Xử phạt 'ma men' lái xe: Nơi quyết liệt, nơi buông lơi

03/01/2020 07:45 GMT+7

Dù Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ 1.1.2020, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nơi quyết liệt, nơi buông lơi.

Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ 1.1.2020 quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ cần bị phát hiện có nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền mức cao nhất từ 30 - 40 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 2 năm. Thế nhưng, dù nghị định đã có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm lại bị “buông lơi” ở nhiều nơi.
Thực tế nêu trên dẫn tới nguy cơ “nhờn luật”, trong khi tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện có uống rượu bia vẫn là nỗi nhức nhối của xã hội.

Uống 3 chai bia bị CSGT xử phạt, giam xe ngay ngày đầu năm 2020

Quán nhậu vẫn đông nghẹt ô tô, xe máy

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong hai ngày 1 - 2.1.2020, các quán nhậu trên địa bàn TP.HCM vẫn đông khách, nhiều người sau cuộc nhậu kéo dài vẫn tự lái xe về nhà.
Khoảng 17 giờ ngày 1.1, tại một nhà hàng trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3 (TP.HCM) có khoảng 6 nhân viên bảo vệ làm việc hết công suất để dắt xe, “kiêm” trông xe máy, ô tô cho khách nhậu. Chừng 50 m vỉa hè trên đoạn đường này kín mít xe máy của khách. Hơn 19 giờ cùng ngày, có 2 nam thanh niên từ nhà hàng loạng choạng bước ra, yêu cầu nhân viên lấy xe cho mình ra về.
CSGT kiểm tra độ cồn người điều khiển phương tiện có dấu hiệu uống rượu bia ẢNH: TRẦN TIẾN

CSGT kiểm tra độ cồn người điều khiển phương tiện có dấu hiệu uống rượu bia

Ảnh: Trần Tiến

Cùng thời điểm, một nhóm thanh niên sau tiệc sinh nhật tưng bừng rượu, bia rời quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (P.1, Q.Gò Vấp), lên xe máy chạy vào đường Phan Văn Trị để tiếp tục “tăng 2”.
Trong đêm 1.1, tổ tuần tra chuyên đề thuộc Đội CSGT Q.9 (Công an Q.9) chốt chặn trên đường Man Thiện. Tuyến đường này rất nhiều quán nhậu đông khách. Thấy tổ CSGT đứng chốt, nhiều khách “cố thủ” trong quán không dám điều khiển xe ra về; một số đang chạy phát hiện tổ CSGT liền xuống xe tấp vào lề đường đứng chờ, quay đầu xe để né hoặc tắt máy xe, dẫn bộ qua tổ CSGT để đối phó việc bị xử phạt.
Lúc 20 giờ 50 ngày 1.1, T.N.H (quê Bình Thuận) điều khiển xe máy BS 86B5 - 215... chở bạn gái không đội mũ bảo hiểm lưu thông trên đường Man Thiện thì bị tổ CSGT ra tín hiệu dừng xe. Hơi thở của H. nồng nặc mùi bia “vì hôm nay đầu năm anh em gặp mặt vui vẻ có uống hai lon”. Trong lúc CSGT xác định lỗi vi phạm và lập biên bản, H. gọi điện rủ bạn (đang nhậu tại quán gần đó) đến gom tiền và đưa cho tổ CSGT mong bỏ qua. Hành vi của nhóm bạn H. sau đó bị tổ CSGT nhắc nhở, cảnh cáo.

Uống 2 chén rượu, bị phạt 7 triệu đồng!

Cũng trong đêm 1.1, khi bị Đội CSGT Hàng Xanh (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM) lập biên bản xử phạt do nồng độ cồn trong hơi thở ở mức 0,18 mg/lít khí, anh T.Đ (28 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) tỏ ra bất ngờ: “Tôi không biết xử phạt nồng độ cồn sẽ tăng từ ngày hôm nay. Tôi uống chỉ 3 lon thôi. Từ Huế mới vào thăm anh nên uống chút bia chứ không nhiều”. Tuy nhiên, lời “phân trần” này không cứu vãn được mức phạt.
Một lãnh đạo PC08 Công an TP.HCM cho biết, trong năm 2019, phòng đã phát hiện, xử phạt 28.127 trường hợp người uống rượu, bia lái xe. Về thực hiện Nghị định 100, Ban Giám đốc Công an TP đã quán triệt PC08 triển khai cho các đội để thực hiện quyết liệt, nghiêm túc xử phạt người uống rượu, bia rồi lái xe.
Việc xử phạt nghiêm cũng được nhiều địa phương thực hiện. Chiều 2.1, tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc PC08 Công an TP.Hà Nội kiểm tra nhiều phương tiện tại nút giao thông Hàng Cót - Phan Đình Phùng. Tại đây, Tổ tuần tra phát hiện ông Nguyễn Văn D. (trú H.Gia Lâm, TP.Hà Nội) đang chở "bạn nhậu" nên thông báo kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả, trong hơi thở của ông D. có 0,489 mg/lít khí, bị lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái xe 23 tháng. Nhận quyết định xử phạt, ông D. phân trần "chỉ uống có 2 chén rượu với bạn".
Theo ghi nhận, chỉ trong vòng từ 13 giờ đến 13 giờ 20, tổ tuần tra đã dừng kiểm tra 4 người đi xe máy và ra quyết định xử phạt cả 4 người này vì vi phạm nồng độ cồn.
Tài xế T. bị phạt 35 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng Ảnh: T.S

Tài xế T. bị phạt 35 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng

Ảnh: T.S

Trước đó, khoảng 21 giờ 30 ngày 1.1, tổ công tác thuộc Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ - Cục CSGT (Đội 3) làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại Km 188+300 trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đã dừng xe ô tô BS 29C-45... do ông Lê Khắc T. điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn. Do tài xế không hợp tác, tổ công tác đã rất vất vả để buộc tiến hành kiểm tra theo quy định và xác định trong hơi thở tài xế T. có nồng độ cồn là 0,719 mg/lít khí. Tài xế T. bị phạt 35 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng.

Quy định có hiệu lực nhưng... chờ hướng dẫn?!

Trong khi lực lượng của Cục CSGT và công an nhiều địa phương thực hiện nghiêm việc xử phạt người có nồng độ cồn lái xe, thì không ít địa phương khác lại tỏ ra lúng túng, thụ động.
Trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng cho rằng quy định mới về xử lý người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn hiện thực tiễn chưa theo kịp văn bản. Chẳng hạn, lực lượng làm nhiệm vụ chưa có mẫu biên bản theo Nghị định 100 để lập biên bản làm cơ sở xử phạt người vi phạm. “Lực lượng đã kiến nghị Bộ Công an khi có đầy đủ các cơ sở sẽ tiến hành triển khai nghiêm túc, làm nhiệm vụ lâu dài để tình hình đi vào nền nếp, triệt để”, vị này nói.
Tương tự, đại tá Võ Văn Thăng, Phó giám đốc Công an TP.Cần Thơ, cho rằng do chưa có các văn bản liên quan hướng dẫn nên lực lượng CSGT Cần Thơ vẫn chưa thể thực hiện. Còn thượng tá Hồ Văn Thư, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết theo báo cáo của các đội CSGT, đến cuối ngày 1.1 chưa xử phạt trường hợp nào vi phạm liên quan đến nồng độ cồn...
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục CSGT nhấn mạnh trước thời điểm luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực thi hành, từ ngày 31.12.2019 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có điện chỉ đạo công an các địa phương quán triệt các nội dung của luật cũng như nghị định để cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ nắm vững và thực hiện đúng theo quy định.

Nở rộ dịch vụ “ăn theo”

Tại TP.HCM, dịch vụ chở người nhậu say được Công ty CP dịch vụ Bạn uống tôi lái áp dụng từ năm 2016. Ông Trần Nhật Trường, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ Bạn uống tôi lái, cho biết mục tiêu lớn nhất của dịch vụ là giúp người dân có những cuộc vui an toàn hơn và gia đình hạnh phúc hơn. Hiện có hơn 1.000 tài xế đăng ký chở khách hàng khi nhậu xỉn, không thể tự lái xe về nhà. Chi phí chuyến đi được ứng dụng tính theo giờ/ngày công lao động của tài xế cộng thêm chi phí di chuyển từ vị trí tài xế đến nơi nhận khách... Tuy nhiên, thực tế nhiều vị khách sau khi đăng ký sử dụng dịch vụ thì hủy giữa chừng “uống có xíu xiu nhằm nhò gì không lái được xe”!
Đến khi quy định xử phạt người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia được siết chặt, dịch vụ “bao trọn gói” đưa người say về nhà lập tức được nhiều quán nhậu, nhà hàng áp dụng. Ông Đỗ Thành Huấn, chủ quán Hải sản Bình Ba (TP.Cần Thơ), cho biết chương trình đưa người say về nhà được “kích hoạt” khi giới thiệu các món ăn cho thực khách. Sau đó, khách sử dụng rượu, bia có nhu cầu đưa về tận nhà có thể đăng ký với nhân viên (hoặc quán sẽ chủ động nhắc khách) nhằm góp phần chấp hành tốt luật lệ giao thông và tránh những rủi ro tai nạn đáng tiếc...
Sỹ Đông - Đình Tuyển 

 Ý kiến

Mời nhau uống có bị phạt?

Lâu nay, rủ nhau đi nhậu là điều bình thường. Rồi khi ngồi trong bàn nhậu, anh em thường có thói quen “mời nhau một ly”. Nếu ai không nâng ly thì khó coi, bị nghĩ khinh thường, nên hay nhắc nhau “uống đi, uống đi chứ”. Nay trong luật có quy định “Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”, vậy người mời uống thế có bị xử phạt? Ai sẽ theo dõi để phạt? Nếu ai cho rằng bị lôi kéo, ép buộc thì chứng minh thế nào?
Anh Nguyễn Huy Toàn (TP.Nha Trang, Khánh Hòa)

Mong CSGT đừng “cò kè”

Tôi ủng hộ phạt nặng người uống rượu, bia mà lái xe. Vấn đề là làm sao thực thi cho nghiêm, người thực thi không cò kè với người vi phạm. Hy vọng là các anh CSGT làm tròn trách nhiệm của mình. Tôi đề nghị lần này Bộ Công an quyết liệt chế tài những người thực thi pháp luật để xảy ra tiêu cực.
Tôi nghĩ quy định này rất nhân văn, vì mục tiêu cao nhất cũng để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người tham gia giao thông.
Anh Hoàng Nguyên Phong (Bình Dương)
Nguyễn Chung - Đình Nguyên (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.