Mọi thắc mắc của bạn sẽ được chuyên gia giải đáp. Vui lòng liên hệ: bacsycuaban@ttt_gmail.com
Khi bị ngất xỉu, cần nghĩ tới các cảnh báo nào dẫn đến tình trạng này? Hà Mi (TP.HCM)
Theo TS.BS. Nguyễn Quang Vinh (chủ nhiệm Khoa ngoại Thần kinh - BV Chợ Rẫy TP.HCM) thì khi cơ thể thường bị ngất xỉu bạn có thể nghĩ tới các vấn đề sau: bệnh thiếu máu. Thiếu máu được xác định khi lượng hồng cầu thấp hơn mức 13,5g/100ml máu ở đàn ông và thấp hơn 12g/100ml ở phụ nữ. Thiếu máu thường do giảm sản xuất các tế bào máu đỏ hoặc hồng cầu tổn thương (thường do chảy máu) hoặc gia tăng phá hủy các tế bào máu đỏ; cơ thể bị mất nước; hạ đường huyết; đau nửa đầu gây ra cơn đau nghiêm trọng ở đầu và thường kèm theo nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, mùi, cơn đau tim. Bệnh về thoái hóa thần kinh Parkinson dẫn đến suy giảm dần chức năng vận động; hẹp vận động mạch chủ, làm cản trở lượng máu từ tim đến cơ thể. Đột quị: một phần của não không được cung cấp máu và ngưng hoạt động, làm một phần cơ thể mà nó kiểm soát cũng ngừng hoạt động theo.
Tăng áp động mạch phổi; áp lực máu trong phổi tăng cao bất thường; rối loạn tiền đình; rối loạn nhịp tim. Hạ huyết áp tư thế: một dạng của hạ huyết áp, lúc bạn đứng lên khi đang ngồi hoặc nằm trước đó - Tình trạng này có thể tạo cảm giác chóng mặt hoặc choáng váng, thậm chí có thể ngất xỉu. Bệnh về van tim như hẹp van tim hoặc suy van tim; ngưng tim đột ngột. Tiền sản giật: thường bắt đầu sau tuần lễ thứ 20 của thai kì. Co thắt cơ tim: tình trạng các thành của khoang dưới tim (tâm thất) bị cứng bất bình thường và thiếu độ giãn nở khi tâm thất chưa đầy máu. Hệ thần kinh là cơ quan trung ương điều khiển và ảnh hưởng trực tiếp tới các hệ, cơ quan khác trên cơ thể. Khi hệ thần kinh bị rối loạn, tín hiệu giữa não bộ và các hệ khác bị gián đoạn. Rối loạn thần kinh ảnh hưởng trực tiếp tới hệ tim mạch gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng tới huyết áp. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt và ngất xỉu.
Những ai có nguy cơ cao bị ngất xỉu đột ngột? Tú Mai (Bình Dương)
BS Đinh Mai Phương (Bệnh viện 115, TP.HCM) cho biết: Một số ít chủ yếu là người lớn tuổi, hay ngất xỉu. Ngoài ra các đối tượng khác thuộc nhóm nguy cơ cao, gồm: những người trên 60 tuổi; người mắc bệnh tim hoặc tiểu đường, cao huyết áp; người sử dụng các chất gây nghiện; phụ nữ thời kì mang thai; người hút thuốc lá thường xuyên; những người sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh như thuốc chữa bệnh về huyết áp, insulin, thuốc chữa bệnh tiểu đường dạng uống, thuốc lợi tiểu, thuốc kiểm soát nhịp tim hoặc làm loãng máu. Nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người sẽ bị huyết áp thấp hoặc có các dấu hiệu về thần kinh trước khi bị ngất. Loại hiện tượng này thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nếu bị nói lắp hoặc gặp khó khăn khi di chuyển một bên cánh tay hoặc chân sau khi ngất xỉu, cần đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt vì đây có thể là dấu hiệu của đột quỵ mà bạn không thể bỏ qua.
Xử trí: Khi một bệnh nhân mất ý thức, những người xung quanh có thể rắc một vài giọt nước lên trên mặt bệnh nhân. Bệnh nhân cũng nên uống vài ngụm nước và cố gắng thở một cách dễ dàng. Nếu người bệnh cảm thấy khó chịu và yếu, họ cần được đưa đến bệnh viện gần nhất, kiểm tra huyết áp và xét nghiệm máu nếu cần thiết.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng ngất xỉu. Để bảo vệ sức khỏe, các chuyên gia y tế khuyên chúng ta nên chú ý tới chế độ ăn uống và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ