Mẹ chết cũng không dám về quê
"Lúc mẹ tôi mất tôi cũng không dám về. Cảm giác của mình là về xấu hổ với dân làng", người phụ nữ uất nghẹn.
Quê chị ở miền bắc. Hai vợ chồng dắt díu mấy đứa con vào TP.HCM lập nghiệp. Họ thuê một căn nhà trọ vùng ngoại ô để ở và làm nghề thu mua ve chai. "Rời làng quê, mình chỉ ước mơ cho con cái được học hành ở thành phố. Sao cho đời con đỡ khổ hơn đời mình. Có ngờ đâu...", người mẹ thở dài.
Con gái chị chuẩn bị vào lớp 1 thì bị người thanh niên hàng xóm
xâm hại. Cái xóm trọ nhỏ không giấu nổi chuyện tày đình. Sợ bị hàng xóm xì xầm, sợ mỗi ngày con phải nhìn thấy kẻ thủ ác mà không quên được chuyện đau lòng, gia đình chị đành phải dời chỗ trọ.
Dời chỗ ở, bao nhiêu mối buôn bán gầy dựng lâu nay cũng theo đó mất theo. Thời gian đầu mới dời đi, chưa buôn bán lại được, gia đình chị phải vay nợ mới có cái ăn qua ngày.
"Từ hồi đấy đến giờ làm ăn cũng sút đi. Chẳng làm ăn được cái gì hết. Cứ lẩn quẩn như là người mất hồn vậy", người mẹ buồn rầu.
Cái đồ bị... hiếp dâm!
Còn chị H., ở Bình Thuận có đứa con 11 tuổi bị hàng xóm xâm hại cũng đang chuẩn bị bỏ quê mà đi. Sau khi sự việc xảy ra nhiều tháng ròng sau khi chị tố con gái bị xâm hại, cơ quan chức năng vừa có kết luận không khởi tố vụ án vì không đủ chứng cứ.
"Tôi và các con cứ bị dọa đánh, dọa giết. Đêm đêm tôi cứ ám ảnh nghe như có tiếng bước chân ở sau nhà. Hàng ngày, bên nhà hàng xóm cứ lấy giàn ná bắn đá qua nhà tôi. Con bé nhà tôi đi học cứ bị ghẹo là đồ bị hiếp dâm. Còn tôi thì không dám đi làm xa mà phải ở nhà để giữ con", chị H. cho biết.
Tháng trước, chị H. phải chạy vạy gửi con đi Sài Gòn. Còn chị cũng đang tìm một công việc ở xứ lạ quê người.
Chị H. lo lắng: "Tôi cũng không biết mấy mẹ con phải sống ra sao giữa thành phố xa lạ. Nhưng làm sao mẹ con tôi có thể sống ở quê được nữa".
Không mức án nào có thể bù đắp
Suốt 6 năm đeo đuổi vụ kiện đòi công bằng cho con, chị M. ở Hóc Môn (TP.HCM) đã nếm đủ mọi lận đận long đong. Sau khi phát hiện con gái bị xâm hại, chị cũng phải bỏ việc, chuyển nhà, chuyển trường cho con.
"Tôi đã phải thất nghiệp suốt hai năm sau đó. Đi làm công ty thì không dám đi vì sợ bỏ con ở nhà nó lại bị xâm hại. Tôi luôn bị ám ảnh chỉ cần tôi rời mắt nó một lúc là tai họa sẽ lại ập xuống. Cuối cùng, tôi nhận may gia công ở nhà. Tiền công 3.500 đồng/cái. Mỗi ngày ngồi còng lưng từ 5 giờ sáng đến tối mới may được chừng 50 - 60 cái", chị M. kể.
Chị M : "Tôi luôn bị ám ảnh chỉ cần tôi rời mắt nó một lúc là tai họa sẽ lại ập xuống. Cuối cùng, tôi nhận may gia công ở nhà..." Ảnh: Nguyễn Thanh Tâm
|
Mặc dù sự việc xảy ra đã 6 năm, con chị M. từ một cô bé mới 6 tuổi giờ đã lên 12 tuổi, nhưng vụ án vẫn chưa khép lại được. Ngày 7.6 vừa qua một vụ xô xát giữa người mẹ bị cáo và người mẹ bị hại diễn ra ngay tại sân tòa án, sau phiên phúc thẩm.
Chị M. cho biết: "Đến giờ, sau khi lên tiếng tố cáo kẻ thủ ác, tôi vẫn còn sợ lắm. Mỗi khi ra đường tôi đều nhìn trước nhìn sau rất cẩn thận. Tôi luôn bị ám ảnh có người theo dõi và ám hại mình bất cứ lúc nào".
Về vụ án liên quan đến con của chị M., luật sư Nguyễn Sơn Lâm, chi hội phó Chi hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết vụ án đến nay đã kéo dài 6 năm, trải qua 16 phiên tòa xét xử.
Luật sư Nguyễn Sơn Lâm nói: "Không biết rằng pháp luật sẽ xử lý những người vi phạm mức hình phạt như thế nào. Nhưng tôi cho rằng hình phạt như thế nào đi nữa cũng không bù đắp hết những mất mát về tinh thần mà gia đình bị hại đã phải gánh chịu".
Bình luận (0)