Bài và ảnh: L.M.Hạ
Đây là đặc điểm mà bạn có thể nhìn thấy ngay khi vừa bước chân xuống sân bay Yangon ở thủ đô của nước này. Và trong suốt hành trình rong ruổi từ thủ đô Yangon tới cố đô Bagan, đến thành phố Popa, lang thang trên hồ Inle hay các ngôi làng cổ quanh hồ, tôi đều thấy những “chân dung” như thế.
Ấntượng xứ đàn ông mặc váy…
Không biết tình cờ ngẫu nhiên thế nào, mà trong các hành trình về phương Đông, những nước tôi có dịp đi qua, từ Bhutan, Ấn Độ, Myanmar, hay Lào, Cam, Thái, Malayasia, Nhật Bản… đàn ông những xứ này đều có những bộ đồ truyền thống là… váy, hay tạm gọi như thế vì ít ra với giao diện bên ngoài nó. Hẳn ai đến xứ Myanmar cũng đều ấn tượng 2 đặc điểm nổi bật của đàn ông xứ này, từ tuổi teen đến quý ông trung niên hay cao niên, chân dung thường gặp nhất là ai nấy đều nhai trầu, thi thoảng bôi… thanaka và thường xuyên bận váy longi. Đây là loại trang phục truyền thống của xứ này. Váy longi đơn giản chỉ là một mảnh vải được quấn quanh người, dùng cho cả nam và nữ, nhưng có những cách mặc khác nhau. Đối với đàn ông thì quấn một mảnh vải lớn và thắt nút ở đằng trước còn đối với phụ nữ thì sẽ được gấp tà lại và khâu ở bên hông trông dịu dàng nữ tính hơn.
Điểm ấn tượng thường gặp nhất ở đàn ông xứ này là ai nấy đều nhai trầu, thi thoảng bôi… thanaka và thường xuyên bận váy longi
Gọi là trang phục truyền thống, nhưng lại không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội hay những dịp trọng đại khác, chẳng hạn như áo dài xứ ta, các bộ đồ truyền thống của đàn ông Myanmar này hiển hiện mỗi ngày, được sử dụng thoải mái như một thứ trang phục luôn được ưa chuộng và ít thay đổi theo thời gian.
Và với kẻ tới từ xứ sở bận quần thì quả là để mặc thử longi rồi sinh hoạt như họ không thoải mái tí nào. Dù các quý ông xứ này bận váy đi đền, chùa, đi lần, đi cày ruộng, đi chơi thể thao, hoặc khi chạy xe máy, đạp xe hay lao động chân tay gì đều thấy họ rất thoải mái với longi. Những chiếc váy longi này được dệt bằng nhiều loại vải khác nhau, nên giá trị tiền cũng khác nhau, từ bình dân đến khá đắc đỏ. Thường vải cho quý ông hơi thô một chút, màu hơi tối, trơn hoặc kẻ sọc nhiều loại khác nhau nhưng nói chung tông màu khá chìm. Đàn ông xứ này thường mặc với áo sơ mi, áo thun, áo ba lỗ hoặc thậm chí nóng quá thì cứ cởi trần chẳng sao. Tôi cũng sắm một cái chủ yếu để chụp hình lưu niệm, rồi đem về Sài Gòn làm kỷ niệm. Dĩ nhiên là không mặc ra đường rồi, nên đã… trưng dụng làm khăn trải bàn cho nhà mình. Vì như đã nói, những loại vải này dùng làm trang trí cũng khá hay.
Và nhai trầu
Điểm thứ 2 dễ thấy là đàn ông xứ này rất hay nhai trầu. Người ta nhai trầu khắp mọi nơi, khi làm việc hay vui chơi. Giống như Việt Nam, người Myanmar cũng có tục ăn trầu. Nhưng nếu như ở xứ mình, tục này đã mai một và hầu như chỉ còn ở những người lớn tuổi thì ở Myanmar đi bất cứ đâu bạn đều có thể bắt gặp hình ảnh đàn ông Myanmar đang nhai trầu. Người dân nơi đây thường tụ tập tại các quán trầu vỉa hè, vừa nhai trầu, đàn hát và trò chuyện trong lúc rảnh rỗi, như một thói quen và thú vui không thể bỏ. Tùy thói quen mà mỗi người có cách thưởng trầu khác nhau, có người nuốt cả nước trầu, có người không. Nhiều du khách đã không giấu được sự sửng sốt khi chứng kiến cảnh người dân bản xứ ngồi trong xe bỗng nhiên nhổ toẹt bãi nước trầu xuống đường, hay giật mình khi bắt gặp những bãi nước trầu đỏ quạch ngay cả trong những khu khách sạn sang trọng. Thế nên không lạ khi bạn có thể gặp bã trầu vương vãi khắp nơi. Đây cũng là một trong những ái ngại của tôi khi nhìn thấy ở xứ này. Đa số đàn ông Myanmar thích nhai trầu hơn hút thuốc. Tôi ủng hộ thói quen này nhưng cũng thật sự ái ngại khi phải bước đi qua những bãi nước trầu có thể hiện diện ở bất cứ đâu. Bạn có thể bắt gặp các quán bán trầu têm sẵn ở khắp mọi nơi.
Phụ nữ và thứ mỹ phẫm trọn đời
Phấn thanakha được làm từ bột một loại cây cùng tên, là món mỹ phẩm tự nhiên trang điểm phổ thông của phụ nữ và cũng được nhiều đàn ông Myanmar sử dụng, thoa lên mặt và tay để tránh nắng, giữ ẩm cho da.
Là phụ nữ, phải biết thoa thanakha. Một cô gái Myanmar đã nói với tôi như thế. Và quả là cô không hề “nói thách”.
Thanakha được xem như thần dược bình dân xứ này. Ai cũng có thể bôi nó vào bất cứ lúc nào. Nam cũng như nữ, người già cũng như thanh niên hay trẻ con. Dùng nhiều nhất vẫn là phụ nữ. Hiếm khi nào mà tôi được nhìn, được chụp một phụ nữ Myanmar “mặt mộc” không trang điểm thanakha. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể bôi lên mặt. Họ chăm chỉ dùng thanakha có lẽ từ khi còn tấm bé mới biết đi đến lúc về già, như một nhu cầu tự nhiên không thể thiếu được trong đời sống. Ngộ một cái là thay vì bôi đều kín toàn bộ da mặt, họ lại có cách bôi rất đặc trưng vào những vùng da ở hai gò má. Mà cách bôi cũng rất kiểu cọ. Thông dụng nhất là quẹt phấn lên để lại thành vết trên mặt. Kiểu cọ cầu kỳ hơn thì vẽ thành hoa, lá hay những họa tiết khác khiến khuôn mặt trở nên sinh động, gây ấn tượng cho du khách phải ngoái nhìn.
Có lẽ do ở xứ mà khí hậu luôn nóng nực như thế này, thì đây là loại mỹ phẩm dân gian phổ thông nhất, dễ dùng nhất với người bản xứ. Ở Việt Nam, từ công dụng của loại mỹ phẩm này, cũng như những quảng bá trên truyền thông quốc tế và từ chính những người đi du lịch Myanmar trở về, hiện tại cũng đã có một số người Việt đã nhanh tay nhập, bày bán các loại mỹ phẩm được quảng cáo là làm từ thanakha của Myanmar tại Việt Nam.