Bài: Lê Minh Hạ - Ảnh: Sơn Trà
Quả là chùa Hương có đông thật, nhưng so với tháng giêng nhà nhà người người đi chùa Hương thì ngày cuối tuần của tôi với chùa Hương không đến nỗi đông đúc lắm.
Thắng cảnh chùa Hương đẹp thì khỏi phải bàn cãi, báo chí viết rất nhiều. Động Hương Tích từng được xưng tụng Nam thiên đệ nhất động cũng không cần phải chứng minh thêm. Nên ngoài những lúc ngắm cảnh, tôi dành nhiều thời gian để ngắm những thứ xung quanh.
Thắng cảnh mùa lơi khách
Có khoảng 8000 chiếc đò, theo thống kê và lời kể của những người chèo đò ở đây, dư sức để tải những lượt người đông như trẩy hội mùa này. Hàng ngàn chiếc nằm xếp hàng ngay ngắn cnh nhaạu tạo thành một khung cảnh trữ tình đẹp như trong một cảnh phim kiếm hiệp nào đó. Nhất là khi những chiếc thuyền đò ấy gối trên dòng nước yên lặng lờ với xa xa là từng ngọn núi nhấp nhô xanh thẳm. Tuy, đò ngược xuôi khá tấp nập nhưng đậu trên bến Yến, bến Đục vẫn còn. Tôi may mắn không phải đợi có khi cả nửa tiếng mới có đò - đúng hơn là đợi cho đò lách ra được giữa hàng trăm chiếc mà chở khách.
Lối đi thơ mộng ngày xưa được tao nhân mặc khách ngợi ca nay đã ken đặc hàng quán. Mạnh hàng nào hàng nấy rao, tiếng to tiếng nhỏ, tiếng qua micro cứ vang động cả chốn non cao, dù đường đi đã khang trang hơn nhờ được chăm sóc, trùng tu khá kỹ lưỡng. Tôi chọn đi cáp treo để được ngắm con đường leo núi từ trên cao, nhưng trên cáp treo nhìn xuống, lối đi lên chùa được nhìn chen giữa màu xanh của rừng là những mái tôn đủ màu các loại trùm kín hết con đường đi. Cảnh thơ mộng ngày xưa hãy còn, nhưng những xô bồ dễ gặp ở các lễ hội ở những di tích, danh thắng nổi tiếng đã làm thắng cảnh này phai nhạt dần.
Hành trình cáp treo đã bỏ trạm qua ga Giải Oan từ khá lâu. Ngồi trong ca-bin đi ngang thấy ga hoang tàn quá, hỏi anh chàng hướng dẫn viên mới hay là người ta bỏ trạm này thiên hạ đi ngang đây cứ ném tiền lẻ xuống ào ào với hy vọng “giải oan”. Riết rồi lượng tiền mỗi lúc một nhiều ảnh hưởng đến chuyện an toàn vận hành cáp treo nên phải trạm dừng này.
“Trung tâm bán buôn bán lẻ”
Giữ đúng lời hứa, ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã không còn để tình trạng thịt thú rừng bày bán nhan nhản phản cảm như nhiều mùa lễ hội trước. Nhưng không có nghĩa là không còn. Vẫn có vài cửa hàng xẻ thịt thú rồi trưng con thú ra nằm chờ khách mà không ít khách nước ngoài ngang qua phải ngỡ ngàng lắc đầu.
Trên đường vào chùa Hương, du khách dễ có cảm giác như nơi đây là trung tâm bán buôn bán lẻ tất cả những gì liên quan đến ăn uống, thuốc thang, quần áo cho đến đồ chơi trẻ em, đồ lưu niệm. Ngoài các hàng quán bán các món được quảng bá là đặc sản chùa Hương như củ mài, mơ, rau sắn, còn một lượng lớn các cửa hàng bán đủ thứ loại cây trái dân gian làm thuốc, trị đến ít ra cũng gần trăm căn bệnh. Đơn cử một loại thuốc giảm cân bán chỉ 20 ngàn đồng/ gói uống 10 ngày và nếu muốn giảm ân hiệu quả chỉ cần uống 1 tháng rưỡi. Nghĩa là giá cả rất hấp dẫn, cạnh tranh nhưng hiệu quả như thế nào thì chỉ có trời mới biết. Trông chức năng chữa bệnh thì thấy hấp dẫn thật nhưng tôi được bạn đồng hành dặn dò rất kỹ lưỡng, không cho mua. Cũng như chẳng ai bảo đảm đây là những lá thuốc, bài thuốc được chế biến từ các cây thuốc nam trong nước hay là hàng Trung Quốc tuồn về trà trộn.
Niềm tin tâm linh ở động Hương Tích
Động Hương Tích gây ấn tượng với khách bằng một cột đá thạch nhũ ngàn năm mà người ta hay gọi một cách thân thuộc là “đụn gạo” nằm ngay cửa vào động. Những cây sen đá mọc trên những mỏm đá nhọn thạch nhũ, trông xa cứ ngỡ là ai làm hoa giả rồi đem cắm lên vì chúng đẹp như những tiểu cảnh non bộ được chăm chút kỹ lưỡng vậy.
Trên trần động thỉnh thoảng lại rơi những giọt nước, những giọt nước mà hàng triệu năm trước đã thấm trong lòng núi đá vôi này tạo thành những thạch nhũ đẹp đẽ. Trong một góc động, nơi cạnh lối ra có một cột đá thiên tạo với phần đầu thon nhẵn thín vì nước bào mòn qua hàng trăm năm. Giữa mỏm đá có một lỗ nhỏ tròn mà không hỏi cũng có thể đoán được là tạo thành do những giọt nước trên trần động nhỏ xuống không ngừng ngày đêm, nhỏ giọt rất khoan thai nên tạo tâm lý chờ đợi cho nhiều người đi lễ chùa. Người ta kiên nhẫn chen nhau đứng quanh đấy, xòe tay đưa lên cao hứng lấy cho bằng được những giọt nước hiếm hoi với niềm tin tâm linh rằng hứng được những giọt nước mát lạnh tinh khiết ấy sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Có nhiều người không chỉ kiên nhẫn chờ nước rơi, mà còn tụng niệm nhiều bài kinh, chú khiến nó trở nên huyền bí và khiến nhiều người hiếu kỳ tò mò kéo đến hứng theo. Tôi cũng bắt chước mọi người, dù niềm tin tâm linh có lẽ không bằng họ. Và cái sự thích thú vì tạo hóa kéo đặt giọt nước bào mòn cột đá rồi tạo lỗ trên ấy, hơn là bận tâm về chuyện tâm linh.
Đi trong mùa lễ hội, được hòa mình trong không khí lễ hội, nhưng lại không đi vào lúc cao điểm để không bị hành xác, tôi xem như mình đã gặp may. Từ bây giờ thì bạn đã có thể xách túi lên và đi, chùa Hương sắp trở lại vẻ nhộn nhịp vừa phải thường ngày rồi. Tha hồ đi không lo chen lấn, chờ đợi. Mà mùa này, các hãng hàng không đang khuyến mãi máy bay ra Hà Nội đấy. Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 70 km, nên cũng tiện đi về ngay trong ngày.
Ghi vào sổ tay |
Bạn phải luôn hỏi giá trước khi quyết định mua bất cứ thứ gì ở đây. Nếu quỹ thời gian không nhiều và muốn quay về Hà Nội trước khi trời tối, đến chùa Hương đi cáp treo là giải pháp. Thời gian đi bộ tốn trung bình 45 phút còn đi cáp chỉ 10 phút. Nếu mua tour thông qua các khách sạn nơi bạn lưu trú hãy trả giá kẻo bị hớ vì tiền hoa hồng chênh lệch. Tour đi chùa Hương một ngày được chào giá 550.000 đồng/ người không bao gồm phí cáp treo. Giá vé cáp treo khứ hồi lần lượt là 140.000đ/vé và 90.000đ/vé. Bạn có thể chọn đi ô tô, xe máy hoặc xe buýt. Có 2 con đường có thể đi từ Hà Nội. Hoặc theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông, rẽ trái ở ngã ba Ba La đi Vân Đình. Sau đó đi tiếp khoảng 40km đến Tế Tiêu rẽ trái và hỏi đường đi chùa Hương. Hoặc là theo hướng quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Rẽ, rẽ phải ở nút giao Đồng Văn vào quốc lộ 38, chạy tiếp tầm 15km theo hướng chợ Dầu là đến chùa Hương. Đường này chỉ dành cho ô tô, nếu bạn đi xe máy thì nên chọn cách thứ nhất hoặc đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì. |