Tuyết rơi bất thường giữa tháng 3 tại Sa Pa - ảnh: Cao Hồng |
Tuyết rơi tháng 3, mùa hè... rét đậm!
Đầu tiên và bất thường nhất phải kể đến những cơn mưa tuyết trắng trời Sa Pa (Lào Cai) và Mèo Vạc (Hà Giang) giữa tiết trời tháng 3. Sáng sớm ngày 16.3, nền nhiệt độ tại Sa Pa và xã Y Tý (H.Bát Xát) chỉ còn 0 độ C, băng giá và mưa tuyết đã xuất hiện, phủ trắng cành cây, mái nhà, mặt đất với mức độ phủ dày phổ biến từ 10-12 cm. Ông Lưu Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai, nói: "Đây được xem là lần đầu tiên mưa tuyết xuất hiện vào tháng 3 kể từ trước đến nay. Mưa tuyết lần này đã xô đổ kỷ lục được thiết lập và duy trì trong suốt 43 năm qua, trở thành mưa tuyết xuất hiện muộn nhất trong lịch sử". Trong khi đó, theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, số liệu thống kê cho thấy tháng 3 rất hiếm xảy ra rét đậm và các đợt rét đậm cũng chỉ kéo dài 2 ngày, rét tới 0 độ C có lẽ từ trước đến nay chưa từng ghi nhận.
Một hiện tượng tương đối hiếm gặp nữa, theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, mùa hè năm nay rất mát mẻ. Không có những đợt nắng nóng với nền nhiệt độ cao và kéo dài kỷ lục như một năm trước đó. Kể từ đầu mùa hè đến nay, người dân miền Bắc mới chỉ phải trải qua 2 đợt nắng nóng nhưng không quá gay gắt và chỉ kéo dài vài ngày, còn lại là thời tiết khá dễ chịu. Thậm chí, có những thời điểm, ngay giữa mùa hè nhưng nhiệt độ có thời điểm đã chạm ngưỡng rét đậm, rét hại. Cụ thể, những ngày thuộc nửa cuối tháng 5 vừa qua, cơ quan khí tượng đã ghi nhận nhiệt độ thấp nhất tại Sa Pa (Lào Cai) và Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chỉ còn 13 - 15 độ C, thời tiết chủ yếu se lạnh.
Bão, lũ tới sớm
Những trận mưa cục bộ cực lớn cũng đã xuất hiện tại Lào Cai và Lai Châu. Theo ông Lưu Minh Hải, từ đêm 12 đến sáng ngày 13.5, trên lưu vực suối Ngòi Đường (Lào Cai) xuất hiện trận mưa lịch sử trong vòng 50 năm qua, gây lũ lớn với biên độ đỉnh lũ lên tới trên 3m, làm 1 người bị thương, 255 hộ có nhà bị ngập… Gần đây nhất, trận mưa như trút nước kéo dài liên tục 7 giờ đồng hồ tại H.Mường Tè (tỉnh Lai Châu), bắt đầu từ tối 29.6 đến sáng ngày 30.6, tổng lượng mưa đo được đạt mức kỷ lục (339 mm), gây lũ và sạt lở đất làm 2 người chết, 3 người mất tích, 1 người bị thương, thiệt hại vật chất lên đến 46,7 tỉ đồng, cũng được xác nhận là cực lớn, chưa từng xuất hiện tại địa bàn.
Những trận lốc xoáy kinh hoàng càn quét Hải Phòng và Nghệ An một ngày trước khi cơn bão số 2 đổ bộ vào đất liền nước ta (cuối tháng 6.2011) khiến trên 1.000 căn nhà bị tốc mái, sập đổ, cướp đi sinh mạng của nhiều người, theo ông Lê Thanh Hải cũng là hiện tượng hiếm gặp. Vẫn theo ông Hải, năm nay bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động tương đối sớm. Tháng 4 đã có áp thấp nhiệt đới đầu tiên trên biển Đông, tháng 6 đã có bão đổ bộ vào Bắc Bộ nước ta. Từ tháng 4 đến nay đã có 3 áp thấp nhiệt đới và 2 cơn bão hoạt động trên biển Đông.
Lo ngại
Một số hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra trong thời gian vừa qua, theo các chuyên gia khí tượng là do ảnh hưởng của La-Nina. Hiện nay, La-Nina đang trong quá trình suy yếu và khí quyển trở về trạng thái trung tính, nhưng dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết khí tượng thủy văn ở nước ta trong thời gian tới sẽ có những diễn biến khôn lường. Những hiện tượng bất thường nêu trên cũng là lời cảnh báo cho một mùa mưa lũ khốc liệt đang "đợi chờ" ở phía trước. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, người dân và các cấp chính quyền cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ông Lê Thanh Hải nhận định, mùa mưa bão năm nay sẽ kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm. Từ nay đến cuối mùa mưa bão sẽ còn khoảng 5 - 7 áp thấp nhiệt đới và bão hoạt động trên biển Đông, trong đó 4 - 5 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Mùa mưa ở Nam Bộ cũng kết thúc muộn hơn, tháng 9 - 10 vẫn còn mưa. "Không loại trừ bão mạnh, di chuyển kỳ dị, gây mưa cực lớn đổ bộ vào nước ta. Nhiều khả năng sẽ có những đợt mưa cục bộ cực lớn gây lũ, ngập lụt và sạt lở đất", ông Hải nói.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, nhìn chung, đỉnh lũ cao nhất năm 2011 trên các hệ thống sông tại Bắc Bộ phổ biến cao hơn đỉnh lũ năm 2010. Mực nước trên các sông ở Thanh Hóa có khả năng ở mức báo động 2 và cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm; các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh có khả năng ở mức báo động 2 - báo động 3. Mực nước các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận có khả năng ở mức báo động 3, có nơi cao hơn báo động 3 và cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm. Các sông ở khu vực Tây Nguyên có khả năng ở mức báo động 2 - báo động 3, có nơi cao hơn báo động 3.
Ông Lưu Minh Hải cho rằng mùa mưa năm nay mưa sẽ nhiều và lớn hơn trung bình nhiều năm. "Theo chuỗi số liệu quan trắc, cứ năm nào trời càng rét thì mưa càng nhiều. Năm nay trời rét đậm, rét hại kỷ lục và kéo dài nên nhiều khả năng "quy luật" này sẽ lặp lại. Thêm vào đó, người nông dân trồng nhãn, vải đang thu hoạch một vụ mùa bội thu, ứng với kinh nghiệm dân gian, cứ năm nào vải, nhãn được mùa thì năm đó sẽ có mưa nhiều, mưa lớn", ông Hải nói.
Quang Duẩn
Bình luận (0)