Nằm cách thị xã Tây Ninh hơn 10km về phía tây bắc, núi Bà Đen với độ cao gần 1000m được xem là ngọn núi cao nhất của miền Nam. Đây cũng là điểm hành hương tâm linh nổi tiếng gắn liền với truyền thuyết về “Thánh mẫu Phật bà Tây Ninh” hay còn gọi là “Thánh mẫu Linh Sơn”.
Bài và ảnh: Thanh Lê
Người hành hương đến đây ngoài việc vía bà còn có thể vãn cảnh chùa và thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp ở núi Bà Đen.
Hợp thành từ ba ngọn núi lớn là: núi Heo, núi Phụng và núi Bà, với tổng diện tích khoảng 24km2, núi Bà Đen có khá nhiều truyền thuyết vây quanh, trong đó, phổ biến nhất là…
Truyền thuyết Linh Sơn Thánh Mẫu
Câu chuyện của người Kinh kể về nơi này như sau: Thời nhà Nguyễn có người con gái tên là Lý Thị Thiên Hương, con quan phủ xứ Trảng Bàng – Tây Ninh. Nàng Thiên Hương vốn là người mộ đạo, trong một lần đi lễ chùa trên núi Một bị sơn tặc vây bắt. Để giữ vẹn trung trinh với người hôn phu đang đi tòng quân, nàng đã gieo mình xuống núi tự vẫn. Quan phủ thương con cho người đi tìm xác nàng nhưng không thấy nên lâm bệnh nặng.
Thương cha mẹ, linh hồn nàng Thiên Hương hiện về báo mộng cho nhà sư trụ trì nơi nàng đi lễ chùa biết được nơi mình đã rơi xuống. Trong giấc mơ, sư trụ trì không thể nhìn thấy được dung mạo trước kia của nàng mà chỉ thấy một hình hài đen đúa với dáng vẻ là nữ giới. Nhà sư làm theo lời dặn đi tìm quả thật tìm được xác. Mọi người đem nàng về mai táng và gọi núi Một là núi Bà Đen để bày tỏ lòng tin vào sự nhiệm màu cũng như khí tiết trung trinh của nàng Thiên Hương.
Khi chúa Nguyễn Ánh trên đường trốn chạy quân Tây Sơn đuổi giết đến vùng núi Bà Đen hiểm trở. Bà Đen đã hiện về trong giấc mơ của ông và hứa che chở cho quân của chúa thoát khỏi hiểm nguy. Để tưởng nhớ công lao của bà, chúa Nguyễn sau khi lên làm vua Gia Long đã sắc phong bà là Linh Sơn Thánh Mẫu. Cho người đúc tượng bà bằng đồng đen và dựng điện thờ gọi là Điện Linh Sơn. Đến đời vua Minh Mạng lại tái sắc phong bà thêm một lần nữa. Vua Minh Mạng còn lệnh cho Lê Văn Duyệt xây cất điện bà rộng rãi, khang trang hơn.
Những năm tháng chiến tranh, quân Pháp và quân Nhật lần lượt chiếm đóng núi Bà Đen đã phá hủy hoàn toàn Linh Sơn Điện. Tượng Bà bằng đồng đen cũng bị chúng cướp đi nhưng không rõ là mang đi đâu. Từ đó trong dân gian có rất nhiều câu chuyện về pho tượng bà bị lưu lạc đã được tìm thấy, nhưng cho đến thời điểm này thì không ai còn nghe nói gì về việc pho tượng bằng đồng của bà. Ngôi chùa hiện tại có là chùa mới, được xây lại trên nền ngôi chùa cổ trước đó đã bị bom đạn phá hủy. Bên cạnh điện bà là chánh điện thờ Phật. Người hành hương đến đây ngoài việc vía bà còn có thể vãn cảnh chùa và thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp ở núi Bà Đen.
Tượng Phật nằm ở núi Bà Đen
Bữa cơm cho tâm hồn
Du khách hành hương lên núi nếu đúng vào dịp ngày rằm hay mùng một và nhất là những ngày lễ lớn của Phật giáo, đừng ngại dừng chân ở “điện bà” để dùng một bữa cơm chay được miễn phí hoàn toàn. Tại sao nên ghé? Không hẳn chỉ là được ăn no bụng sau một chặng đường leo núi thật mệt, mà cái chính là để cảm nhận cái tâm của mình “lành” hơn chỉ sau một bữa ăn. Khu vực cho khách dùng bữa được gọi là “trai đường” thường nằm sau hoặc bên hông chánh điện. Người lần đầu tiên đến nơi đây sẽ không khỏi bất ngờ trước khung cảnh hàng trăm người ăn uống nhộn nhịp nhưng vô cùng trật tự và khiêm nhường.
Tất cả các món ăn đều làm từ rau củ do mọi người đóng góp và giúp một tay chế biến nên không có thực đơn cố định. Thường sẽ là cơm trắng ăn với rau củ kho tương, rau xào hoặc luộc chấm chao và canh chay. Những ngày lễ lớn thì món ăn được chăm chút cầu kỳ hơn và sẽ có những món đặc biệt như cà ri, bánh xèo hay gỏi. Nhưng cho dù bất cứ dịp nào đến ăn, du khách cũng có thể an tâm vì từng món ăn đều được chế biến rất ngon.
Có một điểm đặc biệt mà không phải ai cũng biết đó là các món chay chế biến theo nghi thức Phật giáo sẽ không dùng “ngũ vị tân” gồm: hành, hẹ, tỏi, kiệu và hưng cừ (loại gia vị này không có trong ẩm thực Việt). Nguyên nhân do các loại gia vị trên chứa nhiều kích thích tố gây vị cay nồng mà theo quan điểm của nhà Phật thì khi ăn nhiều cơ thể sẽ có mùi hôi dẫn đến tham, sân, si. Vì vậy mà tất cả các món ăn ở đây sẽ không dùng tỏi để khử dầu mà thay bằng boa-rô hay còn gọi là tỏi tây. Rau nêm sẽ dùng ngò rí, ngò gai, rau cần để thay cho hành...
Khung cảnh thanh bình nhìn từ núi Bà Đen
Vì là cơm miễn phí nên số lượng người ăn rất đông, nhưng tất cả mọi người đều rất ý thức không ai chen lấn. Cũng không phân biệt sang - hèn, già - trẻ, mọi người đều bình đẳng như nhau từ tốn đợi đến lượt mình. Thức ăn chia thành từng món và để sẵn trong những cái nồi lớn, có người túc trực để lấy giúp. Khách muốn lấy bao nhiêu cũng được, tùy sức ăn nhưng ai cũng chỉ lấy vừa đủ phần một người, thậm chí ít hơn một chút để nhường lại cho người đến sau.
Tôi không khỏi tức cười khi anh bạn làm công quả đứng trực ở nồi cơm trách tôi “Sao đàn ông con trai mà lấy cơm ít quá, lấy thêm nữa đi, ăn cho no để có sức đi tham quan cho hết núi Bà Đen!”. Nhìn những mồ hôi ướt sũng lưng áo của anh bạn trẻ nhưng gương mặt lúc nào cũng rạng rỡ, tôi thấy từng hạt cơm chay trở nên ý nghĩa lạ thường.
Chinh phục núi Bà Đen |
Có 3 con đường leo lên núi phổ biến: Thứ nhất là đường men theo hệ thống cột điện, được xem là con đường dễ đi nhất vì đã có sẵn cơ sở hạ tầng dùng cho việc bảo trì mạng lưới điện nhưng khá là xa vì phải đi vòng. Đường thứ hai là đường chùa, được lót đá nên đi rất dễ, hai bên đường có rất nhiều quán bán nước và thức ăn nên không bao giờ sợ lạc đường mà chỉ cần có sức bền. Con đường hấp dẫn nhất để lên núi là đường Ma Thiên Lãnh. Đây cũng là con đường dài nhất, khó đi nhất nhưng đẹp nhất để tận hưởng thiên nhiên núi Bà đen. Tuy nhiên đoạn đường này được đánh giá là rất nguy hiểm, chỉ dành cho những ai thích khám phá cũng như có kinh nghiệm leo núi. |