Tôi nhìn rõ tôi trong mùa Covid-19

21/03/2021 14:30 GMT+7

Thường ngày, bao nhiêu việc có tên và không tên đều “điểm danh” tôi. Có muốn thanh thản cũng không được. Nhiều khi tôi không hiểu cả chính tôi chứ đừng nói hiểu những người thân trong một nhà.

Công việc lôi cuốn tôi vào cái guồng máy phức tạp của nó nên tôi bị xoay như chong chóng. Có lúc tôi nghĩ mình đang rơi tự do, ngày càng xa dần những giá trị đích thực của gia đình.

“Trend thời dịch” là vậy!

Rồi Covid-19 ập tới. Giãn cách, phong tỏa, cách ly và nhiều biện pháp phòng chống dịch khác... làm đảo lộn mọi trật tự xã hội. Ngay cả câu mắng yêu trong nhóm bạn là “đồ mắc dịch” cũng phải kiêng dè. Covid-19 rình rập mọi lúc. Rủi người ta “mắc” thiệt thì người mắng yêu chắc suốt đời mang tiếng là miệng ăn mắm ăn muối. Mà rình rập gì chứ? Nó công khai gieo rắc mầm bệnh khắp nơi. Cái nắm tay nồng nhiệt, một nụ hôn yêu thương, một cái ôm ấm áp giữa thời Covid-19 đều có thể dẫn tới tai họa.
Người người khẩu trang. Tôi phải tập nhận diện bạn bè, người thân qua dáng đi, đôi mắt, tiếng cười, giọng nói. Gặp nhau, không thiếu những bàn tay niềm nở giơ ra rồi... thụt lại. Thôi thì đá nhẹ vào chân nhau một cái để chào là được rồi. “Trend thời dịch” là vậy! Cô bạn thân tia mắt lộ vẻ tinh tướng, cười khúc khích, khoe “thành tích”: bữa đó do chậm lương, em bực quá “đá” vào chân sếp trước cổng công ty. Sếp không nói tiếng nhỏ, lại còn khen “em đá khá dễ chịu!”.
Chợ búa họp theo quy định và trật tự bình thường mới. Đi chợ thì trưởng khu phố phải nhìn vô “sổ theo dõi” coi người đó tới lượt mở “2ph” chưa. “2ph” nghĩa là phải tới “phiên” để cấp “phiếu” mới được đi. Thành ngữ “ồn như cái chợ” thời này sai bét bởi tất cả đều giữ khoảng cách, đi nhẹ, nói khẽ. Hàng quán đóng cửa. Trường học đóng cổng. Công sở làm việc trên “sóng” nhưng không hề bồng bềnh. Có việc thì cứ mở laptop mà online. Nói có chứng... màn hình và con chuột, nhờ làm việc “in door” tôi mới thấy vợ mặc cái tạp dề chấm bi khi làm bếp trông duyên dáng lắm; biết cửa sổ nhà mình có bao nhiêu song; cái bàn kê sát khung cửa nhìn ra khoảng trời xanh thật lãng mạn; cặp chim sâu rỉa lông trên cành khế lòa xòa quá đỗi trữ tình.

Covid-19 là một đại họa! Nhưng nếu quá sợ hãi mà hốt hoảng, luống cuống, có những suy nghĩ “tối màu” thì khác nào đầu hàng khi chưa chiến đấu. Phải thấy rằng đây là “dịp” để cả cộng đồng thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó, ý chí chung lưng đấu cật, cùng góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

Trần Cao Duyên

“Và tôi cảm thấy mình đã chạm tay vào hạnh phúc”

Những ngày xã hội tập trung mọi nỗ lực để phòng chống Covid-19 diễn ra khá căng thẳng. Nhưng đây lại là lúc tôi hiểu mình nhiều nhất, hiểu mái ấm yêu thương là nguồn sức mạnh vượt qua khốn khó.
Tôi nghe cay cay trong mắt khi bà xã đặt tay lên vai tôi, lặng lẽ để trên góc bàn làm việc ly nước chanh. Đây là ly nước thơm ngon nhất đời tôi! Và tôi giật mình, đã nhiều lần bà xã đề nghị đưa cả nhà về quê thăm nội - ngoại vào cuối tuần nhưng tôi lắc đầu. “Còn cả núi công việc”. “Anh có cái hẹn với đối tác”. “Đám cưới con sếp”. “Sinh nhật trưởng phòng”... Đó là những lý do mà tôi đưa ra để thoái thác.

Một chốt kiểm soát, phong tỏa bãi tắm Sa Huỳnh để phòng chống dịch bệnh của lực lượng Công an P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi

TRẦN CAO DUYÊN

“Nhờ” Covid-19, gia đình tôi có những bữa cơm đoàn tụ, vui vẻ và ấm áp lạ thường. Hoàn cảnh này, nói “trong nguy có cơ” thật đúng. Con gái tôi kể, thương thầy ghê luôn. Mấy bữa đầu dạy online, thao tác của thầy khá lúng túng. Thầy để chế độ quay kiểu gì mà người thầy cao lớn như Tây, choán cả màn hình. Bảng biểu, sơ đồ bị thầy che mất. Sinh viên góp ý, thầy chỉnh lại. Cái kết là tụi con thấy rõ tất cả đồ đạc trong gian phòng. Còn thầy thì nhỏ xíu. Lời giảng tiếng được tiếng mất.

Những ngày “ở nhà cũng là chống dịch”, tôi đã nhìn rõ tôi. Và tôi vui khi nghĩ qua Covid-19 tôi biết phải tiếp tục gìn giữ, nâng niu điều gì cho gia đình yêu dấu của mình

Trần Cao Duyên

Những ngày Covid-19, dù là thứ hai, thứ ba... nhà tôi ai cũng có cảm giác yên ả còn hơn những ngày cuối tuần bình thường. Chúng tôi trò chuyện cùng nhau như những người ruột thịt cách xa quá lâu giờ gặp lại. Chuyện cũ có mới có, không đầu không cuối. Chuyện nào cũng để lại dư vị tươi sáng và ấm áp. Nghĩ, thì cũng vợ con mình chứ ai vô đây? Vậy mà ngồi trong không khí chan hòa tình cảm gia đình, tôi nghe trong thân quen có chút gì lạ lẫm. Và tôi cảm thấy mình đã chạm tay vào hạnh phúc trong ngôi nhà thời Covid-19 của mình.
“Nhờ mẹ, con biết lặt rau, kho cá, nấu canh rồi ba ơi”, con gái khoe cái điều mà lẽ ra nó nên biết từ lâu. Tôi hỏi vui, nhờ mẹ hay nhờ... Covid-19? Bà xã nói em mừng lắm vì lâu rồi mới thấy cảnh cha con anh cười đùa với nhau; gia đình mình cùng coi một bộ phim, nghe chung một đĩa nhạc. Tôi giật mình! Nỗi mừng của vợ đâu có gì xa xỉ? Nó giản dị và dễ dàng như lấy đồ trong túi. Sao phải để cô ấy “lâu rồi mới thấy?”.
Những ngày “ở nhà cũng là chống dịch”, tôi đã nhìn rõ tôi. Và tôi vui khi nghĩ qua Covid-19 tôi biết phải tiếp tục gìn giữ, nâng niu điều gì cho gia đình yêu dấu của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.