Xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH, đình chỉ chức vụ ông Phạm Phú Quốc

02/09/2020 06:28 GMT+7

Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và Ban Công tác ĐBQH để xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc.

Tại buổi họp báo chiều 1.9, các cơ quan ở TP.HCM đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch cũng như quy trình điều động, bổ nhiệm.
Mở đầu buổi họp báo về việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) có 2 quốc tịch, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Hà Phước Thắng khẳng định tại thời điểm giới thiệu ông Quốc ứng cử ĐBQH, các cơ quan thực hiện đầy đủ quy định. Đến năm 2018 ông Quốc có quốc tịch thứ 2 (Cộng hòa Cyprus) mà không khai báo là không gương mẫu, không chấp hành đúng quy định của Đảng, của tổ chức. Sau khi báo chí phản ánh, ngày 25.8, ông Quốc có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH và đơn thôi việc; đến ngày 27.8, ông Quốc có đơn giải trình báo cáo các cơ quan chức năng.

Toàn cảnh vụ đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cộng hòa Síp

Về các bước xử lý tiếp theo, ông Thắng cho biết, trong tuần này Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và Ban Công tác ĐBQH để xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH đối với ông Quốc. Về mặt Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xem xét, làm việc với ông Quốc và đề xuất biện pháp xử lý; về mặt chính quyền, trong tuần sẽ có quyết định đình chỉ chức vụ. Trên cơ sở đình chỉ chức vụ, các đơn vị sẽ làm rõ trách nhiệm ông Quốc trong thời gian làm việc tại Tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) và IPC trước khi cho thôi việc, dự kiến hoàn thành trong tháng 9.2020.

Không khai báo là “sai quy định”

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho hay trong đơn gửi các cơ quan quản lý và buổi làm việc trực tiếp với Đoàn ĐBQH TP.HCM, ông Quốc đều cho rằng quốc tịch Cộng hòa Cyprus (Síp) do gia đình bảo lãnh và phủ nhận thông tin bỏ ra 2,5 triệu USD để mua quốc tịch.
Về việc có quốc tịch thứ 2, ông Khuê cho biết, con trai ông Quốc sau thời gian học tập và ở lại làm việc đã trở thành doanh nhân ở châu Âu nên đã bảo lãnh cho ông Quốc nhập quốc tịch Cyprus vào năm 2018. “Lúc đó có những vấn đề chi phối về công việc riêng và có những công việc không như mong muốn. Từ đó, gia đình muốn bảo lãnh cho ông Quốc sang Cộng hòa Cyprus để sống, để tìm sự thanh thoát”, ông Khuê dẫn lại nội dung làm việc với ông Quốc.
Sau khi báo chí phản ánh, ông Quốc gửi đơn đến cơ quan quản lý thể hiện “sự ăn năn và cảm thấy đau lòng” về cách hiểu dưới góc độ là doanh nhân. Dù vậy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM khẳng định, dù ở góc hiểu nào thì cũng phải trung thực với Đảng, với Tổ quốc. Từ thực tế này cũng đặt ra yêu cầu về công tác giám sát cán bộ có biểu hiện bất minh, kiểm soát việc thực hiện trách nhiệm công dân và tạo sự chặt chẽ, đánh giá đúng và nhìn nhận đúng về sự bất thường trong đời sống cán bộ về sau này.

Ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, nói về vụ việc của ông Phạm Phú Quốc

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc tại thời điểm bổ nhiệm ông Quốc làm Tổng giám đốc IPC (tháng 12.2019), ông này có báo cáo quốc tịch thứ 2 không, ông Khuê cho biết lúc hiệp thương giới thiệu ứng cử ĐBQH chưa có thông tin về việc vợ và con có quốc tịch Cộng hòa Cyprus. Trong giai đoạn công tác ở HFIC và hiện tại trong hồ sơ cơ quan quản lý vẫn chưa thể hiện ĐB Quốc có 2 quốc tịch và vợ con có quốc tịch nước ngoài.
Trước thông tin cáo buộc ông Quốc chi 2,5 triệu USD để mua quốc tịch Cyprus, ông Khuê cho rằng cần phải tôn trọng lời thú nhận của ĐB là được gia đình bảo lãnh. “Bây giờ cứ xoay quanh việc truy tìm làm sao cho bằng được tiền của ĐB ở đâu ra, có tài sản hay tiền gửi euro để mua quốc tịch là không nên”, ông Khuê nói và đề nghị báo chí không trượt quá vấn đề này và khẳng định chỉ riêng việc ông Quốc không khai báo cho tổ chức là đã sai quy định.
Về thông tin ông Quốc từng có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH vào năm 2018, ông Khuê khẳng định, thời điểm đó ông Quốc gửi báo cáo với Đoàn ĐBQH TP.HCM về việc đang chịu hình thức kỷ luật Đảng chứ không phải đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH.

Có lọt quy trình 5 bước ?

Ông Phạm Phú Quốc từng nhận hình thức kỷ luật khiển trách năm 2018 do những vi phạm trong quá trình công tác tại HFIC, sau đó được điều động về Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Đến tháng 12.2019, ông Quốc được điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc IPC. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch trong công tác bổ nhiệm cán bộ của UBND TP.HCM. Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã giao Sở Nội vụ cập nhật lại chi tiết các khoảng thời gian công tác của ông Quốc để xem xét lại việc bổ nhiệm đã chặt chẽ chưa.
Ông Nguyễn Duy Tân, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho hay nếu cán bộ từng bị khiển trách thì trong vòng 1 năm không bố trí vị trí cao hơn ở đơn vị đó, đồng thời khẳng định việc luân chuyển ông Quốc qua đơn vị khác xuất phát từ yêu cầu công việc của TP.HCM. Cụ thể, việc luân chuyển ông Quốc từ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sang IPC được Sở Nội vụ làm theo quy trình 5 bước, đảm bảo dân chủ công khai. Bước 1, Sở Nội vụ rà soát cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM quản lý thì có ông Quốc đủ tiêu chuẩn và điều kiện như trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh. Các bước tiếp theo gồm trao đổi với ông Quốc về công việc sắp tới, làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và IPC trước khi trình Ban Thường vụ Thành ủy thảo luận, thống nhất và trình UBND TP.HCM ban hành quyết định điều động, bổ nhiệm.
Ông Tân cho rằng, theo quy định, cán bộ là công dân Việt Nam nên việc ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch là vi phạm quy định; còn theo tiêu chuẩn ĐBQH thì trước đây cũng không nói rõ chỉ duy nhất quốc tịch Việt Nam mà mới sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực từ năm 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.