Vượt qua Covid-19 'đồng lòng chống dịch': Đà Nẵng những ngày 'ai ở đâu ở đó'

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
20/08/2021 06:42 GMT+7

Để thực hiện hiệu quả, lãnh đạo Đà Nẵng chỉ đạo các ngành và địa phương xây dựng phương án cụ thể nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến tận người dân các tổ dân phố.

Hôm nay là ngày thứ 5 TP.Đà Nẵng thực hiện việc dừng tất cả hoạt động, “ai ở đâu ở đó”. Đà Nẵng sẽ xét nghiệm toàn diện, không bỏ sót bất cứ hộ gia đình nào, với quyết tâm sàng lọc tất cả F0 trong cộng đồng để có phương án điều trị, dịch tễ.

Chuẩn bị để... ngồi yên

Từ 8 giờ ngày 16.8, Đà Nẵng dừng tất cả hoạt động để thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở đó cho đến 8 giờ ngày 23.8.
Người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà. Cơ quan, công sở, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch).
Để thực hiện hiệu quả, lãnh đạo Đà Nẵng chỉ đạo các ngành và địa phương xây dựng phương án cụ thể nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến tận người dân các tổ dân phố.
Trên group Zalo có 98 thành viên là 67 hộ của tổ 3, P.Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu (Đà Nẵng) tham gia, tổ trưởng liên tục cập nhật mọi mặt công tác. Theo đó, bà con chủ động chuẩn bị dự trữ các mặt hàng thiết yếu cho gia đình trong vòng 7 ngày. Đội Môi trường 4 thông báo kế hoạch thu gom rác trong những ngày thực hiện “3 tại chỗ” bằng cách vận động bà con sơ chế thực phẩm trước, để đội thu gom vào ngày trước giờ “ngồi yên”, sau đó thì giảm tần suất. Rất chi tiết, chủ động.
Trong ngày đầu tiên, một lần nữa tổ thông báo cho các hộ, hộ nào chưa chuẩn bị đủ thì đăng ký mua thêm những gì, từ đó thống kê báo lên phường để phường đặt hàng mua giúp. Tổ còn đưa bảng giá cả từng loại mặt hàng để dân lựa chọn.
Đến ngày thứ hai thực hiện “ai ở đâu ở đó”, “Đội Covid” của tổ có 6 thành viên (được phân công theo dõi từng đường phố) nhận quà (rau, củ, quả) của thành phố tặng người dân. Có nơi thực hiện chia đều, có nơi (như tổ 3) thì phân ra, ai khó khăn hơn nhận trước, một số hộ tự nguyện không nhận để nhường hộ khác.
Được biết, tất cả tổ dân phố trên địa bàn đều làm như thế. Cho nên không có gia đình nào bị thiếu thốn.

Xét nghiệm toàn dân

Lãnh đạo Đà Nẵng chỉ đạo ngành y tế tận dụng “7 ngày vàng” này để lấy mẫu xét nghiệm toàn dân.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, trong 7 ngày Sở Y tế tập trung nguồn lực xét nghiệm toàn bộ hộ gia đình với tổng số 600.000 người. Việc lấy mẫu cuốn chiếu theo từng tổ dân phố; tất cả người dân, hộ gia đình được lấy mẫu, không sót bất kỳ trường hợp nào.
Trong ngày 17.8, Đà Nẵng phát hiện 120 ca dương tính, trong đó 9 ca cộng đồng. Ngày 18.8, phát hiện 134 ca, trong đó 34 ca cộng đồng (27 ca chưa rõ nguồn lây).
Như vậy, nhờ phong tỏa và xét nghiệm kịp thời nên đã phát hiện rất nhiều ca, đặc biệt có nhiều ca cộng đồng và chưa rõ nguồn lây.
Đà Nẵng những ngày 'ai ở đâu ở đó'1
Đà Nẵng những ngày 'ai ở đâu ở đó'2
Đà Nẵng những ngày 'ai ở đâu ở đó'3

Các gia đình hưởng ứng thông điệp “Bật đèn lên!”

ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH

Điều đáng lưu ý là trong số ca cộng đồng có 5 ca là người làm công tác phòng chống dịch, một số khác thì không trung thực khi khai báo, đến khi dương tính mới khai nhận là liên quan đến chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối Hòa Cường.
Trong quá trình xét nghiệm, nhiều người vì lý do nào đó trốn tránh xét nghiệm. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo UBND Q.Hải Châu có sáng kiến dán tích xanh. Hộ nào đi xét nghiệm lần nào được phát một logo xanh lần đó về dán trước nhà để người dân giám sát nhau. Sau đó, nhà âm tính Covid-19 được phát một logo khác. Nếu trong khu phố toàn hộ có logo xanh âm tính thì khu phố được treo bảng khu vực xanh.
Đó là cách Đà Nẵng làm, làm chi tiết, đồng bộ, khả thi.

Thông điệp “bật đèn lên !”

Xuất phát từ một status trên trang cá nhân của một công dân sống ở P.Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu, nội dung:
“8 giờ sáng mai, Đà Nẵng bắt đầu lockdown một tuần. Chuẩn bị hết rồi, không lo.
Có một ý kiến đề nghị:
Bà con ai có điều kiện thì buổi tối bật đèn ban công, đèn bảo vệ lên cho sáng các ngõ ngách phố xá.
7 đêm, có tốn kém thêm tiền điện nhưng chắc cũng không nhiều (Nhà khó khăn hoặc ở trọ thì thôi).
Có ánh sáng thêm chút tươi tắn và sinh khí. Không phải chuyện phù phiếm màu mè đâu. Bản thân nhà mình cũng sáng sủa, có năng lượng.
Theo luật hấp dẫn thì vũ trụ sẽ hấp dẫn năng lượng tích cực vào ai nghĩ về điều tích cực.
Nhà tôi bật đèn từ tối nay”.
Nhiều người chia sẻ ý kiến này và làm theo. Từ đó đến nay, khu phố này đêm nào cũng sáng đèn.
Đã có rất nhiều người nói rằng, dân tình đang lầm than thì không thể nào bình thường được. Còn ví, như nhà hàng xóm đang có đám tang thì nhà bên không thể hát. Tôi nghĩ cách ví von đó rất sai, sai từ chính trong ý nghĩ.
Vi rút gây dịch bệnh không chừa một ai, ai cũng có thể là bệnh nhân tiềm năng chứ không phải nhà bên nào hết.
Và nếu suy nghĩ như thế, nhân loại sẽ cùng nhau khóc than mới gọi là đồng cảm và chia sẻ. Không đúng!
Dịch bệnh ai cũng khó khăn, mỗi người đều có khó khăn riêng. Người chạy xe máy tìm cách về quê, khó! Người ngồi nhà tiêu những đồng tiền cuối cùng, khó! Người bệnh tật không dám vào bệnh viện, khó! Con cháu không thể gặp gỡ và chăm sóc bố mẹ già yếu, khó! Không thể tập thể dục để duy trì sức khỏe, khó! Nhiều cái khó khác nữa.
Người thiếu tiền nhà có cái khó của người thiếu tiền nhà, người chủ ngồi trên đống nợ ngân hàng, phá sản là điều nhìn thấy, chưa biết ai khó hơn ai. Nhưng rõ ràng, biểu hiện là rất khác nhau.
TP.HCM đang phát động người dân giúp nhau, đúng, ủng hộ. Nhưng tiềm năng của những người giúp, không phải là vô hạn. Vì thế, cùng nhau buồn thảm không phải là cách chia sẻ.
Theo đó, tôi quan niệm rằng, cuộc sống vẫn phải cứ diễn ra với đủ cung bậc hỷ nộ ái ố như nó vốn có.
Bình thường, thế giới này cũng có người khá giả, cũng có bao cảnh đời lầm than. Muốn kéo nhau lên thì phải có người đủ điều kiện, muốn chăm sóc người bệnh thì phải có người không bệnh. Ai cũng tỏ ra bệnh mới gọi là hòa đồng với người bệnh, là một suy nghĩ tiêu cực.
Vì thế, nên lan tỏa năng lượng tích cực cho nhau.

Hậu phong tỏa

Nếu trong 7 ngày, Đà Nẵng sàng lọc được hết F0 thì đó là một thành công lớn. Không phải như thế là hết dịch nhưng đó là biện pháp tối ưu để hạn chế và kiểm soát dịch bệnh trong thời điểm này.
Sau 7 ngày chưa xong thì có thể phải tiếp tục, xong thì cũng tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách cho đến khi bệnh nhân cuối cùng ra viện.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, 28 ngày sau khi bệnh nhân cuối cùng khỏi bệnh, Đà Nẵng mới được công bố trở lại trạng thái bình thường.
Đó là một chặng đường gian nan nữa, đòi hỏi cả thành phố phải nỗ lực, đặc biệt là ý thức người dân về tuân thủ khuyến cáo 5K.
Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói câu: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.