Sử dụng màu xanh vừa dễ lại vừa khó. Dễ là vì đa số màu xanh sẽ cho cảm hứng tích cực (điều rất cần thiết trong những ngày căng thẳng của mùa dịch) nhưng khó cũng là vì chỉ có một số gam màu xanh dễ tương thích với các màu da, số còn lại, nếu không biết cách phối sẽ khá khó dùng.
Màu của 2020 là màu xanh (khi thế giới lần đầu tiên được sống trong những... mùa dịch), chính là để mang đến hy vọng tốt đẹp hơn cho tất thảy những người yêu thời trang trên toàn cầu. Còn màu của năm 2021 là màu xám (ultimate grey - xám tối thượng) và illuminating (vàng rực rỡ) nhưng có hề gì, nếu bạn chọn cho mình các gam xanh? Bởi, chúng không chỉ rất dễ phối với với xanh - nếu bạn yêu thích và muốn chọn cho mình một tinh thần thật thư thái, nhẹ nhàng, thoải mái trong những ngày mùa dịch căng thẳng này.
Để dễ dàng chọn lựa, bạn có thể chia ra hai nhóm màu xanh một cách dễ hiểu và đơn giản: Nhóm màu xanh đậm (mạnh) và nhóm màu xanh nhạt (nhẹ). Nhóm màu xanh đậm kén dáng người, kén màu da, yêu cầu cách phối nghiêm ngặt, đúng nguyên tắc… Các chuyên gia cho rằng, thời trang và màu sắc thời trang có vai trò đặc biệt trong việc mang lại những tác động tích cực cho con người về mặt cảm xúc. Và điều này rất nên quan tâm khi con người đang phải trải qua quá nhiều mùa dịch, suốt hai năm qua.
Ngược lại, nhóm màu xanh nhẹ lại có tính “thân thiện” của các gam màu trung tính, có thể làm nền trong các set trang phục phối và dễ kết hợp với bất kỳ trang phục, phụ kiện gì. Nhóm màu xanh đậm thường gồm: Xanh lục, xanh lá (già), xanh nước biển (đậm, lam, coban), xanh ngọc, xanh rêu (đậm), xanh cổ vịt, xanh đen, xanh tím, xanh tím than…
Nhóm màu xanh nhạt thường gồm các tông xanh đã kể nhưng ở sắc độ nhạt và các màu như: Xanh dương, xanh lơ, xanh mint, xanh khói, xanh đá, xanh ghi, xanh pastel, xanh da trời, xanh hồ trăn… Thông thường để "chịu đựng" mùa dịch được dễ chịu, người ta hay nghĩ đến nhóm màu xanh nhạt. Tuy nhiên, không hẳn vậy. Chỉ cần nắm được những mẹo, nguyên tắc phối màu cơ bản là bạn có thể có những ngày thực sự dễ chịu.
Với nhóm màu xanh đậm bạn có thể tham khảo “bánh xe của màu sắc” (khái niệm được đưa ra bởi nhà khoa học Sir Isaac Newton vào thế kỷ 16) để hiểu về cách chuyển màu và vận dụng thật phù hợp. Theo đó, nhóm màu xanh đậm có thể phối theo các cách dễ hiểu như:
Phối xanh với các màu tương phản: Là cách lựa chọn các màu đối xứng với chúng trên bánh xe màu sắc. Với cách phối này, bạn sẽ có các cặp màu rất nổi bật và gây ấn tượng mạnh với người đối diện bởi một diện mạo tổng thể mang tính thời trang chất lừ, sành điệu.
Phối xanh với các màu liền kề: Đây là cách phối màu an toàn cho những bạn có ít thời gian và không có nhiều kinh nghiệm sử dụng thời trang. Bởi sự chuyển tông giữa các gam màu trong set đồ tạo nên sự nhã nhặn, dịu dàng, thanh lịch và hài hòa nhưng cũng đầy thú vị, đáng nhớ.
Phối xanh theo gam nóng lạnh: Gần như là cách phối nằm giữa hai cách phối màu trên. Dữ dội hơn cách phối màu liền kề nhưng nhẹ nhàng hơn cách mối màu tương phản. Cách phối màu này thường tạo ra sự vui nhộn, trẻ trung mà không kém phần thanh lịch, thời trang.
Tất nhiên, ngoài ba cách phối xanh trên, bạn có thể quay lại cách phối cơ bản, đó là kết hợp chúng với các tone màu nhạt, nhẹ, phù hợp tuyệt đối vẫn là các sắc trắng và các họa tiết điểm trắng. Cùng với đó, sử dụng các trang phục xanh đậm nên lưu ý không sử dụng phong cách "kín cổng cao tường" ví dụ như cổ lọ, tay dài... Và nếu có thêm các phụ kiện cùng tông nữa thì... từ tuyệt sắc sẽ thuộc về chính bạn.
Với các nhóm màu xanh nhạt bạn dễ dàng xoay chuyển hơn khi chọn các tông màu phối cùng. Điểm cần lưu ý của nhóm màu này là khả năng phối “nguyên cây” tạo ra sự thanh lịch và chỉn chu rất dễ chịu. Đó là chưa kể với chúng, các bạn có thể sử dụng đến 3 màu sắc mà không sợ quá lố hay chệch nguyên tắc.
Cuối cùng thì thứ mà màu xanh luôn mang lại cho người mặc cũng như người đối diện là một không gian rộng mở, một cảm xúc tự do, nhẹ nhàng thư thái, an bình và hơn hết là sự vui tươi, niềm hy vọng sớm được bước qua mùa dịch gian khó để mãi… tươi xanh.
Ảnh: Miên's