Xóm Nhà đèn: Xóm nhỏ tình thâm

02/07/2021 06:34 GMT+7

Nằm lặng lẽ cạnh bờ kênh Tàu Hũ, xóm Nhà Đèn (hẻm 124 Phạm Thế Hiển, Q.8) thành chợ đồ gỗ cũ, có người ăn nên làm ra, có người chạy ăn từng bữa nhưng vẫn sống chan hòa, đùm bọc nhau như một gia đình lớn.

Mới bước vào nghề năm 2010 nhưng anh Lương Phước Tùng, 35 tuổi, đã vượt qua nhiều chủ buôn đồ gỗ cũ lâu năm để trở thành đại gia, sở hữu kho đồ cũ nhiều và đa dạng nhất xóm Nhà Đèn.

Anh Lương Phước Thọ (Q.5, TP.HCM) tập trung vào các món đồ gỗ độc, lạ, tinh xảo bán với giá cao

Gặp thời thành đại gia

Anh Tùng là người mới kinh doanh đồ gỗ cũ gần chục năm nay nhưng có người hậu thuẫn và có vốn dày nên mạnh tay thu mua đồ gỗ cũ với quy mô lớn. Những bộ ghế bát tiên, sa lông gỗ quý, đường đục tinh xảo giá hàng trăm triệu được anh Tùng mạnh tay chi tiền mua đứt.
Sờ vào bộ lưng nhẵn bóng của bộ ghế bát tiên đóng theo phong cách cổ sang trọng có giá hơn 200 triệu, anh Tùng giải thích: “Có những cái thuộc hàng độc, hiếm có, tiền nhiều chưa chắc mua được. Khách tìm đến tận khu Nhà Đèn thường là những người đã biết nghề, biết giá. Họ biết họ cần gì, tìm gì nên không cần giải thích nhiều. Gặp được món đồ tốt là bán rất nhanh. Tuy nhiên, những bộ bàn ghế thật sự độc, lạ và chất gỗ tốt thì phải biết chỗ bán”.

Do vui vẻ và nhiệt tình nên ông Thành được nhiều người gửi gắm chở hàng mấy chục năm nay

Trong danh bạ điện thoại của mình, anh Tùng có rất nhiều mối quen sẵn sàng chi bạo để mua được món đồ ưng ý. Bởi vậy, khi mua được một món đồ quý, anh Tùng không vội bán mà cho thợ soi làm lại: “Từng cái đinh, lỗ mọt, tôi phải cho thợ đục, moi thật kỹ rồi trám keo. Sau khi món đồ đã quay trở về trạng thái mới 99%, tôi đăng lên Zalo hoặc mấy trang mạng nước ngoài”.
Thông thường, khi đăng bán trên internet, anh Tùng sẽ không để giá. Tùy người hỏi là ai, khách quen hoặc khách lạ, anh sẽ đưa ra mức giá phù hợp. Không ít lần anh đưa ra một mức giá cao để thăm dò nhưng qua trao đổi vài tin nhắn đã chốt luôn bởi gặp người mua đam mê.
Trong hẻm 124, tiệm thu mua đồ gỗ cũ của anh Tùng nằm thứ 2 từ ngoài vào. Ở đầu hẻm là tiệm thu mua đồ gỗ cũ của anh trai anh Tùng là anh Lương Phước Thọ (42 tuổi, ngụ Q.5).
Bên trong căn nhà hẹp và thiếu sáng của anh Thọ luôn có những chiếc ghế với phong cách lạ mắt mang tuổi thời gian. Ngoài ra còn có những chiếc tủ xếp theo phong cách cổ điển phương Tây, những chiếc kệ ti vi, sập gụ tủ chè, câu đối... chất kín hết lối đi. Kiểu bán của anh Thọ là không có nhân viên hướng dẫn... Khách vừa đi vừa ngắm, thấy cái nào thích thì hỏi giá, chấp nhận thì mua.
Anh Thọ thiên về những món đồ nhỏ nhắn, decor cho các quán ăn, cà phê. Bởi vậy với những chiếc kệ gỗ, tủ ti vi, bàn phấn Hồng Kông... đều được anh đón mua từ đầu.
Anh Thọ luôn chọn mua những vật dụng này, chấp nhận mức giá có thể cao hơn nhiều người khác trong xóm. Sau khi mua xong, anh cùng thợ trực tiếp gia cố, “mông má”. Một số đồ được anh đăng lên Zalo cho khách chuyên decor. Dù các món đồ của anh Thọ có giá đắt gấp đôi, có khi gấp ba người trong xóm nhưng đồ bán vẫn đắt như tôm tươi và đều đặn.

“Bô lão” vựa đồ gỗ cũ

Là những người đầu tiên từ lúc hình thành vựa đồ gỗ cũ, bà Hai Láng và ông Thành Đen vẫn còn bám trụ. Với họ, xóm Nhà Đèn không chỉ là cái chợ kiếm cơm mà đã thành một phần đời không thể tách rời.

Xóm Nhà Đèn nấu cơm từ thiện

Xóm Nhà Đèn không chỉ là nơi mua bán đồ gỗ cũ mà là nơi mọi người sống nghĩa tình, chia sẻ lúc khó khăn
Dân trong xóm Nhà Đèn khá thân thiết, thường quan tâm giúp đỡ nhau. Cứ tháng 7 và tháng 10 là cả xóm góp tiền nấu cơm từ thiện.
Ai có tiền đóng tiền tùy khả năng, ai không có tiền thì góp sức nấu cơm, phân phát. Việc nấu cơm từ thiện đã được bà Hai và các thành viên trong xóm duy trì nhiều năm nay.
Cả xóm tập trung ở khu bếp của bà Hai chuẩn bị rau củ quả nấu cơm rồi chia vào các hộp xốp để mang ra các bệnh viện phát miễn phí. Việc nấu cơm từ thiện cũng phát tâm từ việc muốn tạo sự gắn bó ở xóm Nhà Đèn.

Những năm đầu thập niên 1990, thuê nhà ở xóm Nhà Đèn (lúc ấy gọi là xóm ven sông) cực rẻ vì cạnh con kênh Tàu Hũ hôi thối và giao thông không thuận tiện. Lúc đó, bà Hai Láng (Nguyễn Thị Láng, 70 tuổi, quê Long Xuyên, An Giang) cùng chồng con đến trọ tại đây. Thấy ông Tư Phong (ngụ Q.8, TP.HCM là thương lái đầu tiên mua bán đồ gỗ cũ ở xóm Nhà Đèn) kiếm sống cũng được nên bà học theo.
Ngày nào bà Hai cũng xách ghế ra đầu hẻm 124 ngồi đón xe đồ gỗ chở tới bán và chỉ mua đi bán lại những món đồ nhỏ, rẻ. Bà Hai lại “mắc bệnh” hồi tưởng, thấy những cái bàn, tủ màu gỗ sơn nâu đen lại nhớ về cái thời ngày xưa nên mua xong thường... giữ lại xài. Xài tới khi trong nhà không còn chỗ chứa nữa mới bán. Bởi vậy, dù bắt đầu sớm nhưng việc kinh doanh của bà Hai Láng cũng chỉ ở mức “bình bình”.
Hiện bà Hai cùng con thuê một mảnh đất sát kênh Tàu Hũ vừa làm kho vừa làm chỗ ở. Trong căn nhà sơ sài vài thứ vật dụng bằng gỗ cũ. Ở lâu mến đất mến người, giờ mỗi ngày không ra ngã ba ngồi là bà... mệt. “Một ngày không nghe tiếng búa, ngửi mùi véc ni là cảm giác tuổi già ập tới. Tôi là dân nhập cư nhưng giờ coi đây là nhà, sống và chết cũng ở đây”, bà Hai tâm sự.
Gắn đời mình với chiếc xe ba gác, cuộc sống ông Nguyễn Văn Thành, 62 tuổi, lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Ông Thành không có vợ con, sống một mình ở xóm Nhà Đèn. Hằng ngày, ông mưu sinh bằng nghề chạy xe ba gác chở đồ gỗ cũ giao cho khách mua. Trước đây, hầu hết các mối chở xe thương lái ở chợ đều giao cho ông Thành, tuy nhiên sau này có nhiều người chạy xe mướn nên các cuốc xe của ông thưa dần.
Vì thật thà, làm việc tận tâm nên ông Thành được cả xóm yêu mến giúp đỡ. Những ngày mưa khách mua hàng không có, lấy đâu cuốc chở, người trong xóm lại dúi cho tiền ông, kẻ vài chục, người vài trăm.
Ông Thành tâm sự: “Tui sống bằng nghề xe ba gác, không có gia đình riêng nhưng sống ở xóm Nhà Đèn lúc nào tui cũng có cảm giác sống trong một gia đình lớn. Bởi vậy, tui không chuyển đi đâu ở được”.
Hơn 30 năm gắn bó ở xóm Nhà Đèn, tài sản ông Thành, bà Hai hầu như chẳng có gì ngoài cái kho đầy đồ cũ. Nhưng họ không than nghèo mà vẫn tiếp tục sống vui vẻ trong căn nhà thuê lợp tôn nằm nép mình bên bờ kênh Tàu Hũ hôi thối, với cả bầu trời kỷ niệm từ công việc giúp họ mưu sinh hằng ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.