn hay không...
Lại nói về chuyện hỗ trợ tiền cho các lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn. Tiền hỗ trợ thực tình ai cũng muốn, nhưng xã hội luôn có người này người kia, người no đủ hơn, người túng bấn hơn. Tôi với chú Thơm đầu ngõ cũng định đến đăng ký nhận hỗ trợ, thấy danh sách các hộ đăng ký đều là lao động tự do, thời vụ, nhà nuôi mẹ già con nhỏ, nhà còn đang nợ khoản này khoản kia… thì hai chú cháu nhìn nhau rồi ra về. Trên đường về, chú nói nhỏ vào tai tôi rằng “nhà chúng ta còn đủ ăn hơn họ cháu ạ, về thôi”.
Thêm nữa, lại thấy các bạn trẻ làm trong ngành y trong làng tôi hăng hái lên đường vào TP.HCM chống dịch như bạn Dùng nhà cô Tú, bạn Vân nhà chú Tam, bạn Thạch nhà chú Lơ... Những status như “Nhất định sẽ chiến thắng trở về”, “Sài Gòn ơi, chúng tôi đến đây!”, “Tạm biệt mọi người, mình khoác đồ bảo hộ ra trận đây”… cứ liên tục xuất hiện trên news feed mạng xã hội. Trông các bạn trước giờ cất cánh nở nụ cười tươi như hoa, mãnh liệt niềm tin làm cho hậu phương - những người ở nhà an tâm và thêm nhiều hy vọng.
Tôi luôn tin rằng, đồng lòng chống dịch với ý chí quật cường, đoàn kết trên dưới một lòng từ mọi thành phần trong xã hội, nhất định chúng ta sẽ nhanh chóng đẩy lùi được đại dịch Covid-19 ra khỏi dải đất hình chữ S.
Mời tham gia cuộc thi viết Đồng lòng chống dịch
Báo Thanh Niên trân trọng mời quý bạn đọc trong và ngoài nước tham gia cuộc thi Đồng lòng chống dịch. Đây là cuộc thi viết tiếp nối (Giai đoạn 2) cuộc thi Vượt qua Covid-19, đã được triển khai từ 26.7 vừa qua. (Xem thể lệ chi tiết trên thanhnien.vn).
Tác phẩm dự thi gửi qua email của chương trình: vuotquacovid-19@thanhnien.vn.
Tác phẩm gửi về phải ghi rõ: Họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, giới tính, nghề nghiệp, địa chỉ liên hệ và email, số điện thoại (ghi rõ kèm bên dưới bài dự thi).
Giải thưởng
1 giải nhất: Trị giá 20.000.000 đồng.
1 giải nhì: Trị giá 15.000.000 đồng.
1 giải ba: Trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất (bài có số lượt xem và like cao nhất trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng.
Danh sách người đoạt giải sẽ được công bố trên chuyên trang Vượt qua Covid-19: Đồng lòng chống dịch.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.