Sáng 18.3, tại TAND TP.HCM, TAND tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp và triển khai hướng dẫn về việc thành lập các tòa chuyên trách trong các tòa án.
Ông Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: H.N |
Theo báo cáo, tham luận của tòa án các tỉnh, thành, hoạt động cải cách thủ tục hành chính tư pháp tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, cấp sao lục bản án... Bên cạnh đó, các tòa án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả, đồng thời công khai minh bạch các hoạt động của tòa.
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh việc cải cách hành chính tư pháp tại các tòa án hiện nay rất cấp bách. Do vậy, các tòa án phải chú trọng tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm ứng dụng để công khai minh bạch trình tự, thủ tục tại tòa, để người dân có thể liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin về quá trình giải quyết công việc của mình tại tòa án. Đồng thời tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề liên quan đến hoạt động của tòa án. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng đề án tòa án điện tử để có thể triển khai vào năm 2020. Trước mắt, triển khai thí điểm tại một số tòa án có đủ điều kiện việc gửi và nhận đơn trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử.
Theo TAND tối cao, tháng 7.2014, Thủ tướng đã phê duyệt đề án đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc của hệ thống TAND với tổng kinh phí hơn 832 tỉ đồng, trong đó tăng cường thiết bị công nghệ thông tin để đến năm 2020 hoàn thành hệ thống tòa án điện tử. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo triển khai rà soát lắp đặt hệ thống camera giám sát, ghi âm, ghi hình tại phòng xét xử.
Chỉ đạo hội nghị, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình yêu cầu quá trình cải cách thủ tục hành chính tư pháp phải luôn đi kèm với công tác ứng xử, đạo đức của cán bộ, công chức. “Phải thường xuyên giáo dục cán bộ thực sự là công bộc của dân, thái độ tiếp dân phải tận tụy, lễ phép. Khi người dân có yêu cầu gửi đến tòa án giải quyết vụ việc thì phải được hướng dẫn quy trình thủ tục đầy đủ, không để người dân phải đi lại nhiều lần, tốn kém. Phải đào tạo, huấn luyện chuyên môn cho thẩm phán, thư ký tham gia xét xử phải đạt được trình độ văn hóa, ứng xử tại pháp đình”, ông Trương Hòa Bình nói và đề nghị người dân, cá nhân, tổ chức, cơ quan tích cực thực hiện quyền phát hiện, phản ánh, góp ý, phê bình, tố cáo cán bộ, công chức tòa án có thái độ quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh.
Tổ chức tòa gia đình
Ông Bình yêu cầu các tòa án chủ động nghiên cứu, tổ chức thực hiện thành lập các tòa chuyên trách cũng như tòa Gia đình và người chưa thành niên tại các TAND cấp tỉnh, cấp huyện. Riêng TAND TP.HCM, ông Bình chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tòa Gia đình và người chưa thành niên trong cơ cấu tổ chức bộ máy của TAND TP.HCM vào tháng 4.2016. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm để tổ chức tại các tòa án khác.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP.HCM, cho biết TAND TP.HCM đã xây dựng xong đề án thực hiện các tòa chuyên trách. Theo đó, TAND TP.HCM sẽ xây dựng 6 tòa chuyên trách, ngoài 5 tòa chuyên trách cũ vẫn giữ nguyên (Hình sự, Dân sự, Lao động, Hành chính và Kinh tế) thì TAND TP thêm tòa Gia đình và người chưa thành niên. Có 23 tòa án quận, huyện (của TP.HCM) xin thành lập 4 tòa chuyên trách, riêng H.Cần Giờ do án không nhiều nên chỉ thành lập 3 tòa chuyên trách. Đối với tòa Gia đình và người chưa thành niên, TP.HCM thành lập đủ cả ở TAND TP và 24 quận, huyện. Riêng ở TAND TP.HCM, tòa Gia đình và người chưa thành niên sẽ được tổ chức riêng biệt, có trụ sở riêng do tính chất đặc thù. Trong đó, có đầy đủ các phòng từ phòng xử án, phòng cho trẻ em, phòng y tế... có các chuyên gia về tâm lý, tư vấn...
Bình luận (0)