Xóm Nhà đèn: Mặc áo mới cho đồ gỗ xưa

30/06/2021 06:34 GMT+7

Hơn 30 năm nay, xóm Nhà Đèn (hẻm 124 Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM) vẫn luôn đặc quánh mùi véc ni, tiếng búa, tiếng máy bào từ những người thợ tân trang đồ gỗ cũ.

Những món đồ gỗ khi về tới hẻm 124 thường đã có thâm niên vài chục tới gần cả trăm năm, ít được sửa sang hay làm mới nên cũ kỹ, một số món đã mối mọt, rong rêu. Để những món đồ lấy lại giá trị, thợ mộc sẽ sửa chữa, sơn phết để tạo độ mới, độ bền trước khi bán lại cho người khác.

Việc sửa chữa đồ gỗ cũ cần tỉ mỉ nên đòi hỏi các thợ tân trang phải kiên nhẫn

Phục dựng giá trị cũ

Dùng chiếc đục chàng (loại đục chuyên dụng trong nghề mộc) có lưỡi cỡ 4 - 5 cm, anh Nguyễn Sỹ Hoạt (45 tuổi, quê ở Sầm Sơn, Thanh Hóa) tỉ mỉ cạo hết lớp sơn cũ trên mặt bàn dài gần 2 m, để lộ lớp gỗ mộc có vân đẹp tuyệt. “Cái bàn này làm bằng gõ đỏ. Loại gỗ này rất tốt và màu cũng đẹp. Do mua đi bán lại nhiều lần, mỗi lần người mua lại phủ lên một lớp sơn dày nên làm mất đi nét đẹp tự nhiên. Để món đồ có giá trị, phải cạo hết lớp sơn cũ rồi chà nhám để lộ màu gỗ nguyên bản”, anh nói.

Tiền nào của đó

Chủ bán đồ gỗ cũ ở xóm Nhà Đèn thường trông mặt khách để bán hàng. Khách mua kì kèo, trả giá nhiều thì chủ buôn nhận lời bán nhưng gia cố tạm bợ, khi về chỉ cần sử dụng vài lần là món đồ trở lên lỏng lẻo, có khi phải mang bỏ. Nếu ít kì kèo trả giá, chấp nhận một mức giá tương đối thì chủ buôn cho thợ làm kỹ, có thể dùng được một thời gian. Muốn mua đồ bền ở những khu đồ cũ này thì đặc biệt phải có chút hiểu biết về đồ gỗ. Khi mua phải nói rõ yêu cầu và chỉ nhận hàng khi việc chỉnh trang đạt tiêu chuẩn.
 
Theo anh Hoạt, người xưa làm các vật dụng bằng gỗ tự nhiên nên bản thân món đồ đã tự đẹp, chỉ cần quét véc ni mỏng là có thể tăng gấp 5 - 10 lần giá trị ban đầu. Sau khi hoàn thành công đoạn chà nhám, thợ tân trang sẽ dùng một nhúm bông gòn khá to thấm véc ni, nhúng vào bột đá và đánh thật đều lên bề mặt. Nước véc ni đi đến đâu, màu gỗ nguyên bản của món đồ được phục hồi đến đó. Không chỉ đánh véc ni lên gỗ mà ngay cả việc pha véc ni và chọn màu sao cho phù hợp với màu gỗ cũng đòi hỏi sự tinh tế và kinh nghiệm của thợ. Nếu thợ tân trang không để ý mà sử dụng sơn PU sẽ làm lạc tông, mất đi tuổi xưa của món đồ gỗ.
Đồ gỗ cũ khi về tới khu Nhà Đèn 99% đều có “thương tật”, không gãy chân thì long đai, bung ốc nên bắt buộc thợ tân trang phải nhúng tay thì đồ đó mới dùng lại được. Đôi khi việc “mông má” trở nên phức tạp khi cái bàn, cái tủ... thiếu đi một chân hay mất hẳn một cánh cửa..., việc tìm loại gỗ phù hợp để thay thế trở nên khó khăn. Lắm lúc tìm không ra, họ phải thay thế loại gỗ có tính năng và vân gỗ tương tự để sản phẩm giữ nguyên giá trị. Với những lỗ mọt, mảnh vỡ nhỏ, thợ tân trang lại tỉ mỉ dùng mạt cưa loại mịn nhất trám vào vết nứt rồi nhỏ từng giọt keo 502 vào. Đợi khô, tiếp tục chà nhám bằng nước để làm nhẵn bề mặt vừa trét kín khiến người thường nhìn không ra (dân trong nghề cũng phải căng mắt mới nhận ra chỗ vá).
Không chỉ biến đồ cũ thành mới, người thợ còn phải biết “mánh” để khi cần có thể đính thêm vỏ ốc, vỏ trai vào gỗ theo đúng mốt ngày xưa. Những chiếc tủ thờ, hay bộ bàn ghế được làm từ các loại gỗ  tốt như cẩm lai, gõ mật, đinh hương, vàng tâm... sau khi dùng vài thủ thuật sẽ trở nên sang trọng và giá trị hẳn lên.
Xóm Nhà đèn: Mặc áo mới cho đồ gỗ xưa

Anh Nguyễn Sỹ Hoạt là một trong những thợ tân trang gắn bó lâu nhất ở xóm Nhà Đèn

“Phù thủy” tân trang

Cùng ở trong xóm Nhà Đèn, cùng mua bán đồ gỗ cũ nhưng anh Nguyễn Văn Viển còn kiêm cả việc bán sỉ cho một số chủ vựa những mặt hàng phổ biến như sa lông cóc, bàn tròn ba chân. Lý do không chỉ vì anh có mối thu mua đồ gỗ cũ ở Đồng Nai, Bình Dương... mà còn bởi anh là thợ tân trang lành nghề đã thuộc nằm lòng hoa văn, kiểu dáng của những món đồ cổ xưa. Anh Viển gần như có thể “điều trị” được tất cả các ca khó trong thuật tân trang đồ gỗ cũ. Anh có thể biến một chiếc tủ cũ nát thành đồ như mới, có thể nắn ra những chiếc đòn tay mới giống hệt kiểu cũ...

Nghề độc hại nhưng công rẻ bèo

Phần nhiều chủ thu mua đồ gỗ cũ hiện nay đều đã có của ăn của để, trong khi đó đời sống của các thợ tân trang chỉ “bình bình” hoặc kham khổ. Là thợ mộc giỏi, vào Sài Gòn hơn 20 năm nhưng tới nay, anh Hoạt vẫn quần quật từ 7 giờ sáng đến tối ở xóm Nhà Đèn với mức lương từ 300.000 -500.000 đồng/ngày. Vào ngày gấp hàng, khách hối thì làm tới khuya, tiền tăng ca cũng chỉ trên dưới 100.000 đồng. Lương như vậy nên dù rất muốn được gần vợ con (hiện đang sinh sống tại Trà Vinh) nhưng suốt 20 năm nay anh Hoạt phải chấp nhận đơn độc ở thành phố kiếm cơm và dành dụm gửi tiền về phụ vợ nuôi con ăn học.
Thợ mộc có thể dùng khẩu trang nhưng trong môi trường nhà xưởng làm việc nặng nhọc, đeo khẩu trang rất khó thở nên thường thợ mộc để mặt trần chịu hít bụi. “Làm thợ mộc không thể từ chối mùi sơn, PU... 10 thợ mộc tôi biết thì có tới 5, 6 người bị bệnh tuyến giáp. Lý do không rõ nhưng hầu hết họ đều nói rằng mình tiếp xúc với sơn, PU quá nhiều”, anh Hoạt nói.
Giả cổ đối với anh Viển không phải là chuyện khó. Từ những thanh gỗ cũ lượm lặt khi làm đồ, anh đem “chế biến” thành những cái chân ghế kiểu cọ, tay ghế với những đường nét đúng xưa rồi cùng thợ mộc ráp lại. Người không có kinh nghiệm đi tìm đồ gỗ khi gặp phải những món đồ đóng mới này cũng không thể nhận ra.
Nói về công nghệ “chữa bệnh” cho đồ cũ, anh Viển chia sẻ để làm một món đồ dùng tạm thời thì dễ, chỉ cần dùng keo và mạt cưa sau vài giờ là có ngay những món đồ nhìn có vẻ cứng cáp. Tuy nhiên, độ bền chỉ được thời gian ngắn, có khi vài ngày là những mối keo khô, bong tróc, đôi khi còn bị xé thịt khiến chiếc ghế, cái bàn bị nứt toác và hư luôn. Vì vậy, rất cần những chủ bán hàng có tâm, tư vấn kỹ cho khách mua hàng. Đồ rẻ chỉ có thể dùng tạm. Muốn bền phải chấp nhận giá cao hơn để trả công cho thợ tân trang làm kỹ lại.
Xóm Nhà đèn: Mặc áo mới cho đồ gỗ xưa

Thợ tân trang đồ gỗ cũ tiếp xúc với bụi, sơn độc hại nhưng lương chỉ dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/người/ngày

“Có lần vừa mua bộ ghế từ xe ba gác chở đến bán tại chợ, tôi đã có mối đặt bộ ghế ấy để mang đi Campuchia. Họ yêu cầu làm kỹ và gấp. Tôi ra thời hạn 1 tuần và mức giá là 20 triệu đồng”, anh Viển kể. Để bộ ghế từ “phế liệu” thành siêu phẩm, anh mất 4, 5 ngày để cạo lớp sơn cũ, cẩn thận dùng búa cạnh ra từng chiếc đinh gỉ sét rồi dặm, vá những chỗ bị sâu mọt ăn, phải kiên nhẫn, tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.