(Lược dịch từ katjuju.com)
Lưu ý: Bên cạnh chất bisphenol A (BPA) – một loại hóa chất mà nhiều người thường cảnh giác, chất liệu nhựa thật ra được cấu thành từ rất nhiều hợp chất hóa học khác nữa. Ví dụ như: phthalates, polybrominated diphenyl ethers (PBDE) và tetrabromobisphenol A (TBBPA). Tất cả những chất nêu trên đều có khả năng kích thích sản sinh hormone cả trên cơ thể người lẫn động vật. Vì thế, chỉ dựa vào một nhãn hiệu có ghi “BPA free” để kết luận sản phẩm đó an toàn là điều vô cùng thiếu sót.
Thủy tinh
Bình sữa bằng thủy tinh đã có mặt từ rất lâu và là sự lựa chọn an toàn nhất. Thậm chí kể cả khi được đun ở nhiệt độ cao nhất, thủy tinh borosilicate cũng không hề rò rỉ bất kì một chất hóa học độc hại nào. Những bình thủy tinh còn có thể dùng rất lâu nếu được vệ sinh và bảo quản cẩn thận. Nhưng nhược điểm của loại bình này chính là trọng lượng. Một bình sữa thủy tinh trung bình nặng từ 140g đến 300g. Giả sử như em bé sơ sinh của bạn cân nặng 3kg thì trọng lượng của bình sữa đã chiếm hơn 10% thể trọng của bé. Việc vệ sinh bình cũng khiến bạn đau đầu do phải thật cẩn thận để không làm vỡ bình.
Bình sữa thủy tinh lẽ ra nên là lựa chọn hàng đầu nhưng nó lại không thiết thực do tính ứng dụng không cao. Những bà mẹ bận rộn cần loại bình tiện dụng hơn để tiết kiệm thời gian tối đa.
Bình nhựa
Dùng bình sữa bằng nhựa sẽ thiết thực hơn bình thủy tinh nhưng người ta lại lo lắng về các chất hóa học có trong đó. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ hơn, bạn có thể phân nhựa thành 3 loại: PP, PES và PPSU. Nếu không tìm hiểu kĩ càng, người ta thường nhầm lẫn tất cả các loại bình nhựa đều làm từ nhựa PP.
Vấn đề lớn nhất của bình nhựa chính việc phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt thường xuyên khiến các hợp chất hóa học bị rò rỉ và lẫn với phần sữa bên trong bình. Thậm chí có một số người (nhất là thế hệ bố mẹ và ông bà chúng ta) thường cho cả bình lẫn phần núm bình sữa vào nước đun sôi để diệt khuẩn. Nhưng theo một số nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, chất BPA trong nhựa sẽ rò rỉ ra ngoài nhanh hơn 55 lần khi đun sôi.
Tuy nhiên, tin mừng là không phải loại nhựa nào cũng độc hại như thế.
Nhựa PP
Những bình sữa làm từ nhựa PP (polypropylene) là loại bình thường thấy nhất trong các loại bình bằng nhựa. Sản phẩm này bền, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường. Chúng là bình nhựa trong có màu (tương tự như những bình nước thể thao). Mặc dù có thể chịu nhiệt độ lên đến 120°C, chúng vẫn bị mất đi độ trong suốt theo thời gian khi tiếp xúc thường xuyên với nước nóng. Đây là dấu hiệu xấu vì chứng tỏ các chất độc hại đã thoát ra khỏi lớp vỏ bình. Vì lí do này mà các bậc cha mẹ nên thay bình sữa làm từ nhựa PP 6 tháng một lần hoặc bất cứ khi nào thấy phần vỏ bình bị đổi màu.
Nhựa PES
PES (polyethersulphone) là chất liệu cứng và an toàn hơn nhựa PP. Chúng có thể chịu được nhiệt độ lên đến 180°C mà không làm rò rỉ các chất độc hại ra bên ngoài. Nhưng nhựa PES cũng sẽ nhanh hỏng nếu thường xuyên tiếp xúc với nước nóng. Các bình sữa làm từ vật liệu này có màu trắng mờ hoặc màu vàng mật ong. Tương tự như đối với bình sữa làm từ nhựa PP, các loại bình nhựa PES cũng nên được thay mới 6 tháng một lần.
Nhựa PPSU
Nhựa PPSU (polyphenylsulfone) là loại chất dẻo chịu được nhiệt độ cao nhất, tốt hơn hẳn nhựa PP và PES. Không chỉ chịu đựng nhiệt độ cao trong thời gian dài liên tục, nhựa PPSU còn có khả năng kháng lại những tác động hóa học từ bên ngoài. Vật liệu này cũng không chứa BPA. Với mức độ chịu nhiệt lên đến 208°C, PPSU thường được sử dụng khi chế tạo thiết bị y tế. Những bình sữa làm từ loại nhựa này đắt tiền hơn những loại bình PP và PES nhưng nếu con bạn cần uống sữa 5-6 lần mỗi ngày thì việc đầu tư vào loại bình này là vô cùng đúng đắn. Mặc dù khá bền nhưng loại bình này cũng nên thay mới vào mỗi năm.