Qua tuần sau, áp thấp nóng từ phía tây lấn sang làm cho nhiệt độ trên cả nước sẽ tăng dần, nắng nóng có thể xảy ra vài nơi ở vùng phía tây Bắc bộ nhưng chưa quá oi bức với nhiệt độ cao nhất 32 – 34 độ C, còn ở phía đông thì có sương mù khá nhiều do gió đông đem ẩm từ biển vào. Mưa rào và giông cũng tăng dần, từ ngày 5 - 7.4 do có đợt không khí lạnh tăng cường nén và đẩy lùi áp thấp nóng nên vùng có mưa rào và giông sẽ mở rộng ở miền Bắc và bắc Trung bộ, có nơi mưa vừa mưa to cục bộ, trong cơn giông có thể kèm theo lốc xoáy, mưa đá, gió giật rất nguy hiểm, nhiệt độ sẽ giảm còn 15 – 18 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ C, trời chuyển rét đêm và sáng.
Miền Trung nắng nóng có thể xuất hiện ở vùng núi phía tây các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trong nửa đầu tuần sau với nhiệt độ 33 – 35 độ C, sau đó thời tiết sẽ thay đổi khá nhanh, trời nhiều mây và chuyển mưa giông vào cuối tuần, cần chú ý sét, lốc xoáy có thể xảy ra ở khu vực này. Trong khi đó, từ Đà Nẵng trở vào đến Phú Yên thời tiết khá thuận lợi, mưa giông ở vài nơi với lượng không lớn, nắng cũng chưa gay gắt lắm.
Tây nguyên và Nam bộ trong hai ngày cuối tuần có thể mưa giông xuất hiện ở vùng ven biển Kiên Giang, Cà Mau và vùng gần biên giới An Giang, Đồng Tháp, có nơi mưa vừa. Đặc biệt chú ý phòng tránh giông sét, lốc xoáy, mưa đá có thể xảy ra sau những ngày nóng và khá oi bức. Tuần sau nắng sẽ tăng mạnh từ thứ hai đến thứ tư, miền Đông nắng nóng có nơi trên 35 – 36 độ C, miền Tây 32 – 34 độ C. Gần cuối tuần sau mưa trái mùa có thể quay trở lại, mưa nhỏ và tập trung chủ yếu ở vùng ven biển phía tây. Miền Đông và TP.HCM có thể mưa rào với lượng không nhiều, trong 1 - 2 buổi chiều tối trong tuần. Hiện là cao điểm mùa khô, ở TP.HCM, Biên Hòa, Cần Thơ mức độ ô nhiễm không khí tăng cao, độ ẩm thấp nên có lúc xuất hiện mù khô khá nhiều làm tầm nhìn xa giảm xuống dưới 1 km, ảnh hưởng đến giao thông.
Trong ngày 31.3 và 1.4, mực nước các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ đạt đỉnh cao nhất trong đợt triều cường giữa tháng 2 âm lịch, sáng sớm từ 4 - 6 giờ và chiều từ 16 - 17 giờ 30, những vùng trũng thấp có khả năng ngập nhưng không quá sâu.
Theo dự báo, Bến Tre do triều cường kết hợp gió chướng nên trong 3 - 4 ngày tới trên các sông chính xâm nhập mặn tăng dần, sâu hơn so với tuần qua và cùng thời kỳ năm 2017. Ranh mặn 40/00 có khả năng xâm nhập cách cửa sông 45 - 50 km trên sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Tỉnh Tiền Giang cho biết nước mặn vào sông Tiền cách cửa biển khoảng hơn 30 km, tại tỉnh Trà Vinh, độ mặn cao nhất đo được trên sông Long Toàn là 17,40/00; sông Cổ Chiên tại Hưng Mỹ là 5,60/00 và sông Hậu tại Trà Kha là 5,40/00.
Đối với các vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh vùng tôm - lúa, tranh thủ thời gian này làm kỹ ao hồ nhằm tránh dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước. Cần theo dõi khi nước mặn về đạt tiêu chuẩn thì bắt đầu thả tôm nuôi, tránh thả sớm dễ bị rủi ro do thiệt hại.
Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa do điều kiện còn ẩm cao, sương mù, ngày nắng đêm lạnh nên bệnh đạo ôn tiếp tục tăng và gây hại từ miền Bắc đến miền Trung, nhất là trên những diện tích lúa xanh tốt do bón thừa đạm. Các tỉnh Nam bộ các vùng lúa hè thu sớm giai đoạn đẻ nhánh lưu ý bệnh đạo ôn lá và rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu, cũng như phòng trừ bệnh bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt trên vụ lúa hè thu chính vụ.
Bình luận (0)