Theo báo cáo bán lại năm 2024 của thredUP - cửa hàng ký gửi và tiết kiệm trực tuyến lớn nhất, thị trường thời trang "second hand" toàn cầu dự kiến sẽ đạt 350 tỉ USD vào năm 2028. Tại châu Á và Úc, thị trường đồ cũ được ghi nhận tăng trưởng nhanh hơn ba lần so với thị trường may mặc. Đáng chú ý, các thương hiệu lớn như Kate Spade, H&M, J. Crew và American Eagle đã khởi động lại chương trình bán lại vào năm 2023, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tín đồ có mục tiêu tiết kiệm, kéo dài vòng đời của các mặt hàng xa xỉ.
Người tiêu dùng giàu có ngày càng thực tế
Từ lâu, việc sử dụng lại thời trang đã không còn gây e ngại, nhất là khi "cuộc cách mạng" thời trang bền vững đang ngày càng mạnh mẽ thì việc dùng lại đồ cũ lại càng được cổ vũ. Nó thậm chí được nâng tầm thành văn hóa tiêu dùng thời trang.
Trong số các thành phố châu Á, Tokyo đã phát triển thị trường đồ cũ sang trọng vượt tầm, cung cấp các loại đồ cũ không chỉ trong khu vực mà còn cho nhiều nơi trên thế giới. Cách làm độc đáo của người Nhật là tân trang và bán lại những món đồ đã qua sử dụng để thu hút khách du lịch nước ngoài đồng thời xuất khẩu mô hình kinh doanh của họ sang các nơi giàu có như Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore.
Cũng như Tokyo, thị trường đồ cũ cao cấp của Trung Quốc với các đại diện như Thượng Hải, Hồng Kông… cũng bùng nổ mặc cho trước đây việc mua hàng cũ của Louis Vuitton, Rolex, Hermès, Prada hay Fendi không hề được tán thành. Bây giờ thì khác, người mua sắm ngày càng thực tế hơn.
Đấu giá và các nền tảng trực tuyến làm phẳng không gian mua sắm
Trong khi một chiếc túi nylon Prada Messenger hoặc Fendi Baguette được bán với giá thấp hơn từ 30% - 40% trên các nền tảng bán lại so với các cửa hàng sang trọng, thì một số sản phẩm lại chứng kiến khoảng cách giá ngày càng xa hơn trong các cuộc bán hàng trực tuyến.
Các mô hình dịch vụ đấu giá ở Nhật (và sao chép đi các nước đối tác khác) rất đa dạng. Hoặc nó cho phép các nhà tái chế đăng ký và các chuyên gia mua hàng độc lập liệt kê các mặt hàng với phí niêm yết là 550 yên cho mỗi mặt hàng, mức hoa hồng 5% cho đồng hồ, trang sức và túi xách và 10% cho quần áo khi bán thành công.
Ở Nhật cũng có các cuộc đấu giá trực tuyến dành riêng cho các đại lý, thu hút hàng ngàn đại lý bán đồ cũ đăng ký. Trong nhiều cuộc, người ta liệt kê ra được hàng vài chục ngàn chiếc đồng hồ, trang sức, túi xách hàng hiệu, đạt tỷ lệ bán đấu giá cao - trên 90%. Đáng chú ý, khoảng 30% số tiền đấu giá đến từ người mua ở nước ngoài, trong đó gần một nửa đến từ châu Á... Ngoài sự tin cậy về chất lượng thì các hình thức bán hàng cũng góp phần định vị Nhật Bản (và các đối tác), gia tăng tiện ích, xóa nhòa ranh giới địa lý về mua bán.