Tuy mới khởi động, nhưng xem ra bộ phim đã kịp gây quan tâm lẫn tò mò cho công chúng yêu điện ảnh và nghê thuật cải lương, khi đây là dự án tâm huyết của cả ê kíp thực hiện về đề tài phim chính là giai đoạn hoàng kim nhất của cải lương miền Nam ở thế kỷ trước. Và dự kiến sẽ phát hành trong năm 2018, đúng thời điểm bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương tròn 100 tuổi.
Nghe đến cụm từ “Gạo chợ nước sông”, người ta dễ dàng liên tưởng ngay đến đời sống thương hồ của những con người nặng nợ nghiệp duyên với sông nước, cụ thể lần này là những ghe hát cải lương xuôi dọc trên những nhánh sông chằng chịt của miền châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyện phim lấy mốc thời gian thập niên 60 đến 70 của thế kỷ trước, tái hiện lại không gian xưa và là một giai đoạn cực thịnh của nghề hát để rồi trầm luân rày đây mai đó. Đây là thời điểm sân khấu cải lương đã hoàn thiện từ ca diễn, cách dàn dựng và hình thành những gánh hát đại bang với đào kép ca hay diễn giỏi lẫy lừng khắp Nam Bộ. Thời điểm với những cô đào sáng giá như Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Nuôi, Lan Chi, Ngọc Giàu, Lệ Thuỷ, Phương Liên, Mỹ Châu..., những anh kép hào hoa vừa ca mùi vừa diễn hay như Út Trà Ôn, Việt Hùng, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Sang, Tấn Tài....
Lấy cốt truyện "Cuối mùa nhan sắc" làm điểm tựa chuyện phim xoay quanh đời sống nghề sân khấu cải lương trong những mùa hát tỉnh dong ghe đi khắp miền Tây Nam Bộ của các gánh hát đại bang, khi đó đã sinh ra những mối tình đời thực và lung linh mộng ảo của sân khấu. Ở đó còn cónhững nỗi đau đớn, mất mát, hy sinh cháy bỏng cho nghiệp tằm để rồi về chiều khi thanh sắc phai tàn thì tất cả lại hiện lên một quá khứ huy hoàng lộng lẫy nhưng đầy đắng cay nghiệt ngã.
Phim sẽ khai thác sâu đời sống, sinh hoạt đặc trưng người nghệ sỹ sân khấu trong những đoàn hát xuôi ngược trên sông nước miền Tây Nam Bộ xưa. Khắc họa lại vài nét văn hoá đã mất, mơ hồ chỉ còn lại trong trí nhớ của những nghệ sỹ về chiều để cho ta thấy rằng sân khâu cải lương xưa đẹp long lanh bằng sự vàng son vang bóng qua từng câu chuyện của anh kép cô đào. Cũng thông qua đó, khán giả còn thấy giá trị của Cải Lương Nam Bộ xưađậm tính nhân văn, thấy những giá trị cao quý luôn hướng đến chân-thiện-mỹ qua từng nội dung vở diễn, qua từng tiếng đàn, câu ca, cách đưa hơi nhảchữ đầy tính điệu nghệ của người nghệ sỹ xưa sống chết với nghề.
Dịp này, ekip thực hiện dự án Gạo Chợ Nước Sông còn kết hợp với ban Ái Hữu Tương Tế Nghệ Sỹ Sân Khấu (trực thuộc Hội Sân Khấu Thành Phố HCM) cùng các mạnh thường quân tổ chức chúc tết và tặng quà tết cho nghệ sỹ neo đơn đang sống tại Viện Dưỡng Lão nghệ sỹ và các nghệ sỹ có hoàn cảnh khó khăn ở ngoài viện.