Bài: Bác sĩ Đào Ty Tách
Trước đây chúng ta từng nói tới chứng đổ mồ hôi đầm đìa do hệ thống hạch giao cảm vượng lên kích thích tuyến mồ hôi tiết ra quá nhiều mồ hôi, nhất là ở mặt, bàn tay, bàn chân và dưới nách gây khó chịu và mặc cảm vô cùng. Nay chúng ta đề cập đến trường hợp ngược lại: chứng bí mồ hôi nghĩa là các hạch giao cảm lười biếng không chịu làm việc, tuyến mồ hôi không thèm tiết ra mồ hôi dù trời đang nắng nóng.
Các yếu tố liên quan
Hàng chục yếu tố có thể gây ra chứng bí mồ hôi bao gồm các tổn thương da, một số thuốc uống và một số bệnh thực thể. Người bị chứng bí mồ hôi thường thấy ít hay không có mồ hôi trong khi bạn bè và người thân ra mồ hôi dầm dề kèm theo cảm giác nóng bừng, chóng mặt, vọp bẻ và tê yếu cơ bắp. Chứng bí mồ hôi có thể xảy ra khắp thân người, trong một khu vực hay rải rác nhiều nơi trên người.
Nguyên nhân gây ra chứng bí mồ hôi bao gồm các bệnh bẩm sinh không phát triển tuyến mồ hôi, một số bệnh di truyền ảnh hưởng đến việc trao đổi chất như bệnh Fabry, bệnh mô liên kết như hội chứng Sjogren gây khô mắt và khô miệng. Tổn thương da như bỏng hay xạ trị, các bệnh làm tắc nghẽn lỗ chân lông như bệnh vẩy nến cũng gây ra chứng bí mồ hôi. Bệnh tiểu đường, nghiện rượu và hội chứng Guillain-Barré gây tổn thương các dây thần kinh ngoại biên cũng đưa đến chứng bí mồ hôi. Một số loại thuốc như morphin, độc tố botulinum và thuốc điều trị rối loạn tâm thần cũng làm giảm tiết mồ hôi.
Vọp bẻ do tăng nhiệt xảy ra
Chứng bí mồ hôi nếu không điều trị kịp thời thường đưa đến hiện tượng vọp bẻ do tăng nhiệt biểu hiện bằng những cơn co thắt cơ bắp ở cẳng chân, cánh tay, bụng và lưng gây đau đớn kéo dài. Cũng có khi người bệnh bị kiệt sức vì nắng nóng và cảm thấy yếu ớt, buồn nôn, tim đập nhanh sau khi lao động hay tập thể dục nặng. Tình trạng đe dọa tính mạng là chứng say nắng xảy ra khi thân nhiệt lên trên bốn mươi độ C. Nếu không điều trị, chứng say nắng thường gây ảo giác, mất ý thức, hôn mê và thậm chí tử vong.
Cần hạ nhiệt cho bệnh nhân ngay
Thầy thuốc nghi ngờ chứng bí mồ hôi dựa trên các dấu hiệu bên ngoài, hỏi thăm và khám tổng quát người bệnh nhưng cần xét nghiệm thêm để xác định chẩn đoán. Trong xét nghiệm mồ hôi, thầy thuốc phủ một lớp bột đổi màu khi người bệnh đổ mồ hôi. Sau đó cho người bệnh vào trong một căn phòng mà nhiệt độ cơ thể tăng dần lên đến mức độ làm cho mọi người toát mồ hôi nhưng người bệnh vẫn… tỉnh bơ, da dẻ vẫn khô ráo.
Trong một số trường hợp, thầy thuốc yêu cầu sinh thiết khu vực da nghi ngờ có bệnh và lấy đi các tuyến mồ hôi để kiểm tra dưới kính hiển vi. Khi bị vọp bẻ do bí mồ hôi, nên cho người bệnh nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, đắp khăn ướt lên vùng trán, ngực, nách và bẹn, uống nước trái cây hay nước có chất điện giải. Nếu chứng vọp bẻ trở nên tồi tệ hơn hay không mất đi trong khoảng một giờ nên đem đi bệnh viện. Khi người bệnh kiệt sức vì nóng có các dấu hiệu như buồn nôn, chóng mặt và tim đập nhanh, ta nên đưa người này vào một nơi râm mát hay phòng có máy lạnh, nới lỏng quần áo, uống thức uống không có caffein hay cồn, lau người bằng nước mát, nếu triệu chứng không cải thiện, nên gọi y tế khẩn cấp. Chứng say nắng do bí mồ hôi cần đi bệnh viện cấp cứu vì có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Trong lúc chờ đợi, nên đưa người bệnh vào nơi râm mát hay phòng có máy điều hòa nhiệt độ, lau người bằng nước mát, sử dụng quạt máy hay quạt tay để tăng thông khí.
Mồ hôi trộm ở trẻ
Con trai tôi 18 tháng, bé rất hay ra mồ hôi trộm vào ban đêm. Vào giường nằm ngủ một lúc là mồ hôi cháu làm ướt đẫm tóc và áo. Làm sao có thể phân biệt mồ hôi trộm do bệnh lý hoặc sinh lý? Tôi nghe nói thuốc cam có thể điều trị được chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ có đúng không?
Đan Phương – Bình Thạnh
Trẻ đổ mồ hôi là chuyện rất bình thường, nhất là vào những ngày thời tiết nắng nóng thì hiện tượng này xảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần theo dõi bởi trường hợp trẻ tiết quá nhiều mồ hôi mà không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý.
Nếu như mồ hôi trộm sinh lý xảy ra chủ yếu do thời tiết, do trẻ vận động, chạy nhảy quá nhiều hay do sự trao đổi chất ở trẻ nhỏ diễn ra mạnh; thì mồ hôi trộm bệnh lý xảy ra khi con trẻ có triệu chứng mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm, viêm đường hô hấp, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản...
Thông thường mồ hôi trộm sinh lý thường tăng tiết nhiều ở vị trí đầu và cổ, tuy nhiên, thời gian diễn ra ngắn trong khoảng sau 30 phút bé ngủ, tuyến mồ hôi bắt đầu hoạt động và kéo dài khoảng 60 phút là chấm dứt. Tuyến mồ hôi có thể bị kích thích hoạt động mạnh hơn khi trong giấc ngủ bé gặp điều sợ hãi. Trường hợp mồ hôi trộm bệnh lý xảy ra khi bé đang bú hoặc sau khi ngủ, mồ hôi tăng tiết nhiều nhưng không phải do ảnh hưởng của thời tiết.
Để khắc phục hiện tượng đổ mồ hôi trộm ở trẻ, cha mẹ chú ý thường xuyên cho trẻ tắm nắng để cơ thể trẻ có thể nhận được đầy đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời – đây là yếu tố quan trọng giúp phòng tránh bệnh còi xương ở trẻ. Cố gắng giữ cho trẻ luôn sạch sẽ và mặc quần áo thông thoáng dễ hút ẩm cho bé. Khi trẻ đang tiết mồ hôi, tuyệt đối không nên đưa trẻ đi tắm mà nên dùng khăn mềm lau mồ hôi, nhất là với những bé thường đổ mồ hôi trộm vùng đầu, lưng. Khi trẻ đang đổ nhiều mồ hôi, gặp nước rất dễ bị cảm lạnh.
Đối với trẻ, việc ăn uống rất quan trọng, bên cạnh một chế độ dinh dưỡng hợp lí với đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, cha mẹ nên bổ sung các loại nước mát cho trẻ vào những ngày thời tiết nắng nóng. Nếu nghi ngờ con trẻ ra mồ hôi do bệnh lý, không nên tự ý cho bé dùng thuốc mà hãy đến bác sĩ để được kiểm tra và chữa trị.
Lưu ý là thân nhiệt của trẻ tương đối khác so với người trưởng thành. Nhiều cha mẹ sợ con lạnh đã đắp chăn dày cho trẻ khi ngủ, điều này khiến cho trẻ bí hơi không thông thoáng – là nguyên nhân gây toát mồ hôi đầm đìa ở trẻ.