Bài và ảnh: Kim Vân
Tôi nghĩ mãi về sau này, dù ký ức về Mông Cổ có trở nên nhạt nhòa thì mùi thịt cừu vẫn là thứ ám ảnh tôi nhất khi nhắc đến nơi đây. Đó là cái mùi mà chúng tôi luôn bắt gặp dù đi đến bất cứ chỗ nào. Thứ mùi gây gây ấy cứ xộc thẳng vào mũi một cách bất lịch sự, như thể đã hòa quyện sẵn vào bầu không khí rồi.
Ám ảnh mùi cừu
Tôi tự xếp mình vào nhóm không chịu được những gì ở thái cực, những gì lạ lẫm, nằm ngoài danh mục đồ ăn uống quen thuộc hàng ngày. Và mùi thịt cừu là một kiểu như thế.
Ở Mông Cổ, người dân chỉ ăn 3 loại thịt chủ yếu là thịt cừu, thịt bò và thịt dê. Dù rằng trong mỗi bữa ăn, chúng tôi luôn gọi món thịt bò, nhưng cũng chỉ đủ để giải quyết phần khẩu vị. Còn vấn đề ở cái mũi thì đành chấp nhận “sống chung với lũ”!
Món đầu tiên mà cả đoàn được thưởng thức trên đất Mông Cổ là món bánh thịt cừu. Đó là ngày đầu của cuộc hành trình. Cả ngày trời ngồi trên xe rong ruổi qua những vùng thảo nguyên bao la với những vạt hoa vàng và nền trời xanh ngắt. Khi đó tôi còn chưa ý thức được mùi thịt cừu ra làm sao cho đến khi đoàn dừng lại một quán nhỏ giữa đường. Chủ quán dọn lên 2 đĩa bánh, một loại chiên, một loại hấp, nhìn giống như bánh gối hay há cảo nhà mình.
Đang đói, cả nhóm ai cũng háo hức nhưng chỉ cần cắn một miếng nhỏ là đã quá đủ! Tôi cảm nhận mùi thịt cừu với nồng độ mạnh xộc thẳng vào cơ thể khiến toàn thân rùng mình.
Trừ một hai người trong nhóm ăn được dù không hào hứng lắm thì số còn lại lôi cơm gạo lứt khô chuẩn bị từ ở nhà ra ăn với chà bông. Mùi thịt cừu còn bám theo chúng tôi trong suốt chuyến đi, đến nỗi ngay cả ăn thịt bò tôi cũng ngờ rằng mình đang ăn thịt cừu. Thậm chí cả cơm, rồi nước uống ở đây hình như cũng được nấu trong cái nồi đã từng nấu thịt cừu.
Cũng vì muốn trốn mùi cừu nên nếu có thể là chúng tôi nhờ nhà bếp ở chỗ trọ cho tự nấu ăn. Rau củ ở Mông Cổ khá nghèo nàn, ngoài bắp cải, khoai tây ra thì hầu như không có gì khác. Thế là bắp cải xào, bắp cải luộc chấm mắm trứng, canh khoai tây thịt bò là những sự lựa chọn hàng đầu cho suốt chuyến đi của chúng tôi. Có lẽ tôi quá nhạy cảm với mùi chăng? Nhưng dù sao thì đó cũng là một trải nghiệm thú vị.
Dị ứng sữa ngựa
Người ta bảo, đến Mông Cổ không thể không uống sữa ngựa. Tôi vẫn hình dung trong đầu là sữa ngựa cũng như sữa bò: ngậy ngậy, thơm thơm… Hóa ra không phải thế.
Dọc đường đi, đoàn dừng lại giữa thảo nguyên. Phong cảnh thật là bình yên, trữ tình với đàn ngựa mải mê ăn cỏ, còn lũ trẻ thì chạy nhảy, nô đùa. Chúng tôi bước vào một chiếc ger (nhà của người Mông Cổ). Chủ nhà lấy một tô sữa ngựa đầy tràn ra mời. Bưng tô sữa đưa lên sát mũi đã thấy mùi gây xộc lên, kèm theo là mùi chua chua của sữa lên men. Sau chút ngần ngại thì tôi cũng thử một ngụm nhỏ… Hoàn toàn không có gì là sữa cả! Thứ mà tôi nhấp vào đích thị là sữa được ủ lên men thành rượu, có vị chua nồng. Cố gắng nuốt ực thứ chất lỏng trong miệng. Lúc đó tôi chỉ lo cơ thể phản ứng ngược, có thể sẽ xảy ra một cảnh không đẹp cho chủ nhà.
Anh hướng dẫn nói người Mông Cổ uống thứ rượu sữa ngựa này thay uống nước hàng ngày, vừa để giữ ấm cơ thể, vừa tốt cho sức khỏe vì rất nhiều chất dinh dưỡng. Nhưng dù có tốt đến mấy thì đó cũng là một thứ quá sức đối với những người không ưa cực đoan như tôi.
Những ngày thiếu nước
Mông Cổ được hình thành nên từ những thảo nguyên đầy nắng và gió. Nhưng phải đến tận đây thì chúng tôi mới thấu hiểu cuộc sống thiếu nước thực sự là như thế nào! Ngoại trừ ở thủ đô Ulan- bator, những nơi chúng tôi từng đi qua trong suốt 10 ngày đều trong tình cảnh thiếu nước. Thiếu từ nước rửa rau cho đến nước giội bồn cầu! Ngay cả khi ở bên bờ hồ Khuvsgul rộng lớn thì chúng tôi vẫn không thể được dùng nước ở mức tối thiểu. Khi chúng tôi xin ít nước rửa rau, chủ nhà nhìn như nhìn vật thể lạ, rồi không nói không rằng, múc cho một nửa gáo nước đổ vào trong chậu, sau đó đậy nắp thùng lại. Nước rửa không đủ ngập chỗ rau, nhưng cũng đành “AQ” rằng ở đây họ trồng rau sạch, không phân bón, không thuốc trừ sâu nên chắc không sao.
Nước rửa rau còn không có, huống chi nước tắm! Cũng may thời tiết Mông Cổ lúc này đã trở lạnh, bởi nếu không, tôi không thể hình dung nổi cơ thể bốc mùi thế nào sau 4 ngày không tắm gội và di chuyển hàng trăm km! Đến ngày thứ 5 thì cô bạn cùng đoàn lấy chai dầu gội đầu khô ra dùng như một giải pháp tình thế, vì dù trời có lạnh thì tóc cũng đã rít lại rồi. Không có nước, chúng tôi chỉ dám dùng nước uống trong chai để đánh răng, còn thì lấy khăn ướt để rửa mặt. Ngay cả việc sử dụng bồn cầu cũng bị hạn chế.
Trên suốt chặng đường, chúng tôi vẫn tranh luận vì sao Mông Cổ lại thiếu nước đến vậy. Điều kiện địa lý, khí hậu khô là một phần. Nhưng thực tế là với những hồ nước ngọt lớn vào hàng nhất nhì thế giới, Mông Cổ hoàn toàn không thể là một hoang mạc. Lý do chủ yếu, theo tôi nghĩ, là do đất Mông Cổ quá rộng, trong khi người thì quá thưa. Có thể đâu đó giữa thảo nguyên bao la, bạn bỗng thấy cảnh một người chăn cừu đơn độc giữa đàn cừu cả trăm con, như trong cuốn Nhà giả kim của tác giả Paulo Coelho từng mô tả. Với lối sống tản mát như vậy thì chính phủ khó mà xây dựng nổi cơ sở hạ tầng tại những khu vực còn quá hoang sơ này.
Nếu có dịp, hãy thử một lần đến với Mông Cổ để trải nghiệm cuộc sống du mục không dễ gì tìm thấy được ở bất cứ đâu trên thế giới.