Bài: Minh Minh - Ảnh: Lê Minh Hạ
Phá Tam Giang thuộc địa phận 12 xã của 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách trung tâm thành phố Huế không xa lắm, chỉ chừng hơn 13km đi theo đường ra biển Thuận An, xuôi về hướng Quảng Trị. Nếu sợ cái nắng miền Trung gay gắt mùa này, bạn có thể đi ô tô. Nhưng với tôi, đi xe máy là thú vị nhất. Bạn tha hồ dừng lại bất cứ điểm nào mình muốn, để ngắm cảnh hoặc để tranh thủ chụp cho được những tấm ảnh của miền đầm phá mênh mông này.
Có những chiều bình yên như thế
Phá Tam Giang được xem là một trong những đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, thì câu ca dao xưa tôi thuộc nằm lòng cũng đã nói lên cái sự to lớn này: “Thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. Phá có chiều dài 24km, diện tích 52km2, theo hướng Tây Tây Bắc - Đông Đông Nam từ cửa sông Ô Lâu đến sông Hương, ra cửa biển Thuận An.
Huế vốn bình yên, ra phá Tam Giang tôi lại thấy bình yên hơn. Nếu như Huế cho bạn sự bình yên lẩn khuất giữa những cây xanh và đền đài lăng tẩm. Một sự bình yên trong trầm mặc. Thì phá Tam Giang cho bạn sự bình yên dưới những mái nhà nằm bên những rặng cây trên con đường chạy ra biển, là những đầm nước mênh mông rộng thi thoảng lại thấy đò ngược đò xuôi trong lặng lẽ hay nằm ngơi nghỉ như buông lái đợi câu. Và sự bình yên đến từ giữa đất trời mênh mông với mọi thứ như chầm chậm trôi. Cảm giác lênh đênh trên sóng khó tả lắm. Nhất là khi nhìn thấy những con đò. Những con sóng ở đây cũng rất nhỏ, cũng đủ chênh chao lòng lữ khách đang bâng khuâng trước cảnh vật.
Hoàng hôn buông xuống có lẽ là cảnh đẹp ngoạn mục nhất trên phá Tam Giang đã đi vào thơ, nhạc, và rất nhiều bức ảnh phong cảnh. Khi màu tím của sắc trời đã nhuộm một màu tuyệt đẹp lên toàn bộ đầm, lên những con thuyền đang tấp nập về bến, những dáng người rắn rỏi rạng rỡ nụ cười đen giòn sau một ngày vất vả.
Tôi thong thả chạy xe không định hướng trước vào những ngôi làng ven đầm phá, trò chuyện không đầu đuôi với lũ trẻ đang rong chơi. Tập nghe âm tiếng miền Trung nằng nặng mà thân thương. Chiều xuống lâu rồi mà tôi vẫn cứ đứng ngắm bóng hoàng hôn. Thấy tôi đứng trên thành cầu ngẩn ra nhìn những đốm vàng ươm trong những tia nắng cuối ngày, cậu bé chăn vịt nói để em chạy vào chuồng lùa vịt ra phía mặt nước để anh chụp hình cho đẹp. Nói là làm, cậu bé lùa từng đàn vịt con trong chuồng ra. Chúng kêu luôn mồm và lủn củn xê dịch từng đốm vàng như tơ ùa xuống mặt đầm. Hoàng hôn đã gần tắt bỗng như được khoác thêm một đợt nắng cuối ngày từ màu lông của hàng ngàn chú vịt con xinh xắn.
Phá Tam Giang sẽ tiếp tục bình yên?
Bây giờ đi chơi phá Tam Giang đã thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Các con đường đều thông suốt và khá đẹp. Nếu thích, bạn có thể đi đường biển, từ các resort gần đó. Hoặc từ Huế đi ô tô, xe máy, có sức nữa thì đạp xe. Vì thế nơi đây đang dần dà đông khách hơn xưa. Nhưng thực sự thì chưa nhiều lắm. Dù từng có rất nhiều dự án, tour lên kế hoạch khai thác nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn của Huế từ nhiều năm qua. Có nhiều đề án được vạch ra như Du lịch ngắm bình minh và hoàng hôn trên đầm phá; khám phá tìm hiểu các loài thủy hải sản, các loài chim trên đầm phá; tìm hiểu về các loài động thực vật phục vụ cho mục đích nghiên cứu, học tập; xe đạp địa hình trên cồn cát… Các công ty lữ hành tổ chức khảo sát tour, tuyến trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai từ lâu, tuy nhiên, mức độ nhộn nhịp và ăn khách như mong đợi ban đầu thì chưa đạt.
Phá Tam Giang vẫn đang chờ khách đến. Nhưng biết đâu như vậy lại hay. Làn sóng du lịch đổ xô đến rầm rộ dễ kéo theo nhiều hệ lụy khác nhau, mà vùng đất này - cũng như nhiều địa danh đẹp đẽ khác ở xứ Việt - dễ bị tổn thương. Để phá Tam Giang luôn mãi bình yên trong sự nâng niu cảm xúc của du khách yêu quý vùng đất này.
Rất dễ để đến Huế, và hẳn nhiên không khó để đến phá Tam Giang
Hàng này đều có các chuyến bay từ TP.HCM, Hà Nội đến Huế do các hãng Việt Nam arline, Jestar, VietJet…khai thác. Bạn lên kế hoạch sớm sẽ tiện săn vé giá rẻ, khứ hồi dưới 1 triệu đồng/người. Các chuyến tàu suốt Bắc-Nam đều dừng ở ga Huế. Các tàu địa phương cũng có tuyến đến Huế. Các tuyến xe khách đường dài đều có tuyến đến Huế. Đặc biệt trong các opne tour của các nhà xe quen thuộc với dân du lịch trong, ngoài nước khi đến Việt Nam như Sinh café, Hạnh cafe…đều có điểm dừng chân ở Huế. Nếu đang du lịch ở Đà Nẵng, bạn dễ dàng đi xe dạng này hoặc xe khách ngoài. Tuy nhiên khi đến Huế, muốn đi phá Tam Giang, bạn cần thuê xe. Các khách sạn bạn ở thường sẽ lo luôn khoản này khi bạn yêu cầu. Giá thuê xe dao động từ 120.000 đồng - 140.000đ/ ngày.
Bạn nên đi vào sáng sớm để ngắm bình minh hoặc đi buổi chiều để ngắm hoàng hôn. Theo tôi, buổi chiều thú vị hơn và có nhiều thời gian hơn để bạn có thể ngắm cảnh, chụp ảnh. Nhớ mang đầy đủ mũ nón, kem chống nắng, khẩu trang và các loại áo khoác chống nắng. Và nước. Huế mùa này đang rất nóng.
Phá Tam Giang được xem là một trong những địa điểm chụp ảnh cưới đẹp nhất ở Huế. Nếu bạn có “âm mưu” chuyện trăm năm, hãy đi tiền trạm ngay.
Hải sản ở đây rẻ. Bạn hãy dành thời gian thưởng thức mà không lo bị chặt chém. Và ngon, nhờ đánh bắt thủ công, nuôi trồng tự nhiên trong vùng nước lợ, môi trường nước giàu chất dinh dưỡng.
Ngoài phá Tam Giang, bạn có thể kết hợp tham quan làng chài cổ trăm năm tuổi Thái Dương Hạ, chùa Trấn Quốc ở nơi đây. Nếu có thời gian, hãy dành sự tò mò cho “thành phố lăng” trứ danh ở xứ này. Nơi mà các nhà thờ họ, lăng mộ được xây dựng quy mô, cầu kỳ, hoành tráng như cung điện xưa khiến người ta suýt quên đây là khu vực…nghĩa trang!