** Đề phòng sâu đục trái trên cây có múi; bệnh vàng lùn ở trà lúa non
Phía đông Bắc bộ trời nắng với cường độ mạnh từ sáng đến chiều, nóng và oi bức với nhiệt độ 36 - 390C. Gần cuối tuần đề phòng mưa giông kèm theo sấm sét, lốc xoáy và gió giật sau đợt nóng gay gắt kéo dài, nhất là ở các tỉnh vùng núi.
Toàn bộ khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng phơn nên nắng nóng dữ dội và khô hanh, độ ẩm hầu hết dưới 60 - 70%, trời ít mây nên cường độ nắng rất mạnh, nhiệt độ cao nhất 37 - 400C, vùng núi phía tây có nơi còn cao hơn (nhiệt độ ngoài trời cảm nhận được cao hơn vài độ tùy mặt đệm).
Cho đến cuối tuần sau, nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu giảm, tình hình hạn hán thêm gay gắt và nguy cơ cháy rừng rất cao. Đây là thời kỳ cao điểm của mùa nóng ở miền Trung, thời gian có nhiệt độ từ 30 - 320C trở lên bắt đầu từ 10 giờ cho đến tận 18 - 19 giờ nên chú ý phòng bệnh mùa nắng.
Trong khi đó, mưa ở các tỉnh Tây nguyên và Nam bộ có xu hướng tăng do gió mùa tây nam sẽ tăng dần từ thứ bảy (30.6), thời tiết sáng nắng chiều mưa giông, mưa chủ yếu ở vùng ven biển miền Tây và bắc miền Đông, TP.HCM. Qua gần cuối tuần sau mưa sẽ nhiều hơn do gió mùa tây nam hoạt động mạnh, đề phòng có lúc mưa to gây ngập, giông sét, lốc xoáy có thể xảy ra.
Đối với ngư dân chú ý tháng 7 có thể bão sẽ hoạt động dồn dập. Trong những ngày tới ở ngoài khơi phía đông Philippines sẽ liên tiếp có các cơn áp thấp nhiệt đới và bão, di chuyển về phía đông đảo Luzon, Đài Loan rồi đi lên phía tây bắc.
Bão làm cho gió mùa tây nam trên khu vực giữa và nam Biển Đông mạnh dần lên từ ngày 3.7 đến cuối tuần sau, thời tiết biển có mưa giông gió giật mạnh.
Do thời tiết thay đổi nhanh có tính bất thường nên diễn biến sâu bệnh gây hại cũng có xu hướng gia tăng. Trong 7 ngày tới, các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL theo dõi diễn biến nhằm hạn chế rầy nâu di trú truyền vi rút bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa non.
Sương mù xuất hiện nhiều vào sáng sớm, do vậy cần thăm đồng thường xuyên, chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn lá và bệnh đạo ôn cổ bông.
Sắp vào đợt mưa nhiều, ẩm thừa nắng thiếu nên ĐBSCL chú ý phòng trừ sâu đục trên cây có múi, nhất là bưởi. Cắt tỉa nhánh sau thu hoạch để vườn thông thoáng, kết hợp với việc bón phân bổi sình, kích thích cho ra chồi, ra hoa đồng loạt, tránh sự tấn công của dịch hại nói chung, sâu đục trái nói riêng. Kiến vàng được xem là thiên địch của nhiều loài sâu hại trên cây có múi, cần tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển và bảo vệ chúng khi phun thuốc trừ sâu.
Bình luận (0)