Bài: Đà Thư
Ảnh: Hải Lý
Khi Đại diện Kỷ lục thế giới (Guinness World Record) đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho hệ thống cáp treo Fansipan Sa Pa gồm: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m) và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.292,5 m), tôi đón nhận thông tin này không háo hức lắm. Mà tôi chỉ bận tâm suy nghĩ, mình phải trở lại Fansipan để ôn lại kỷ niệm “một thời leo Fan”.
Lần trở lại nhiều cảm xúc
Với những ai chưa lần leo Fansipan, thì việc đi bằng cáp là khá thuận tiện. Và trải nghiệm leo núi cũng có khi leo hơn 600 bậc thang mới tới đỉnh. Dù là những bậc thang lát đá phẳng phiu nhưng vẫn khá dốc và thử thách sức khỏe của những đôi chân quen ở văn phòng phố thị. Với những ai ưa đi phượt, thích chinh phục thử thách, họ chẳng mặn mà gì chuyện cáp treo nếu không muốn nói là phản đối quyết liệt. Và tôi đi, để tự chọn cho mình một kết luận riêng.
Chặng đường 15 phút là quá ngắn. Hôm tôi đi, trời mưa nên cáp chạy chậm hơn, chừng hơn 20 phút. Sau khi dừng ở ga đến, bạn sẽ mất khoảng từ 20 – 30 phút để leo 600 bậc thang nữa mới lên tới đỉnh núi Fansipan, chạm tay vào cột mốc ghi dấu là nóc nhà Đông Dương. Hôm tôi đi trời Sapa nhiều mưa mù, báo hiệu Fansipan cũng rét mướt. Mà đúng là lạnh thật. Phải mặc áo mưa leo hơn 600 bậc tam cấp bằng đá hơi dốc trong tiết trời chừng 7 - 8 độ không dễ dàng gì. Trên đường đi, có lúc phải dừng vì nhân viên ngăn lại, phong tỏa đường tạm thời cho cáp chở vật liệu xây dựng đi qua. (Bên cạnh cáp treo, còn một đường dây cáp phụ chỉ dành để chở vật liệu xây dựng lên các công trình tâm linh đang xây dựng dở dang ở nơi này.
Các du khách đến đây mặc áo mưa leo hơn 600 bậc tam cấp bằng đá hơi dốc trong tiết trời chừng 7 - 8 độ.
Không thể so cảm giác leo núi trung bình mất 2 ngày đường đầy vất vả và có những lúc tưởng không vượt qua được với việc ngồi cáp đi chừng 15 - 20 phút - không tính thời gian đi bộ lên đỉnh từ ga cuối cáp treo. Cũng như không thể so thời gian để chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan bây giờ cũng được rút ngắn từ 2 ngày xuống chỉ còn 15 phút. Nhưng thật tình mà nói, ngồi trong ca bin trôi ngược lên nóc giữa những biển mây trắng đục vờn quanh, cảm giác cũng thú vị lắm. Mấy người bạn đi cùng cứ xuýt xoa mãi. Chưa kể phong cảnh bên dưới đẹp như tranh. Tự nhiên tôi khoan khoái với ý nghĩ, không phải ai cũng được như mình, leo Fansipan bằng cả hai cách. Chỉ có điều, khi lên đến đỉnh, giữa mưa và mây mù dày đặc, tôi suýt nữa nhìn không ra cái cột mốc mình đã hăm hở chinh phục hơn 3 năm trước.
Cái chóp nhọn trứ danh đánh dấu độ cao 3143m so với mực nước biển vẫn ở đấy. Nhưng lọt thỏm giữa sàn gỗ ốp chung quanh đỉnh núi có lan can. Cái chóp kiêu hãnh giữa trời mây, là niềm mơ ước muốn được sờ vào của bao nhiêu phượt thủ, bây giờ trông như nằm giữa một khu vui chơi và lại càng nhỏ bé khi cạnh nó mấy bước chân, người ta dựng lên một cái chóp mới hoành tráng hơn, ở vị trí dễ nhìn thấy hơn, “ăn khách” hơn vì du khách đi cáp lên đây ai cũng xúm xít chụp hình lưu niệm.
Nhiều người chụp hình lưu niệm ở chóp cột mốc độ cao nhất của Fansipan.
Hẳn nhiên, tôi không nói đến việc tác động ảnh hưởng môi trường đến mức nào vì nó không nằm trong phần việc của mình. Nhưng với cách người ta nói về hệ thống cáp treo này, rằng cáp treo ba dây ứng dụng công nghệ mới nhất của cáp treo trên thế giới, thân thiện và ít tác động tới môi trường hơn, thì cũng nên tin là nhà đầu tư cáp treo này không nói dối. Tôi hỏi chuyện một nhân viên khu du lịch này đang đứng ở khu vực đỉnh núi, nơi đặt chóp cột mốc độ cao nhất của Fansipan. Anh cho biết có muốn đi vệ sinh cũng phải đợi hết ca xuống nhà vệ sinh ở khu cáp treo. Thành ra khi thấy một du khách tỏ ý muốn “giải quyết bầu tâm sự” ngay trên đỉnh núi, anh đã ra sức ngăn cản. Anh cho biết phải tuân thủ tuyệt đối chuyện giữ vệ sinh nơi nóc nhà Đông Dương này! Nghe vậy cũng thấy an ủi phần nào nơi ngọn núi đang được bê tông hóa này.
Sau 3 năm trở lại với nóc nhà Đông Dương, sức khỏe tôi có khác. Bước chân leo núi có nặng hơn. Thì đành vậy. Tôi chợt nghĩ, chừng mươi mười lăm năm nữa, khi sức khỏe yếu hơn, có lẽ là mình cũng chỉ còn sức đi cáp treo chứ không thể hăm hở leo núi như thời còn trẻ. Vậy cho nên, những gì đi bằng được đôi chân tuổi trẻ, thì hãy cứ tranh thủ đi đi.
Những lưu ý khi đến Fansipan
Ga cáp treo Fansipan nằm trong Khu du lịch Fansipan Legend, cách Nhà thờ Đá – Trung tâm thị trấn Sapa khoảng 5km. Bạn có thể bắt taxi lên ga cáp treo. Giá đi taxi khoảng 7 - 8.000đ, thời gian đi khoảng 10 phút. Nếu đi bộ mất hơn 30 phút, bạn đi từ nhà thờ Đá theo đường Thác Bạc đến ngã Ba Thác Bạc, Nguyễn Chí Thanh (khoảng 1km) rồi rẽ trái vào đường Nguyễn Chí Thanh, đi thẳng tới Khu du lịch Fansipan Legend (khoảng 1.7 km). Có biển chỉ dẫn đường vào nên bạn khá dễ dàng để đi tới ga mà không cần phải tìm đường hay hỏi đường nhiều.
Bạn có thể mua vé đi cáp treo trực tiếp tại ga, người lớn là 600.000đ, giá vé trẻ em cao từ 1m - 1,3m là 400.000đ. Vé đi cáp treo là vé khứ hồi và chỉ có giá trị sử dụng trong ngày nên không nên mua trước để giữ vé nếu bạn không có thời gian để đi lên Fansipan ngày hôm đó.Vào những ngày cao điểm như các dịp nghỉ lễ dài ngày, có khi mỗi ngày có khoảng 5000 – 6000 lượt khách lên thăm đỉnh Fansipan, chính vì thế để mua được vé có thể bạn sẽ phải chờ vài tiếng đồng hồ. Tốt nhất bạn nên tránh đi dịp lễ tết và những ngày cuối tuần.
Nếu không muốn chờ đợi lâu bạn có thể đặt vé trước từ các đại lý bán vé uy tín. Sau khi thanh toán, các đại lý sẽ gửi cho bạn một phiếu đặt vé có mã code xác nhận qua email. Bạn có thể in phiếu này rồi đến quầy mua vé dành riêng cho khách đặt trước tại ga để lấy vé và đi cáp treo.
Thông tin cho bạn |
|