Vượt qua Covid-19: Vì sống là để sẻ chia

03/05/2021 08:09 GMT+7

Thấy cha tôi chà một lúc mấy trăm ký gạo để sẵn, tôi cười: “Mình sống trong đồng trong bái, lại không phải nơi tâm dịch, cha chà gạo nhiều quá để lâu dễ bị ẩm mốc lắm”.

Ông liền bảo: “Thủ sẵn khỏi lóng ngóng, cuộc chiến với thằng giặc Covid-19 còn trường kỳ. Ông thủ tướng ổng nói vậy. Nhiều với mình chứ chưa đủ đâu”.

“Chưa đủ đâu”

Chưa đủ đâu, vì cách tháng là cha gửi 50 kg lên Sài Gòn cho bác Chín tôi. Nhà bác hai vợ chồng già, người giữ trẻ, người lượm ve chai. Người con trai thì đang nghỉ việc không lương, khó khăn chung mà, chừng nào có việc thì nhà máy gọi vô, chứ khó nói lắm. Đùng cái bác gái ngã ra đau khớp, bác trai mất sức, cả nhà lay lắt tạm bợ chờ dịch qua. May nhờ chủ nhà trọ cũng giàu lòng nhân, chia sẻ với công nhân trong lúc khó khăn nên miễn tiền phòng, chỉ lấy tiền điện nước. Nhưng tiền ăn uống chi tiêu đi lại, mỗi cái một chút trong hồi túng thiếu thì bao nhiêu cũng thành nhiều. Đỡ tiền gạo coi như đỡ được gánh nặng phần nào.
Chưa đủ đâu, vì anh chị họ tôi trên Bình Dương thất nghiệp mấy tháng nay, cầm cự xứ người không nổi nữa đành phải tạm về. Ở quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Ngặt nhà anh chị có con nhỏ, tuổi ăn tuổi lớn, rau cháo thì làm sao tụi nó có sức mà học hành. Cha cầm túm gạo xuống đưa, cười hề hề: “Ăn hết lên chú Út lấy thêm, tiền tao không có cho chứ nuôi gạo bây thì dễ ợt”.
Chưa đủ đâu, vì bất kể nghe bà con cô bác ở đâu thở than có con có cái mất việc hay gặp khó khăn là bàn tay của cha dang tới. Cả nhà đồng lòng theo ông, chia sẻ hết mức trong sức của mình. Cha tôi bảo, biết xã hội hãy còn nhiều kẻ khó, hổng phải mình đây ích kỷ, nhưng ai cũng vậy thôi. Phải lo coi ngó người nhà, đến chòm xóm gần cận xong rồi mới tới ngoài kia được.

Ai ai cũng chuộng sống bằng cái tình cái nghĩa

“Gia đình là tế bào của xã hội”. Với cha, người thân mình thì cũng là một phần của xã hội này. Được thì giải quyết cái phần ấy trước. Nhà yên ấp mới khá. Ấp khá thì xã mạnh. Xã mạnh thì huyện giàu. Rồi từ đó lên tỉnh, lên miền. Đất nước thế nào là từ mỗi phần tử chung tay.
Nghe cha nói chuyện dần lân đời thường mà tôi tưởng mình đang nghe lại bài Lòng yêu nước của nhà văn Ilia Erenbua (1891 - 1962): “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật bình thường nhất... Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Cha tôi không đao to búa lớn mượn cái oai thiêng liêng của hai từ “Tổ quốc”, ông chỉ như bao người nông dân chất phác làm ra cây lúa ở quê tôi, đơn thuần thương riết anh em, họ hàng. Thì thương mới san sẻ và cho đi. Được cái từ bao đời nay, trên dải đất hình chữ S này, ai ai cũng chuộng sống bằng cái tình cái nghĩa. “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Lẽ ấy thì như đã ăn sâu vào máu của mỗi người.
Bình thường thì im ắng, ngộ lắm, nhà ai nấy sống, thân ai nấy lo. Chứ hễ khi nghe nhà ai hữu sự, người nào khó khăn là nhà khác có mặt, người nọ tìm giúp đỡ. Đói thì cho mì cho gạo. Hạn mặn thì cho nước. Đau bệnh thì cho thuốc. Không nhà không cửa thì cho mái ấm tình thương. Còn như trong hoàn cảnh sống chung với dịch bệnh, thì cái gì có ích cho công tác phòng chống, góp phần ổn định xã hội thì cho. Người không cho được vật chất thì cũng cho tinh thần, cho tấm lòng, cho lời động viên, an ủi. Đã không ít lần tôi nghe được câu người ta hay bảo ban nhau: “Thôi ráng đi, nước mình dẫu sao cũng còn may mắn hơn bao nhiêu rồi”.
Bởi nghĩ mình còn may mắn hơn nhiều, nên tôi cũng riêng mình học cách cho đi. Dù chưa phải là điều gì quá lớn lao, nhưng lại mang đến cho tôi niềm hạnh phúc ngập tràn, bởi hạt giống mình gieo là lòng tử tế. Chỉ cần cây tử tế đâm chồi và được nhân rộng thì cây ác sẽ phải tránh xa.
Dù sống ở nông thôn, nơi vẫn nằm trong vùng an toàn trước mắt, nhưng ý thức chống dịch của người quê tôi rất cao. Đơn cử như cha tôi, đàn ông đàn ang, ra đường vẫn hay phơi mặt ra ngoài hít thở khí trời, giờ đã tự giác đeo khẩu trang, chịu rửa tay bằng nước sát khuẩn. Chị gái tôi thì mỗi chiều từ cơ quan về đều tắm gội sạch sẽ trước rồi mới dám bồng con. Âu cũng là sự an toàn chung, mình vì mọi người.
Ngày nào cha tôi cũng dõi theo tình hình dịch bệnh Covid-19 mới nhất trên truyền hình. Một bữa hai cha con cùng xem tin, tôi rầu cho đợt bùng phát dịch chủng mới với cấp độ lây lan nhanh, và vì thế cũng nguy hiểm hơn hẳn. Tôi thở dài than vắn. Đà này là “thằng giặc cô vít” vẫn còn dạo chơi rộng tháng dài ngày. Cha tôi tắt phụp ti vi, lại điện thoại kêu người tới đong lúa chà gạo...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.