(TNTS) Thông thường khi sống thành xã hội thì xã hội ấy tự hình thành một thứ trật tự tự nhiên (ordre naturel). Trật tự tự nhiên này có được là do nhiều thói quen, nhiều nếp sống từ cá nhân và tập thể cùng thực hiện. Đó là những quy luật bất thành văn, trở thành quán tính trong mỗi con người, mỗi gia đình.
Không đợi ai nhắc nhở, lúc 4 giờ sáng các nhà vườn thức dậy nhổ rau; 5 giờ người mua rau đến chở đi; 6 giờ các chị tiểu thương đã sắp rau ra trên quầy; 7 giờ chị nội trợ đến mua rau… Không cần ai nhắc nhở, người mẹ thức giấc 5 giờ sáng chuẩn bị thức ăn; đứa trẻ thức giấc 6 giờ, ăn uống xong; người cha chở trẻ đi học lúc 6 giờ rưỡi để 7 giờ sáng trẻ vào lớp. Những thói quen tự nhiên ấy hình thành, tạo ra cái mà ta gọi là nếp sinh hoạt thường nhật. Nếp sinh hoạt ấy là một quá trình xã hội hóa rộng lớn, bền lâu; không phải muốn là được. Nó khó có thể bị chi phối bởi những quyết định mang tính hành chính hay mệnh lệnh.
Ấy vậy mà ta đã thực sự làm một chuyện hết sức duy ý chí là sắp xếp lại các sinh hoạt thường ngày; đôn lớp người này lên một chút bảo họ 6 giờ hãy đi; đẩy lớp người kia xuống một chút bảo họ 1 giờ 30 hãy học… Một đứa bé tiểu học vào ca chiều lúc 1 giờ; ra lớp lúc 4 giờ 30 là có cha (mẹ) đến đón. Nay ta muốn nó đi trễ hơn, 1 giờ 30 học; 5 giờ tan học ở lại trường; 6 giờ cha mẹ đến đón về thì tội nghiệp nó quá.
Bởi từ 5 giờ đến 6 giờ là lúc đứa trẻ đói bụng. Mà trẻ con thì hay tinh nghịch, đâu có được trầm tính và đạo mạo như bần đạo. Đứa trẻ hẳn phải chạy nhảy, đùa nghịch, đánh nhau, cãi nhau cho vui. Cho nên, thầy cô phải ở lại trong trường “chăn” chúng. Mà thầy cô cũng chỉ là người phàm mắt thịt, làm từng đó công việc, hưởng từng đó đồng lương. Họ đã vất vả nhiều, nay ta buộc thêm họ phải làm thêm giờ cái nghề “bảo mẫu” bất đắc dĩ nữa thì tội nghiệp họ quá.
Vâng, bần đạo chỉ tính sơ sơ tác động của sự thay đổi giờ giấc trên đối tượng học sinh tiểu học ca chiều đã thấy cuộc đời rối teng beng như mớ tơ tằm bị gà bới. Nếu ta tính tới nhiều khu vực khác thì sự xáo trộn e còn lớn hơn. Anh chị công chức viên chức đi làm, công nhân vào xưởng, sinh viên lên giảng đường, học sinh trung học vào trường, y bác sĩ vào bệnh viện, bà nội trợ đi chợ, cụ phụ lão đi tập thể dục… mà bị xáo tuốt giờ giấc thì e việc gì cũng chẳng ra việc gì. Mọi người sẽ nhảy lambada, không chừng có người còn nhảy hip hop.
|
Tất nhiên, mọi việc đổi thay giờ giấc do ngành giao thông vận tải và địa phương đề xuất được cắt nghĩa là để bảo đảm lưu thông trên đường phố, giảm thiểu nạn ùn tắc xe pháo, người đi. Nó là một khúc tiền tấu lập lại trật tự giao thông để tiến vào bản đại hòa tấu giao thông trật tự, văn minh, văn hóa. Mục đích đó thật hay nhưng cách làm xem ra chưa ổn.
Những con đường ta có thời hôm nay cơ bản đã được làm khi ngài Bảo Đại còn ngồi ghế học tiểu học. Đất nước phát triển hòa bình, dân số tăng lên, nhanh hơn cả tốc độ trượt giá của đồng tiền. Con người mở rộng giao lưu đi đứng, đẩy sự gia tăng cơ học dân số ở các thành phố lớn thêm nữa. Những con đường cũ được mở rộng ra gấp đôi, gấp ba e là chưa xứng tầm gia tăng dân số.
Vâng, ta mở đường mới. Đường mới rộng, to, đẹp; cây xanh bóng mát. Nhưng, những chiếc xe ngày càng to ra, ngày càng nhiều thêm. Ngày trước, Tây tà hiếm hoi chỉ chạy xe Jeep Mỹ, Dodge 4, Renault… thì nay ta có trường xa, lại có Sea Land siêu tải, xe thớt, xe bồn, xe buýt, xe du lịch đủ quốc tịch. Thành phố lớn nào cũng có cả triệu chiếc gắn máy. Bà con làm ra đồng tiền cũng có quyền tự sắm cho mình chiếc xế tứ hoặc con xế nhị để lo cái đi cái đứng chứ? Đi xe buýt rẻ thật đấy nhưng cung cách làm ăn của xe buýt cứ như ông nội đối xử với con cái, bỏ khách đứng trạm chạy đua về bãi thì ít ai ham đi. Mà cũng chẳng đủ xe buýt để người nghèo đi nữa. Vậy là họ phải sắm xe cá nhân. Giờ cao điểm, đường tràn ngập các loại xe to nhỏ là điều mà ai cũng thấy được.
Quyền quy hoạch đường sá là quyền của nhà nước. Quyền lưu thông đúng quy định pháp luật là quyền của nhân dân. Xe pháo ùn ứ là do đường còn nhỏ, do trình độ quản lý giao thông chưa “hợp thời trang” với sự phát triển của xã hội. Nay căn cứ vào yếu tố đó mà ra lệnh anh A 7 giờ mới được xuất hành, chị B 8 giờ mới được cưỡi xế nhị dạo phố thì… kỳ quá.
Một cách khiêm tốn và trung thực, ta nói nước ta còn những khó khăn nhất định, đang phấn đấu phát triển. Và ta thực tế đang phát triển đấy thôi. Nhưng phát triển chậm quá. Ở các nước phát triển, người ta làm đường trên cao theo kiểu cầu vượt, đường vượt. Người ta lại cũng quan tâm phát triển tàu điện ngầm. Loại hình giao thông này nhanh, rẻ, an toàn, tiện ích. Đáng lẽ ta nghĩ sớm đến hai món ăn chơi này thì đâu đến nỗi quanh năm suốt tháng ùn ứ liên miên, buồn phiền thế sự.
Sự ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn ra là do ta chưa có một kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông chặt chẽ và khoa học. Một số biện pháp mà ngành giao thông vận tải và địa phương đề xuất để giải quyết ùn tắc giao thông đem lại cho nhân dân cái cảm giác là họ đang chữa cháy hoặc đang… vá xe. Thí dụ không cho người dân mua thêm chiếc xe gắn máy thứ hai. Thí dụ không cho một số loại xe vào một số đường phố trung tâm. Thí dụ tăng tiền giữ xe lên. Thí dụ tăng thuế trước bạ xe. Nghĩa là cháy chỗ nào thì chữa chỗ ấy, lủng lỗ nào thì vá lỗ ấy. Có biện pháp đúng, có biện pháp trật bản lề. Báo chí la to, âm thầm rút lại.
Quy định giờ giấc cho nhân dân, cán bộ, học sinh đi đứng “né” nhau thoạt nghe thì tưởng có thể làm được nhưng rõ ràng là hơi bị tréo ngoe. Hà Nội đã thực hiện thử nhưng từ mùng sáu tết trở lên, ùn ứ vẫn hoàn ùn ứ. Những thay đổi đó lại kéo theo những hệ lụy lâu dài, nhất là đối với học sinh và phụ huynh học sinh đưa đón con em. Nên chăng trong trường hợp này, ta áp dụng nguyên tắc ứng xử của người xưa “Dĩ bất biến ứng vạn biến” - Dùng cái không thay đổi để ứng phó với vạn cái thay đổi?
Thôi thì, ta “trở về thôn cũ”, kêu gọi nhân dân triệt để chấp hành nguyên tắc giao thông; động viên bà con nếu không có việc gì cần thiết thì không ra đường giờ cao điểm. Cái câu hát nghe sên sến “Thôi ta đứng lại nhường đường em qua” không chừng “hát” lên hằng ngày mà lại phù hợp với thực tế và có kết quả khá hơn chuyện quy định cho bà con đi đứng theo giờ theo giấc.
Ai nói gì thì nói, bần đạo nghỉ hưu rồi nhưng mỗi sáng vẫn phải ra khỏi nhà vào giờ Mẹo và về nhà trước giờ Ngọ. Đầu giờ Mùi, bần đạo chở cháu nội đi học, giữa giờ Dậu chở cháu về. “Sương gió phủ đời trai, xa quê hương nhớ vợ hiền” - bần đạo phải làm hết chức năng một thằng ông nội. Sống chặt chẽ theo sách vở như vậy, ai làm sao bảo bần đạo thay đổi giờ giấc được?
Vũ Đức Sao Biển
Bình luận (0)