Những cơn mưa sát thủ
AFP hôm qua (16.7) đưa tin những cơn mưa gió mùa không ngừng ở miền bắc Ấn Độ đã giết chết ít nhất 90 người, sau khi có gần 170 người thiệt mạng trong đợt nắng nóng gay gắt ở nước này vào tháng trước. Lũ lụt và lở đất thường xảy ra trong các đợt mưa gió mùa ở Ấn Độ, nhưng giới chuyên gia cho hay biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của những hiện tượng đó.
Lũ lụt và lở đất do mưa to cũng đã cướp đi sinh mạng của 35 người, khiến hơn 10 người mất tích và trên 7.800 người phải sơ tán ở Hàn Quốc, tính đến 11 giờ ngày 16.7, theo Hãng tin Yonhap. Mưa to còn gây ngập 15.120 ha đất nông nghiệp ở Hàn Quốc. Đất nước này đang ở đỉnh điểm của đợt gió mùa mùa hè, với dự báo sẽ có nhiều mưa hơn cho đến ngày 19.7.
Nhiều người thiệt mạng sau mưa lớn, Hàn Quốc chưa sẵn sàng ứng phó thời tiết cực đoan?
Mưa to cũng đã khiến 1 người chết và hơn 2.000 người phải sơ tán ở tỉnh Akita thuộc phía đông bắc Nhật Bản vào cuối tuần qua, theo Hãng tin Kyodo News hôm qua dẫn lời giới chức Nhật. Trong khi đó, nhiệt độ ở các khu vực phía đông của Nhật được dự báo đạt 38-39 độ C trong hai ngày 17 và 18.7. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo nhiệt độ có thể chạm mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 2018 là 41,1 độ C.
Ngoài ra, Trung tâm Khí tượng quốc gia của Trung Quốc hôm qua gia hạn cảnh báo về nhiệt độ cao khi sóng nhiệt tiếp tục thiêu đốt những vùng rộng lớn của đất nước này, theo Tân Hoa xã. Trong đó, một số khu vực ở Khu tự trị Tân Cương và tỉnh Cam Túc có thể có nhiệt độ cao nhất trên 40 độ C.
Dự báo mức cao lịch sử
Sóng nhiệt cũng đang thiêu đốt nhiều khu vực của Mỹ, châu Âu và châu Phi, gây ảnh hưởng cho hàng chục triệu người, theo AFP. Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ đã cảnh báo về một "cuối tuần cực kỳ nóng và nguy hiểm", với nhiệt độ cao nhất vào ban ngày được dự báo cao hơn từ 5-10 độ C so với mức bình thường ở phía tây nước này. Đến trưa 15.7 (theo giờ Mỹ), Thung lũng Chết của bang California (Mỹ) đã đạt đến mức nóng 51 độ C, với mức cao nhất của ngày 16.7 được dự báo lên tới 54 độ C. Giới chức Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong nhiều ngày, khuyến cáo người dân tránh các hoạt động ngoài trời vào ban ngày và tránh để xảy ra tình trạng mất nước.
Châu Âu có thể không còn là nơi du lịch hè lý tưởng, vì sao?
Tại châu Âu, Ý đối mặt với những dự báo nhiệt độ về mức cao lịch sử vào cuối tuần khi Bộ Y tế đưa ra cảnh báo đỏ cho 16 thành phố, trong đó có Rome, Bologna và Florence. Trung tâm dự báo thời tiết cảnh báo người dân Ý nên chuẩn bị cho "đợt nắng nóng gay gắt nhất của mùa hè và cũng là một trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất mọi thời đại". Các đảo Sicily và Sardinia có thể phải hứng chịu nhiệt độ cao tới 48 độ C, "có thể là nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu", theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Còn tại châu Phi, cơ quan khí tượng Ma Rốc đã dự báo nhiệt độ trên mức trung bình vào cuối tuần qua, với nhiệt độ cao nhất là 47 độ C ở một số tỉnh. Nhiệt độ cao như thế ở Ma Rốc thường xảy ra trong tháng 8 hơn là tháng 7, làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thiếu nước, theo AFP.
Bình luận (0)