Bài: Minh Minh. Ảnh: Sơn Trà
Xứ Trà Vinh vốn rất nhiều chùa, phần lớn là chùa của hệ phái phật giáo nguyên thủy. Trong tổng số hơn 141 ngôi chùa ở Trà Vinh, thì Vàm Ray là một ngôi chùa được xem là một trong những lớn nhất xứ này.
TƯỢNG PHẬT NẰM LỚN NHẤT VIỆT NAM
Chùa Vàm Ray tọa lạc tại xã Hàm Tân, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) chùa Vàm Ray được chính thức khánh thành ngày 22/05/2010. Đây chính là ngôi chùa Khơ Me hệ phái Phật giáo nguyên thủy lớn nhất Việt Nam. Vài năm gần đây, chùa còn có thêm cái nhất nữa khi khánh thành pho tượng Phật nằm được cho là lớn nhất xứ Việt.
Pho tượng Phật Nhập Niết Bàn này dài 54 m nằm sau những hàng cây trong khuôn viên rất rộng của chùa, nằm đối diện cổng chùa. Toàn bộ bức tượng Phật được sơn màu vàng. Bên dưới, bệ đỡ là dãy nhà sinh hoạt cho các chư tăng và phật tử gần xa về lưu trú.
Đó là tượng Phật nằm ở chùa núi Tà Cú ở Bình Thuận, dựng năm 1960, dài 49m, trong một thời gian dài từng là pho tượng lớn nhất Việt Nam. Trong những năm gần đây, trong phong trào xây tượng lớn, năm 2010, tượng Phật nằm chùa Hội Khánh, Bình Dương, dài 52m, từng được xác lập kỷ lục Guiness là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Ngay sau đó, năm 2011, tượng Phật nằm ở chùa Vàm Ray, đã đoạt được vị trí “quán quân” vì dài hơn 2m. Thật ra theo tìm hiểu, tôi chưa tìm thấy tài liệu nào cho biết pho tượng này có kịp được trao tặng kỷ lục mới hay chưa, nhưng căn cứ vào độ dài được nhà chùa xác nhận là 54m, lớn hơn pho tượng Phật ở chùa Hội Khánh, Bình Dương cũng mặc nhiên đây là pho tượng Phật nằm lớn nhất xứ Việt, ít ra là cho đến năm 2015 này.
Tuy nhiên, chùa không phải là “địa điểm du lịch thịnh hành” nên tượng Phật cũng ít người chiêm bái hơn so với 2 pho tượng từng giữ danh hiệu lớn nhất Việt Nam ở Tà Cú và Bình Dương. Có lẽ vì thế mà khi đến đây, tôi không có cảm giác choáng ngợp với kỷ lục vốn có của tượng, chỉ thấy một cảm giác bình yên pho tượng nằm im lìm sau những hàng cây và những thảm cỏ, hoa dại quanh sân chùa luôn có những chú bò lơ ngơ gặm cỏ. Sân chùa bình yên với đám con nít chung quanh vào đạp xe chạy loanh quanh. Tượng Phật vì thế trông cũng “dân dã” giữa làng quê hơn.
Ngôi chùa lớn nhất xứ Việt
Giữ gọi là chùa Vàm Ray nhưng người dân ở đây quen gọi là chùa ông Trầm Bê - một đại gia ngành ngân hàng kể từ khi ông này bỏ tiền ra trùng tu lại ngôi chùa đồng thời cúng dường xây dựng tượng Phật nhập niết bàn ở trong khuôn viên chùa. Chùa được ông Trầm Bê - một “đại thí chủ” của chùa tài trợ phục chế và cải tạo, trong thời gian 3 năm với tổng kinh phí hơn 1 triệu USD (khoảng gần 20 tỷ đồng vào thời điểm năm 2010) và mất gần 4 năm để xây dựng. Đó cũng là lý do vì sao người dân nơi đây gọi một cách đơn giản là chùa ông Trầm Bê.
Chùa trùng tu xong khá lâu, mãi cho đến gần đây, khi báo chí bàn tán chuyện gia đình “mạnh thường quân” góp tiền xây chùa đã để chân dung người thân trong gia đình của ông Trầm Bê được treo trên các bức tường bên ngoài của chánh điện, thì cái tên chùa Vàm Ray mới được dư luận nhắc đến nhiều hơn.
Chánh điện quay về hướng Đông như bao ngôi chùa Nam tông khác trên vùng đất Nam bộ. Các họa tiết, hoa văn, phù điêu từ chân đến đỉnh chánh điện được làm rất công phu. Tất cả được sơn son thiếp vàng nên công trình gợi nhớ hoàng cung, các ngôi chùa ở nước bạn láng giềng Thái Lan, Campuchia, Lào... Thông thường, ở những ngôi chùa Khmer khác, tượng chằn được xây dựng ở các lối lên xuống hoặc tại các cửa ra vào của chánh điện nhưng ở ngay xung quanh chánh điện được bao bọc bởi một hàng rào trang trí bằng những tượng chằn mặt mày dữ tợn, mặc áo giáp với dáng ngồi bảo vệ ngôi chùa. Và đây là những tượng duy nhất không sơn màu vàng.
Giữa không gian đồng quê đầy cây xanh, ngôi chùa như một công trình kiến trúc khá độc đáo và nổi bật vì màu vàng được sơn phủ toàn bộ từ cổng chùa đến các hàng rào, tường… Nhìn từ bên ngoài, chùa Vàm Rây lộng lẫy như một cung điện vàng son với các hoa văn, họa tiết được chạm trổ và điêu khắc tỉ mỉ. Bất cứ nơi đâu tôi cũng thấy tràn ngập một màu vàng lấp lánh, từ mái vòm, tường, cột trụ cho đến các bức phù điêu, tượng thần 4 mặt.
Thăm chùa, tin rằng bạn có nhiều cảm nhận khác nhau. Gạt qua những chuyện lùm xùm trước kia liên quan đến đại gia xây chùa, thì đọng lại trong tôi vẫn là một ngôi chùa đẹp, đáng để bạn đến chiêm ngưỡng khi có dịp về Trà Vinh. Và rất ấn tượng với những bức tượng điêu khắc bằng gỗ với nhiều hình thù sinh động mà các vị sư trong chùa tự tay đục đẽo rất khéo léo.
GHI VÀO SỔ TAY
Từ thành phố Cần Thơ có nhiều đường đi đến chùa Vàm Ray. Đường đi phổ biến là qua quốc lộ 1A đến bến xe Vĩnh Long rẽ vào quốc lộ 53 đi Trà Vinh. Còn có tuyến theo quốc lộ 54 từ Bình Minh đi Trà Ôn - Tam Bình (Vĩnh Long) rồi qua thành phố Trà Vinh đi tiếp Trà Cú. Gần đây, thêm đường Nam sông Hậu đã đưa vào sử dụng, nhiều người chọn cung đường này để đến chùa Vàm Ray.|
Cụ thể hơn, từ thành phố Trà Vinh, đi theo quốc lộ 54 - cũng là đường đi chùa Hang, đến Tập Sơn rẽ trái, vào quốc lộ 53 đi Trà Cú. Đi quá Trà Cú chừng 3km, qua cầu Hàm Giang, lập tức rẽ phải vào đường nhỏ rải nhựa vào chùa Vàm Ray. Từ trung tâm thành phố Trà Vinh đến đây chừng hơn 30km.
Trên đường vào chùa Vàm Ray, có đi ngang qua dinh thự của ông Trầm Bê. Trước đây, khi chuẩn bị hoàn thành, ông này có cho người ngoài vào tham quan bên trong dinh thự nguy nga như lâu đài này. Tuy nhiên, noi đây đã kín cổng cao tường kể từ khi vị đại gia này thông báo mất sừng tê giác. Bạn có thể dừng xe nơi đây một lúc để ngắm tòa nhà lạ ở xứ sở này và nếu gặp hên, ông bảo vệ sẽ hé cửa cho bạn được nhìn thêm vào bên trong.