Chó cũng mắc hầu hết bệnh giống người (đặc biệt là các giống nhập khẩu) nên hàng loạt phòng mạch ra đời để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho thú cưng ngày càng cao. Đội ngũ bác sĩ thú y (BSTY) đông đảo sẵn sàng ứng chiến mọi lúc, mọi nơi.
Bác sĩ “mát tay”
BS Phan Thanh Long được nhiều người đặt biệt danh “Long chó” vì nổi tiếng “mát tay” chữa bệnh cho chó (nghệ sĩ Hoài Linh cũng là khách hàng của ông). Tôi đến phòng khám Belwee của BS Long, thấy ông đang cấp cứu một chú chó. “Ca này bị care, tiên lượng rất xấu. Cả phòng mạch đang tập trung cứu, rất bận”, BS Long phân trần. Trên giường, chú cún đang được truyền nước nằm im lìm, gần như chết... Cô chủ ngồi bó chân trên ghế, nước mắt lưng tròng, miệng lầm rầm: “Con ơi đừng chết!”. Sau gần một giờ đồng hồ, chú cún từ từ mở mắt, đôi tai khẽ rung, “Hy vọng cứu được”, BS Long nói.
|
Phòng khám của BS Long tiếp nhận chó bệnh từ khắp nơi, kể cả các tỉnh xa. Dù “mát tay” cỡ nào, cũng có ca BS Long “bó tay”. “Mới đây, con chó bị viêm phổi, tràn dịch màng phổi chuyển từ Đà Nẵng vào. Bệnh quá nặng không qua khỏi, chủ khóc bù lu bù loa”, BS Long thành thật kể.
Không riêng phòng khám BS Long, các phòng khám thú y khác cũng tiếp nhận nhiều ca chó cảnh bệnh nặng. BS Nguyễn Hoàng Minh Quân (Q.6, TP.HCM) cho biết: “Chó không biết nói, lắm người nuôi thiếu kiến thức nuôi dưỡng, chăm sóc... nên nhiều con đến đây đã thập tử nhất sinh”.
Cách đây không lâu, Phòng khám thú y HiPet của BS Quân tiếp nhận chú cún (giống Shiba của Nhật) trong tình trạng nguy kịch. Chủ nuôi đưa đến phòng khám thú y có BS người Nhật, nhưng vẫn trả về chờ ngày “ra đi”. Với chú Shiba này, BS Quân khám lâm sàng, xét nghiệm nhưng cũng không tìm ra bệnh. Anh bèn tập hợp một số BS thân quen hội chẩn để tìm phác đồ điều trị. Cuối cùng Shiba được cứu sống. “Các phòng khám có BS nước ngoài không phải tay mơ nhưng có những chú cún nhập khẩu về VN gặp khí hậu, thời tiết thay đổi khiến chúng mang những căn bệnh khác lạ mà BS nước ngoài chữa theo “quy trình” quen thuộc sẽ không hết bệnh. Chó Tây nhiều khi phải điều trị theo cách ta mới khỏi”, BS Quân giải thích.
Trương Thanh Kỳ, 25 tuổi, cũng là BSTY trẻ “mát tay” ở Q.Tân Phú, TP.HCM. Dù mới ra nghề, BS Kỳ đầu tư nhiều trang thiết bị để có thể cứu chữa nhiều thú cưng “te tua”. Nhờ máy siêu âm; xét nghiệm máu, ký sinh trùng; máy thở ô xy... nên việc chẩn đoán, lên phác đồ điều trị đúng, kịp thời chữa khỏi những ca nặng. Có những chủ cún từ Cần Thơ, Hà Nội cũng tìm đến phòng khám.
BS Kỳ tiết lộ, mới đây một vị tiến sĩ ôm cả đàn chó 10 con qua phòng khám vì tất cả bị bệnh đường ruột, đại tiện ra máu, sức khỏe suy kiệt. Toàn bộ nhân sự của phòng khám vã mồ hôi do chưa lúc nào “bệnh nhân” vào một lúc đông như vậy. Cũng vui là sau đó cả đàn được chữa khỏi.
Chuyện khó tin ở phòng khám
Thú cưng cũng đủ loại bệnh như người. Ngay cả bệnh do vi rút Corona (không phải vi rút Corona ở người) nhiều chó mèo cũng mắc phải. Thuốc cho thú cưng hầu hết là nhập khẩu và hiếm nên giá cao ngất trời. Đưa cho tôi xem một số loại thuốc, BS Long tiết lộ: “Lọ kháng thể giá 5 triệu, có viên thuốc giá 1 triệu. Nhiều khi cún cần dùng mỗi ngày một viên như vậy và kéo dài 3 - 4 tháng trời nên có thể tốn tiền trên trăm triệu”.
Trường hợp cún phải lưu tại phòng khám nhiều ngày, tiền thuốc chữa trị đắt đỏ, lại cần bồi dưỡng bằng loại pate cao cấp gồm rau củ, gà xé, chim cút, cá hồi... Các giống chó “quý tộc” đến chữa bệnh yêu cầu ở phòng lạnh, ăn xong phải lau miệng, đi cầu lau hậu môn... Chi phí thuốc men và dịch vụ “quý tộc” như thế, chủ không giàu khó kham nổi. Vì thế khi cún bệnh quá nặng, khó chữa khỏi không ít chủ đành yêu cầu BS tiêm thuốc trợ tử để cún không chịu đau đớn kéo dài cũng như chủ không bị “sạt nghiệp”.
|
Cũng có những người chủ đem cún đến gửi chữa bệnh. Khi chữa khỏi, phòng khám gọi điện báo chuẩn bị tiền thanh toán thì “biến mất dấu”. BS Quân kể: “Vừa rồi, một cô bé mang con chó bị tai nạn giao thông đến cấp cứu. Cô ta khóc như mưa: “BS ơi cứu giúp, em về nhà mang tiền lên thanh toán”. Thế nhưng khi cún vượt qua nguy kịch thì chủ… “mất tiêu”. Những ca như vậy, các phòng khám đều giữ lại chăm sóc, nuôi dưỡng. “Có cún không nơi nương tựa, đẻ ngược, được cộng đồng phát hiện, 9 giờ tối tôi phải lên đường đỡ đẻ rồi mang cả mẹ con về nuôi”, BS Kỳ cho biết.
Không ít cún bị bỏ rơi sức khỏe rất tồi tệ, hay cún được giải cứu hoặc bị tai nạn cần phải truyền máu kịp thời nhưng thiếu nhóm máu phù hợp. Các phòng khám lập tức kêu gọi cộng đồng đưa cún mình đến hiến máu giúp đồng loại. Chú cún tên Bush của chị Vân (Rạch Giá, Kiên Giang) hai ngày liên tiếp hai lần hiến máu để cứu bạn cún Saka bị bỏ rơi sắp chết. BS Nguyễn Đình Chuẩn, người điều trị cho Saka, cảm kích: “Cún của bạn Vân đã mở cho Saka tia hy vọng sau bao nhiêu bất hạnh đến với nó”.
Hầu như BSTY nào cũng gặp “tai nạn nghề nghiệp” như thú cắn, cào cấu, phọt chất bẩn lên người... BS Quân tâm tình: “Lúc mới vào nghề, tôi bị chó mèo cắn đến ám ảnh, gặp chó dữ nhe răng là xanh mặt liền. Chích thuốc mà phải thủ thế”.
Nhưng “tai nạn” do chủ thú cưng gây ra mới làm nhiều BSTY chạnh lòng. Có người “cuồng chó” rất nặng. Mang chó bệnh “9 phần chết, 1 phần sống” đến cấp cứu không qua khỏi, họ gào la, chửi bới, thậm chí đòi “xử” BS luôn. “Làm nghề BSTY vừa phải chữa bệnh cho thú cưng, vừa phải “chữa trị” tinh thần cho cả chủ nuôi nữa”, vị BS ở Bệnh viện Thú y Pethealth tâm sự. (còn tiếp)
Cáo phó cho chóBS Nguyễn Đình Chuẩn (phòng khám thú y ở Rạch Giá, Kiên Giang) trải lòng về ca mổ đẻ mới đây. Cún mang tên Lạp Xưởng, mang thai 12 con. “Bé” bị động thai, có dấu sinh sớm. Do chủ thông tin không chính xác về tình trạng bầu bì và sức khỏe của Lạp Xưởng nên dù can thiệp mổ, BS vẫn không giữ được 12 cún con. “Tưởng chừng như hạnh phúc vỡ òa, nhưng mọi chuyện sụp đổ. Xin lỗi 12 sinh linh bé nhỏ!”, BS Chuẩn kể lại mà vẫn còn buồn.
Có cún bị bỏ rơi, BS và cộng đồng chung tay cứu chữa nhưng khi không qua khỏi, họ đau buồn “cáo phó”: “Bé Phốc Sóc bị bỏ rơi, suy tim, nhiễm trùng máu dù được BS và mọi người tận tình cứu chữa nhưng đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc...”.
|
Nguy cơ nhiễm bệnh từ ăn thịt chóTheo PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, về giá trị dinh dưỡng (trong đó có lượng protein), thịt chó tương tự các loại thịt thực phẩm khác như thịt bò, heo…
Nhiều người cho rằng thịt chó có tác dụng trong y học, giúp tăng sinh lực nam giới. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định điều đó.
Ăn thịt chó có thể nguy hiểm nếu con vật không được kiểm tra về bệnh, thịt không được chế biến phù hợp. Người ăn thịt chó cũng có nguy cơ lây nhiễm các bệnh ký sinh trùng có nguồn gốc từ các động vật này. Đặc biệt, nếu con vật đó bị bắt trộm, thịt của nó có thể bị nhiễm độc.
|
Bình luận (0)