Bài: ThS. BS Nguyễn Kim Tân
Sỏi thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên và có tần suất tăng dần theo tuổi. Tỷ lệ sỏi túi mật ở nữ giới gấp đôi nam giới. Các yếu tố thuận lợi cho sự hình thành sỏi mật là giới nữ, béo phì, trên 40 tuổi, sinh đẻ nhiều, dùng nhiều thuốc ngừa thai, rối loạn lipid máu, cắt mất nhiều hồi tràng làm giảm hấp thu muối mật, bệnh lý tán huyết.
Sự hình thành sỏi mật
Sỏi túi mật bao gồm sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật (sỏi sắc tố đen và sỏi sắc tố nâu). Ba thành phần chủ yếu trong dịch mật là muối mật, cholesterol và lecithin; cholesterol không tan trong nước. Trong túi mật, cholesterol kết hợp với muối mật và lecithin thành những micelle hòa tan trong nước. Sự mất cân bằng nồng độ của ba thành phần này sẽ dẫn đến sự hình thành sỏi.
Sỏi cholesterol hình thành khi nồng độ cholesterol bài tiết trong dịch mật tăng lên hoặc nồng độ lecithin và muối mật giảm xuống thì các tinh thể cholesterol sẽ hình thành và tạo sỏi cholesterol.Sỏi sắc tố đen là hậu quả của tình trạng tán huyết mạn tính. Sỏi sắc tố nâu liên quan đến nhiễm trùng dịch mật, vi khuẩn biến đổi muối mật thành bilirubin tự do không hòa tan trong dịch mật, bilirubin sẽ kết hợp với canxi tạo thành sắc tố. Sắc tố sau đó kết hợp với các chất béo trong mật (gồm cholesterol và acid béo từ lecithin) để hình thành các hạt phát triển thành sỏi mật.
Triệu chứng của sỏi túi mật
Phần lớn bệnh nhân mang sỏi túi mật không có triệu chứng. Cơn đau quặn mật là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân sỏi túi mật. Một cơn đau quặn mật điển hình khởi phát đột ngột ở vùng thượng vị hay dưới sườn phải, đau liên tục, lan ra vùng xương bả vai bên phải. Có thể kèm buồn nôn hay nôn ói. Cơn đau xuất hiện vài giờ sau ăn, đặc biệt bữa ăn có nhiều mỡ.
Diễn tiến của sỏi túi mật
Phần lớn sỏi túi mật có thể chung sống hòa bình. Sỏi kẹt ở cổ hay ống túi mật gây ra các cơn đau quặn mật. Nếu sỏi tắc nghẽn hoàn toàn sẽ gây viêm túi mật cấp diễn tiến đến viêm mủ túi mật, viêm túi mật hoại tử cần phẫu thuật cấp cứu.Nếu sỏi kẹt cổ thoái lui, tái đi tái lại nhiều lần gây viêm túi mật mạn. Cơn đau quặn mật là triệu chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân này. Quá trình viêm nhiễm kéo dài có thể gây rò túi mật tá tràng, sỏi túi mật qua lỗ rò rơi xuống ruột non có thể gây tắc ruột.
Sỏi túi mật rớt xuống ống mật chủ làm tắc nghẽn ống mật chủ gây nên nhiễm trùng đường mật hoặc tắc nghẽn ở ống chung mật tụy làm hoạt hóa men tụy gây viêm tụy cấp.
Bạn cần biết
Khoảng 70% bệnh nhân sỏi túi mật không có triệu chứng. Nguy cơ xuất hiện triệu chứng sẽ tăng 1 - 2% mỗi năm. Một nghiên cứu tại Mỹ theo dõi 123 người có sỏi túi mật không triệu chứng trong 15 năm, chỉ có 18% có triệu chứng đau bụng. Như vậy, khi bệnh nhân sỏi túi mật có triệu chứng thì cần phải điều trị phẫu thuật. Còn khi bệnh nhân có sỏi túi mật mà không có triệu chứng thì không cần cắt túi mật phòng ngừa. Tuy nhiên có một vài chỉ định cắt túi mật ở bệnh nhân có sỏi túi mật không triệu chứng.
Do nguy cơ ung thư tăng cao như: túi mật ngấm canxi toàn bộ (túi mật sứ), sỏi túi mật > 3cm, sỏi mật kết hợp với polyp túi mật. Phòng ngừa biến chứng: bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường hay có bệnh van tim cần được mổ phòng ngừa vì hai đối tượng này nếu bị viêm túi mật thì sẽ có biến chứng nặng nề.
Q & A |
Thưa bác sĩ, việc điều trị sỏi túi mật diễn ra như thế nào? Có hai phương pháp điều trị chủ yếu: Điều trị không phẫu thuậtUống thuốc tan sỏi: acid mật chenodeoxycholic (CDCA-trích từ mật ngỗng) và acid mật ursodeoxycholic (UDCA – trích từ mật gấu) có tác dụng làm tan sỏi cholesterol. Muốn có tác dụng tốt thì bệnh nhân phải có nồng độ cholesterol trong máu bình thường, không béo phì, ít sỏi, sỏi nhỏ dưới 10mm, chức năng co bóp túi mật tốt. Tuy nhiên, tỉ lệ điều trị hiệu quả của thuốc tại Việt Nam còn thấp là vì sỏi thường nhiều và to, tỉ lệ sỏi cholesterol thấp, bệnh nhân dễ bỏ trị do thời gian điều trị kéo dài, dễ bị tác dụng phụ của thuốc, thuốc đắt tiền. Tán sỏi ngoài cơ thể bằng song chấn động: song chấn động có thể dùng để tán sỏi thận và sỏi mật. Sóng chấn động tác động vào các bọt khí trong mật bao quanh viên sỏi khiến viên sỏi vỡ ra. Để các mảnh sỏi này dễ tan người ta cho bệnh nhân uống thêm acid mật. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân là sỏi túi mật có triệu chứng, số lượng dưới 4 viên, sỏi nhỏ hơn 20mm. Làm tan sỏi và lấy sỏi qua da: người ta đặt ống thông vào túi mật, bơm hóa chất MTBE (methyl – ter-butyl ether) làm tan sỏi hoặc tán sỏi bằng thủy điện lực hay laser và lấy các mảnh sỏi vụn qua một túi. Kỹ thuật này bị hạn chế do để lại túi mật dễ tái phát sỏi, thời gian nằm viện và chi phí cao, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại. Lấy sỏi túi mật qua nội soi: qua đường nội soi dạ dày vào tá tràng tới nhú vater (ống soi mẹ), một ống con nhỏ hơn đưa vào ống mật chủ đi qua ống túi mật để kéo sỏi hay bơm thuốc làm tan sỏi.Nói tóm lại, các phương pháp điều trị không phẫu thuật đều có chung đặc điểm là để lại túi mật, là nơi sẽ tạo sỏi trong tương lai, do đó làm hạn chế kết quả về lâu dài.
Điều trị không phẫu thuậtĐiều trị phẫu thuật bao gồm phẫu thuật nội soi cắt túi mật (chiếm đa số) và mổ mở cắt túi mật.
|