Sứ mệnh thiêng liêng
“Có những người mà ta chỉ có thể nói với họ những chuyện đôi khi ta cũng không dám nói với Mẹ.
Có những người ta chỉ có thể để họ nhìn thấy những nơi trên cơ thể, kể cả khi vợ, chồng cũng không được phép.
Họ là ai?
Thực ra, thầy thuốc không chỉ là một nghề, đó còn là một sứ mệnh.
Với những gì Phương chứng kiến thì những người làm nghề y, ngoài năng khiếu, đam mê, họ còn rất kiên nhẫn và biết hy sinh.
Lạ lùng.
Ngay cả với những người mà ta tưởng là quan trọng và yêu quý nhất, vậy mà tháng này qua năm khác, nhìn thấy họ nhếch nhác ta còn chán.
Ai cũng thích cái vui vẻ, xinh đẹp.
Còn những người làm nghề y, suốt ngày họ đối diện với bệnh tật, với chết chóc… vậy mà lúc nào họ cũng phải dịu dàng.
Chỉ chừng đó thôi chẳng phải cũng đã là vĩ đại lắm rồi sao?
Thực ra, trong cái thế giới chật chội và hỗn mang này, y đức là một thứ vừa gần gũi lại vừa rất mơ hồ.
Lòng tốt của ai đó với ta đôi khi không cần được đền đáp nhưng không thể vì thế mà ta quên đi việc phải biết ơn họ.
Đó là lý do của status về lòng biết ơn sâu sắc của Phương.
Cho dù, hôm nay, có rất nhiều những người thầy thuốc mà Phương quen vẫn mệt mài trong những phòng khám và bệnh viện. Họ cũng không có thời gian để mà đọc được status này…”.
Đây là status của Trần Thị Cúc Phương viết vào dịp 27.2.2017, với tựa Lòng biết ơn của tôi. Lòng biết ơn đối với đội ngũ y, bác sĩ trong chuỗi ngày chống lại căn bệnh hiểm nghèo, sau đó được in trong quyển Ngoài kia trời rất xanh của chị. Phải trích dẫn vì quả thật, tôi không thể viết được, nói được những điều sâu thẳm từ đáy lòng như cô ấy, một phụ nữ trong hành trình cận tử.
Đúng vậy, “thầy thuốc không chỉ là một nghề, đó còn là một sứ mệnh”, một sứ mệnh thiêng liêng!
Thần linh không ở đâu xa
Triết gia người La Mã Marcus Tullius Cicero từng nói: “Không gì khiến con người tiến gần thần linh hơn việc trao sức khỏe cho con người”. Vậy thì, rõ ràng, thần linh không ở đâu xa cả, họ chính là những “thiên thần áo trắng” mà chúng ta, ít nhất một lần trong đời đã gặp.
Tháng 7.2020, báo chí và mạng xã hội lan truyền bức ảnh các điều dưỡng cắt tóc cho nhau để bước vào “trận chiến chống Covid-19”. Bức ảnh do các bác sĩ ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng gửi ra đã khiến bao nhiêu con tim rung lên thổn thức. Những cô gái tuổi đôi mươi đã để đồng nghiệp cắt đi mái tóc mà mình dày công chăm sóc, nuôi dưỡng chỉ để cho gọn gàng, dễ tác nghiệp hơn.
Những ngày đó, tôi đã cố gắng liên hệ với người quen của một trong những cô gái đó, và biết được cô ấy đang trong thời kỳ con còn chưa cai sữa. Năm lần bảy lượt thuyết phục, cô gái ấy vẫn không chịu cho tôi nhắc tên và viết lại câu chuyện của mình, chỉ vì “vào hoàn cảnh đó, ai cũng sẽ làm như em thôi”.
Tôi đã cầm điện thoại rất lâu, hai bên không nói gì, dường như im lặng cũng là một sự cảm thông, chia sẻ. Nhưng quả thật, đã rất lâu rồi tôi mới gặp lại cảm giác như thế. Cảm giác không thể mô tả bằng lời.
Trong lúc nhiều người ca thán vì tù túng do giãn cách xã hội, do thèm một tô bún giò, thèm không khí cà phê với bạn, thì họ, những con người đó, đã để lại gia đình sau lưng với bao bộn bề lo toan, để lại ba mẹ già, con nhỏ... để lao vào cuộc chiến đầy sự hiểm nguy rình rập, ăn vội suất cơm khó nuốt, tô mì pha vội, chợp mắt trong thùng carton... để cứu người. Họ chính là những thần linh!
|
Chúng ta hãy thử thức một đêm
Dân gian có câu “Đêm nằm bằng năm ở”. Trong các đợt dịch bệnh bùng phát trước đây và đặc biệt những ngày này, các y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên bệnh viện... họ đã nằm đâu? Thức.
Hình ảnh các anh chị mặc đồ bảo hộ nằm đủ mọi tư thế trên nền nhà, trên ghế, bất kỳ chỗ nào lúc có thể tranh thủ chợp mắt được, hình ảnh một nữ nhân viên Trung tâm y tế Q.Sơn Trà (Đà Nẵng) ngủ trong tư thế ngồi nghiêng ngay trên xe cứu thương sau một đêm trắng ở KCN An Đồn, nơi đang có công nhân đối diện với nguy cơ nhiễm Covid-19 từ nguồn chưa xác định khiến chúng ta vừa thương vừa cảm.
Chị Hà, người phụ trách bộ phận xét nghiệm của CDC Thừa Thiên-Huế, đã chuyển cho lãnh đạo đơn vị một hình ảnh nhân viên xét nghiệm kiệt sức, ngồi trong phòng kính với lời nhắn: “Bác ơi, cứ cường độ làm PCR như thế này, em sợ mấy em không chịu nổi bác à...”.
Người lãnh đạo tại CDC tỉnh Thừa Thiên-Huế sau khi nhận được tin nhắn cũng chẳng thể làm gì khác ngoài nhắn tin động viên an ủi: “Hà ơi, bác biết hết. Anh em CDC đã gần như hết sức cả rồi. Bác cầu mong mọi người không ai gục ngã hết. Cố gắng vượt qua giai đoạn này, tất cả vì cộng đồng”.
Sức lực con người có hạn, thật vô duyên khi nói, chúng ta hãy thức một đêm, nhưng hãy cứ tưởng tượng mà xem, những người chống dịch họ đã thức như thế từ đêm này đến đêm khác, họ không gục ngã vì ai, vì điều gì? Hẳn ai cũng biết.
Những tấm lòng cao cả
Đợt dịch bệnh này, ác thay, hầu như nó lại tấn công vào nhiều bệnh viện, tấn công vào nơi điều trị cho các bệnh nhân.
Hình ảnh các cuộc giao ban trực tuyến cho thấy, ngay cả những người trong bộ chỉ huy chiến dịch từ Trung ương đến địa phương, mắt thâm quầng vì mất ngủ; từ đó có thể hình dung ra những người làm việc trực tiếp ở các cơ sở đã phải vất vả thế nào. Chỉ làm nhiệm vụ thôi, họ đã thể hiện tấm lòng cao cả. Vì cộng đồng và chỉ vì một mục đích vì cộng đồng.
Thế nhưng, giữa dịch bệnh, các y bác sĩ Trung tâm y tế TP.Đông Hà (Quảng Trị) không lo cho mình mà lo cho người khác, họ quyên tiền tặng cho những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn đang phải cách ly tại đây (7 người, mỗi người một suất quà 5 triệu đồng)...
Hành động của các y, bác sĩ khiến chúng ta, ai đó, phải xấu hổ khi luôn miệng kêu ca chỉ vì một chút thiệt thòi của bản thân. Không cho học sinh nghỉ học cũng nói sao không cho nghỉ, cho nghỉ cũng kêu làm sao gửi con để đi làm... Kiểu gì cũng kêu được.
Mỗi người không cố gắng nỗ lực một chút, thì ai lo cho mình và cho cả cộng đồng?
***
Trong phạm vi bài này, người viết chưa có điều kiện nhắc đến những lực lượng phối hợp phòng chống dịch Covid-19. Nhưng những việc mà các anh chị, các bạn đang làm, chúng tôi tin rằng mọi người đều biết ơn và luôn bên cạnh.
Hãy kiên cường lên, những “thiên sứ” của chúng tôi!
|
Bình luận (0)