Bài: Hoàng Linh Lan
Giờ thì người ta đã biết Phan Gia Nhật Linh, cái tên đạo diễn được nhắc đến nhiều nhất thời gian này với bộ phim điện ảnh đầu tay rất ăn khách "Em là bà nội của anh", bên cạnh vai trò trước đó là một trong những người gầy dựng và phát triển tiệc phim ngắn Yxineff. Và trước nữa là một cây viết phê bình phim quen thuộc với cái tên Phanxine. Anh đã có cuộc trò chuyện cùng Thời Trang Trẻ.
5 năm gầy dựng Yxineff với bao tâm huyết và công sức. Bây giờ rời đi, có nên gọi là đánh đổi chăng?
Tôi không nghĩ có đánh đổi nào đâu. Tất cả đều là quyết định của mình. Ước mơ của tôi là làm phim chứ không phải tiệc phim. Tôi làm Yxineff, một phần vì cam kết với học bổng, nhưng phần lớn là thực hiện lời hứa với bản thân: “Mình đã may mắn có được điều đó thì phải sẻ chia lại cho cộng đồng". Tôi muốn những người trẻ làm phim ở Việt Nam có thêm nhiều cơ hội khác nhau. Mọi người nhìn qua thì thấy tiệc phim chỉ diễn ra từ tháng 9 - 12 nhưng phía hậu trường, mình phải làm tất cả mọi thứ. Tôi là người kỹ tính nên cái gì cũng muốn làm cho đến tận cùng. Thành ra không thể vừa làm tiệc phim, vừa làm phim được.
Có lúc đang làm YXineff, cơ hội làm phim đến, tôi cũng định nhận nhưng rồi do dự. Nếu bấm máy thì đến giai đoạn tiệc phim bắt đầu chạy, sẽ không có ai đứng ra gánh cho mình trách nhiệm điều hành. Và tôi chọn tiệc phim hơn là bộ phim. Sau 5 năm, tôi thấy các bạn làm phim trẻ đã đủ lông đủ cánh. Những cuộc chơi phim ngắn khác cũng đã thành hình, cộng thêm một số lục đục nội bộ, tôi nghĩ đã đến lúc mình phải làm phim.
Anh có nghĩ là, nếu chọn một kịch bản không “remake”( làm lại, phim sử dụng một phim đã ra đời trước đó làm nguồn chất liệu chính ), thì người ta sẽ thôi kiếm cớ “chê bai” anh?
Khác với nhiều đạo diễn, tôi không xem đây là một nghề để kiếm sống. Với mỗi dự án, tôi đều tự hỏi “Tại sao mình muốn làm? Bộ phim này có thông điệp gì khiến mình muốn làm nó và kéo theo cả hàng trăm con người khác bỏ ra công sức, tiền của để làm”. Và Em là bà nội của anh trả lời cho tôi câu hỏi đó.
Lúc xem bản gốc, tôi nghĩ trong đầu đây là bộ phim điện ảnh Việt Nam đang thiếu. Cùng với tôi khi ấy còn có rất nhiều đạo diễn giơ tay xung phong. Nhưng có lẽ, nhà sản xuất thấy tôi quá yêu bộ phim này và quyết định trao nó cho tôi. Tôi không thể làm được một bộ phim mình không yêu nó. Tôi không quan trọng chuyện remake hay không. Tôi làm phim không phải để chứng tỏ là tôi rất sáng tạo. Tôi cũng không định làm một bộ phim chứng tỏ mình thông minh hay giỏi hơn người khác. Tôi làm chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi có điều muốn nói. Và một cảm xúc muốn truyền tải.
Nhiều nhà làm phim bảo, họ làm phim cho khán giả. Còn anh?
Tôi cho rằng, người đạo diễn, làm phim trước hết là cho mình. Khán giả chỉ đứng sau. Có người hỏi tại sao như vậy? Câu trả lời của tôi là nếu đạo diễn không yêu bộ phim của anh ta thì không có lý do gì anh ta đòi hỏi khán giả yêu nó cả. Còn chuyện thương mại là chuyện của nhà sản xuất chứ không phải của đạo diễn.
Nhưng, nếu đạo diễn làm phim không bán được vé thì nhà sản xuất nào dám đầu tư?
Sẽ luôn có những nhà sản xuất tìm kiếm đạo diễn phù hợp với gu của họ. Tôi chắc chắn sẽ không thể nào làm được với những nhà sản xuất chỉ quan tâm đến việc làm phim chỉ để kiếm tiền. Thật ra trên thế giới có rất nhiều đạo diễn làm phim không hút khách đại trà nhưng người ta vẫn phải tôn trọng họ. Quan trọng là mình lựa chọn thôi. Ngay cả Steve Spielberg hay Michael Bay cũng nói, họ làm phim cho họ chứ không phải cho khán giả. Điều may mắn là phim họ yêu thích cũng là số đông khán giả yêu thích.
Là người làm phim, cá nhân anh thấy điện ảnh Việt hiện tại còn yếu những điểm nào?
Tôi nghĩ, thứ nhất là thiếu kịch bản tốt. Thứ 2, thiếu hệ thống để nuôi dưỡng và vận hành tốt. Hệ thống này rất là phức tạp. Từ những chuyện vĩ mô như cơ chế, chính sách, kiểm duyệt cho đến những chuyện ít vĩ mô hơn là chuyện giáo dục và chuyện nhỏ cỏn con: bản thân người tham gia vào ngành điện ảnh. Việc làm phim không đơn thuần là một công việc, nó đòi hỏi người thực hiện có tình yêu nhất định với cái nghề này và tất cả những vị trí trong đoàn phim đều cần tình yêu đó. Bởi vì làm phim rất cực và mỗi thành viên trong đoàn đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng của bộ phim.
Việc thiếu đoàn kết như bạn nói là vì điện ảnh Việt chỉ mới phát triển gần đây. Khi nó bắt đầu chuyển mình, sẽ có người thích làm phim thương mại, phim giải trí, có người thích làm phim tuyên truyền, nghệ thuật,… Tất cả những dòng phim đó ở Việt Nam đang bị chia nhỏ ra. Số người làm nghề thì ít, sự phân hóa đó thể hiện ở chỗ đôi khi có sự tị nạnh, dèm pha. Thực ra, vấn đề này trên thế giới cũng có nhưng với những nền điện ảnh phát triển, họ có quá đông, chuyện chia phe cánh không ảnh hưởng gì nhiều nhưng tại Việt Nam môi trường làm phim nhỏ quá, tạo nên cảm giác mất đoàn kết. Nhưng mà, tôi nghĩ, chuyện đó nhỏ thôi. Quan trọng nhất vẫn là tình yêu đối với phim ảnh.
Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!
Dự án phim mới |
Dự án kế tiếp của tôi có lẽ sẽ gần hơn nữa với tính cách tôi. Bạn nào hay đọc facebook, đều biết tôi lúc nào cũng hay mỉa mai châm biếm những chuyện trong xã hội. Bộ phim sắp tới sẽ có chút gì đó châm biếm show truyền hình thực tế. Nhưng nó vẫn là một phim hài tình cảm và khiến mọi người xúc động ở đoạn cuối. Vẫn là câu chuyện gia đình, dành cho mọi lứa tuổi. Hồi còn đi học, tôi luôn nằm lòng lời dạy: “Người Việt mình xem gia đình là số 1, chứ không như ở Mỹ không quan tâm đến gia đình, cha mẹ.” Rồi qua Mỹ học, tôi nhận ra họ cũng rất xem trọng giá trị gia đình. Nếu xem phim, bạn sẽ thấy phim Mỹ đề cao gia đình thậm chí còn hơn Việt Nam. Trong khi Việt Nam mình có bao nhiêu phim nói về tình mẫu tử, tình cha con? Tôi nghĩ, nếu mình coi trọng tình cảm gia đình và điện ảnh thì đang thiếu những bộ phim như vậy, tại sao mình không làm? |
Một trong những bài học lớn nhất của tôi sau thất bại của Bếp hát là mình không nên thỏa hiệp. Tôi là đạo diễn, đương nhiên tôi phải chịu trách nhiệm. Và tôi nghĩ, lẽ ra tôi cần cứng rắn hơn, phải đấu tranh hơn với sự thỏa hiệp. |