Ở nước ta một năm có khoảng 18.000 người tử vong do lao. Theo thống kê của hội lao và bệnh phổi, Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân cao nhất thế giới và đứng thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh nhân đa kháng cao. Hiện nay, nước ta đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giảm tỷ lệ người mắc bệnh xuống một mức thấp nhất là 20/100.000 người.
Đặc tính của bệnh
Lao phổi là bệnh lý viêm nhiễm nhu mô phổi do trực khuẩn lao (Mycobacteriae tuberculosis) thuộc họ mycobacteriaceae gây ra. Đặc tính của loại trực khuẩn sinh sản chậm (20 giờ có một thế hệ mới), hiếu khí. Khả năng tồn tại trong môi trường kháng cồn và acid ở nồng độ diệt được vi trùng khác, trực khuẩn lao sống nhiều tuần trong đờm, trong rác bẩn và tối, chết ở nhiệt độ 1.000 độ C trong 5 phút, dễ bị mất khả năng lây bệnh dưới ánh nắng mặt trời. Bệnh rất dễ lây từ người này sang người khác bằng đường hô hấp, khả năng lây bệnh mạnh nhất trong thời gian chưa được điều trị. Cứ một người lao phổi khạc ra có thể lây cho 10 - 15 người khác, nhất là trong quần thể dân cư nhỏ gia đình, lớp học. Khi được điều trị chống lao khả năng gây bệnh rất thấp. Người bị bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, do tiếp xúc với người bệnh, do không gian có người bệnh khạc nhổ đờm ra môi trường.
Các tiêu chuẩn xác định bệnh
Tiêu chuẩn lâm sàng
- Ho khạc đờm: Mọi bệnh nhân ho, khạc đờm trên 3 tuần, nếu sau khi đã dùng thuốc kháng sinh, triệu chứng, ho, khạc đờm không giảm thì phải nghĩ đến do lao phổi. Ho khạc đờm là những dấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi ý nguyên nhân lao phổi.
- Ho ra máu: Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp.
- Đau ngực: đau ngực là triệu chứng dễ nhận thấy khi ta bị bệnh lao phổi, khó thở, đau ngực, nhất là khi phổi đang bị tổn thương thì khả năng trao đổi khí sẽ càng khó khăn hơn.
- Gầy, sụt cân: là triệu chứng thường gặp ở số đông người lao phổi. Những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS… nhưng có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên phải nghĩ ngay tới lao phổi.
- Sốt: là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều, cùng với các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đờm, ho ra máu… phải nghĩ tới do lao phổi.
- Ra mồ hôi: Trong lao phổi, ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm, ở trẻ em triệu chứng này dễ nhận thấy nhất. Cần phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh lao phổi để điều trị kịp thời.
- Chán ăn, mệt mỏi: Là dấu hiệu rất phổ biến, có thể do tác động tâm lý, tình trạng sức khỏe, căng thẳng, stress gây nên các ức chế khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ không muốn ăn uống. Nhiều người bỏ qua dấu hiệu quan trọng này. Ngoài ra, có một số dấu hiệu khác như hạch bạch huyết, đặc biệt là ở bệnh nhân nhiễm HIV.
Tiêu chuẩn cận lâm sàng
Mọi bệnh nhân nghi bị lao phổi cần được lấy 3 mẫu đờm vào buổi sáng sớm, soi trực tiếp các mẫu đờm đã nhuộm tìm ra AFB dưới kính hiển vi tìm trực khuẩn lao, đáng mừng là soi trực tiếp các mẫu đờm đã nhuộm có thể thực hiện ở các nơi. Nếu có điều kiện thì cấy 3 mẫu đờm là tiêu chuẩn tốt nhất để chẩn đoán bệnh lao, nhưng khó thực hiện ở một số nơi. Nếu mẫu đờm cấy dương tính thì làm kháng sinh đồ để điều trị đúng công thức theo chương trình chống lao quốc gia.
- Trong điều kiện không khạc được đàm thì có thể làm nghiệm pháp khác như phun khí dung với dung dịch nước muối sinh lý, hút dịch dạ dày buổi sáng sớm. Đối với bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh lao ngoài phổi, các bệnh phẩm thích hợp cần được lấy ở vùng nghi bị bệnh để soi trực tiếp và ở những nơi có trang thiết bị và nguồn lực cho phép, để xét nghiệm nuôi cấy và mô bệnh học.
- Qua khám sức khỏe tất cả những người kết quả X quang phổi cho thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao thì cần được lấy 3 mẫu đờm để xét nghiệm vi trùng lao.
+ Chụp tư thế PA (postero-anterior) sau trước cho tất cả những người lớn hơn hay bằng 10 tuổi.
+ Chụp tư thế AP (antero-posterior) trước sau cho tất cả những người nhỏ hơn 10 tuổi. Hình ảnh X quang gợi ý: thâm nhiễm, nốt vôi hay hang lao. Người nhiễm HIV có tổn thương mô kẽ và có thể ở vùng thấp của phổi