Xem xét quyết định các chức vụ có hàm trung tướng, thiếu tướng công an

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/03/2019 15:28 GMT+7

Chiều 13.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng trong lực lượng công an.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng và thiếu tướng là nhằm thực hiện theo luật Công an nhân dân sửa đổi năm 2018 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 6 năm 2018 vừa qua.
Báo chí được đề nghị không dự và đưa tin phiên họp này.
Trước đó, theo cổng thông tin điện tử của Quốc hội, vào ngày 8.3, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Quốc phòng an ninh đã thẩm tra tờ trình của Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết này.
Theo đó, Chính phủ đề nghị giao Bộ Công an căn cứ tình hình thực tế, công tác cán bộ trong từng giai đoạn cụ thể trình cấp có thẩm quyền quyết định các vị trí cụ thể để xem xét thăng cấp bậc hàm trung tướng cho phù hợp.
Đối với cấp bậc hàm thiếu tướng, Chính phủ cũng đề nghị giao Bộ Công an trình cấp có thẩm quyền quyết định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng ở 17 đơn vị trực thuộc Bộ này, mà phó cục trưởng, phó tư lệnh và tương đương có cấp bậc hàm là thiếu tướng, theo quy định tại điểm d, khoản 1 của luật Công an nhân dân 2018.
Cũng theo tường thuật của Cổng thông tin điện tử Quốc hội, tại phiên họp, các đại biểu thảo luận về việc cân nhắc quy định cụ thể từng vị trí có cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng ngay trong nghị quyết; về số lượng trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng và quy định cấp bậc hàm cao nhất của trưởng cơ quan đại diện của Bộ Công an ở các nước…
Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ảnh Gia Hân
Trong kết luận phiên họp, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, cho biết qua thảo luận, có 2 loại ý kiến về việc quy định cụ thể chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng và thiếu tướng trong dự thảo nghị quyết.
Theo đó, bên cạnh các ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ còn có ý kiến đề nghị quy định cụ thể từng chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng trong dự thảo nghị quyết để bảo đảm đúng nội dung luật định.
Bên cạnh đó, các ý kiến này đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát nghiên cứu các quy định của dự thảo Nghị quyết để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, về việc không được ủy quyền lại, không quy định lại các nội dung các luật khác đã quy định…
Trong đó, khoản 2, điều 25 luật Công an nhân dân sửa đổi quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan công an nhân dân có ghi rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong luật này.
Điều 25. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân
1. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân được quy định như sau:
a) Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;
b) Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an. Số lượng không quá 6;
c) Trung tướng, số lượng không quá 35 bao gồm:
Cục trưởng, Tư lệnh và tương đương của đơn vị trực thuộc Bộ Công an có một trong các tiêu chí sau đây: có chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, trực tiếp chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng;
Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an T.Ư;
Giám đốc Học viện Chính trị công an nhân dân, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân;
Giám đốc Công an TP.Hà Nội, Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh;
Sĩ quan công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng hoặc tương đương;
d) Thiếu tướng, số lượng không quá 157 bao gồm:
Cục trưởng của đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 điều này;
Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông. Số lượng không quá 11;
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an T.Ư. Số lượng không quá 3;
Phó cục trưởng, Phó tư lệnh và tương đương của đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại điểm c khoản 1 điều này. Số lượng: 17 đơn vị mỗi đơn vị không quá 4, các đơn vị còn lại mỗi đơn vị không quá 3;
Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, Phó giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh. Số lượng mỗi đơn vị không quá 3;
Sĩ quan công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ tổng cục trưởng hoặc tương đương;
đ) Đại tá: giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, trừ trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản này; giám đốc bệnh viện trực thuộc bộ; hiệu trưởng các trường trung cấp công an nhân dân;
e) Thượng tá: trưởng phòng và tương đương; trưởng công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc T.Ư; trung đoàn trưởng;
g) Trung tá: đội trưởng và tương đương; trưởng công an xã, phường, thị trấn; tiểu đoàn trưởng;
h) Thiếu tá: đại đội trưởng;
i) Đại úy: trung đội trưởng;
k) Thượng úy: tiểu đội trưởng.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong luật này.
3. Sĩ quan công an nhân dân biệt phái có chức vụ cao hơn quy định tại điểm c khoản 1 điều này và trường hợp đặc biệt được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng do cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Trưởng phòng và tương đương ở đơn vị thuộc cơ quan bộ có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ toàn lực lượng; trưởng phòng tham mưu, nghiệp vụ, trưởng công an quận thuộc Công an TP.Hà Nội, Công an TP.Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất cao hơn 1 bậc quy định tại điểm e khoản 1 điều này.
5. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy của sĩ quan giữ chức vụ, chức danh còn lại trong công an nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.