• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Tận hưởng

Phú Yên, xứ Nẫu ai… dìa… ​

Thu Nguyệt
trangdtbtn@gmail.com
18/07/2020 18:00 GMT+7

"... Phú Yên kẹp giữa hai đèo Mải ăn, mải nhậu nên nghèo quanh năm…" Tôi nhớ mãi câu thơ này, khi đến Phú Yên lần đầu tiên vào năm 2016, ấy là do một người lái taxi ngâm nga. Thế nhưng, bây giờ, bốn năm, kể từ sau lần đầu tiên ấy, Phú Yên đã hoàn thiện lắm rồi, đồng bộ lắm rồi và những địa danh nổi tiếng như Gành đá đĩa, Tháp Nhạn, Bãi Xép, Nhất Tự Sơn… vẫn đẹp như xưa…

Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh

Nằm giữa đèo Cả và đèo Cù Mông, Phú Yên rộng hơn 5000 km2 nổi tiếng với địa danh Gành đá đĩa, Nhà thờ Mằng Lăng, Nhất Tự Sơn… Và hơn hết là đường bờ biển dài tới gần 200km cùng những dải bờ xanh, cát trắng, nắng vàng đẹp đến mê hồn.

Vùng đất này, được biết đến nhiều hơn sau khi bộ phim trứ danh của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được trình chiếu… Từ đó tới nay, nó hay được nhắc đến theo cái tên của bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn lãng mạn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh này.

 
Bãi biển ở Tuy Hoà cách thành phố chừng 3-6 km,  rất đẹp và hoang sơ

Tuy Hoà, vào mùa nghỉ thường có nhiệt độ khá lý tưởng 30 – 35oC. Thời gian bay mất gần 2h cho khoảng cách xấp xỉ 1200 km, từ Hà Nội và chỉ gần 1h đồng hồ cho khoảng cách hơn 500 km, từ TP Hồ Chí  Minh.  Như nhiều vùng đất ven biển miền Trung khác, trời Tuy Hoà cao, xanh ngắt, nắng Tuy Hoà trong vắt, rực rỡ, biển thì long lanh như một viên ngọc bích, tất cả đẹp đến… nổi da gà... 

Sân bay Tuy hoà nhỏ nhưng xinh xắn- tường bao hầu hết làm bằng kính, kiến trúc vòm với các bụi cây xanh mát, dễ chịu. Trước khi là sân bay dân sự Tuy Hoà là sân bay quân sự, những thập kỷ 60-70 thì đây là một trong những cảng hàng không quan trọng của không lực Hoa Kỳ. Với địa hình khá phức tạp, nằm xen kẽ giữa núi đồi, biển nên Phú Yên có rất nhiều đèo, dốc, đầm, mũi…, kẹp giữa 2 con đèo nổi tiếng, Phú Yên là điểm chủ chốt của cả đường mòn trên cạn lẫn đường mòn trên biển. 

Từ Sân bay về thành phố chừng 5-7km, Tuy Hoà những năm trước chưa phát triển nhiều, nhà cửa thưa, hơi lổn nhổn nhưng bù lại đường xá rất rộng, khá sạch sẽ. Những năm trước, chắc chắn du khách sẽ khó tìm được các trung tâm như Big C, KFC, McDonald's, chỉ có Coop Mart, Jolie Bee. Ngay cả salon ô tô cũng không có, dân Tuy Hoà muốn mua ô tô thì phải lên TP HCM hoặc sang Nha Trang, Buôn Mê Thuột. Giờ thì cái thành phố nhỏ này, đã có hầu hết, cũng là điều kiện thuận lợi hơn cho các du khách khi chọn đến đây. 

 
Cầu Ông Cọp ( cầu Tuy An) được xem là cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam

Câu ca tháp Nhạn và những địa danh độc đáo

Trong nội đô Tuy Hoà, nơi nên đến đầu tiên là Tháp Nhạn. Tháp Nhạn nằm trên một ngọn núi thấp, vì có nhiều chim Nhạn nên được gọi là núi Nhạn. ( Nói đến đây, tôi  bỗng nhớ da diết câu ca: Anh còn nợ em chim về núi Nhạn, chiều mờ mưa đêm… Thật tình, không biết có liên quan không). 

Như nhiều ngọn tháp Chăm khác, tháp Nhạn được xây dựng từ khoảng thế kỷ 12, mang hình tứ giác, có sắc màu nâu đỏ đặc thù. Buổi tối, tháp được thắp đèn sáng rực, nổi bật trên cả nền trời đêm của thành phố biển, rất hoành tráng. 

Cùng với tháp Nhạn, trước khi ra ngoại thành, du khách có thể ghé thăm các địa danh Chóp Chài ( nơi hứng nhiều sét nhất Việt Nam) hay núi Sầm nổi danh với câu thơ “Lẻ loi như cụm núi Sầm/ Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”… Mỗi nơi mỗi đặc tính, rất riêng, rất thú vị.

 
Bãi Xép - "phim trường" nổi tiếng của bộ phim "Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Để tắm biển ở đây, đi xa một chút, chỉ chừng từ 15- 20 km thì hàng loạt bãi tắm được thế giới đánh giá là “đáng ngạc nhiên” sẽ dành cho du khách như Gành Yến, Bãi Xép… Xa hơn nữa là Cù lao mái nhà, vịnh Xuân Đài hay Nhất Tự Sơn ( nơi có con “đường đi rẽ biển” nổi tiếng).

Chợ Tuy Hoà gần trung tâm thành phố, nơi đây, người ta có thể mua  nhiều thứ cần thiết từ hoa quả, các loại chè, hạt đác, dừa tươi, đồ lưu niệm, hải sản đến đồ dùng cá nhân... Mua ở đây không cần mặc cả quá nhiều vì không nói thách. Taxi ở đây giá chỉ khoảng 10000đ/ km. Lái taxi thân thiện, nhiệt tình, hầu hết là dân bản xứ. 

Đặc sản của Tuy Hoà, ngoài sò huyết ( đầm Ô Loan), cua Huỳnh đế thì rất cần phải kể đến là mắt cá Ngừ. Đây là vùng biển được thiên nhiên ưu đãi để có thể có được những con cá Ngừ đại dương ngon, chất lượng tốt nhất. Chính vì thế vùng này cũng là “phân xưởng” sản xuất cá Ngừ cho Nhật Bản làm shushi. Mà thị trường Nhật Bản thì không dùng nội tạng, đầu, mắt thế nên mặc nhiên nó là đặc sản của dân Việt. Mỗi cái mắt chỉ 30k. Trong thành phố, có nhiều quán cơm gà, bún cá, lẩu gà lá é rất ngon, rẻ, đáng để khám phá và thưởng thức.

 
Phú Yên có những cảnh sắc hoang sơ đẹp khó cưỡng
 Ai dìa xứ Nẫu mà nghe…

Trước khi đến đây, tìm hiểu về vùng đất này, tôi đặc biệt thích thú khi bắt gặp nhạc phẩm “Nẫu ca” – một bài dân ca bài chòi của Phú Yên. Nó thú vị bởi “rặt” những từ, ngữ, văn phong địa phương. Giọng người Phú Yên tròn tròn, hơi khó nghe nên ca từ qua họ thành những ca từ i… a…: Phia rầu, bà nấu nầu phai, ăn cho phẻ phẩu, đở mai đi làm, không đi thì ổng càm ràm, tui mò xuống bíp, mà làm cho mâu, gấu tui tán cấu thiệt đau, sung bằng trái ẩu, thâu rầu mà chưng tui… nghe rất thú vị.

Cũng như bài hát này, người Phú Yên rất dễ chịu, hiền lành, chân thật, nhiệt tình, chất phác. Có thể hình dung Phú Yên như một cô gái tuy không đẹp xuất sắc, hoàn hảo nhưng có những đường nét không thể quên. Ví như đôi mắt biển cả xanh ngắt, nao lòng, ví như địa hình địa lý phức tạp nhấp nhô như cá tính gai góc đến khó ưa mà chân thật, nhẫn nhịn, ít nói. Ngay từ lần đi đầu tiên, lòng tôi đã vô cùng vương vấn. Không chỉ bởi cảnh sắc tươi đẹp mà còn có lẽ bởi tôi là người yêu lịch sử, tôn thờ hai cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại của dân tộc, mảnh đất này, lại quá nhiều thứ đó...

 
Biển Phú Yên nổi tiếng là trong xanh và thơ mộng

Từ Tuy Hoà, đi về phía Nam có núi Đá Bia, hải đăng Đại Lãnh, Cảng Vũng Rô... Để đến mũi Đại Lãnh, chạy theo dọc đường Một, lên đèo Cả, đi về phía Nha Trang, điểm đầu tiên trên hành trình này là núi đá Bia. Núi Đá Bia cao gần 100m, hàng năm dân địa phương đều có giải thi chạy cho thanh niên trong vùng chạy từ chân núi lên đỉnh núi. Từ đây, mọi người có thể nhìn toàn cảnh vịnh nước sâu Vũng Rô- địa danh nổi tiếng tập kết vũ khí của các đoàn tàu không số trong cuộc kháng chiến trường kỳ dân tộc một thời. Cùng với bến tàu không số ở Đồ sơn- Hải Phòng, nơi đây biết bao xương máu chiến sĩ đã ngã xuống, nghe nói dưới đáy biển vẫn còn một/ vài chiếc tàu không số nằm đó như một chứng tích không thể quên của chiến tranh. 

 
Gành đá đĩa với những phiến đá hình trụ, đều tăm tắp, giữa biển xanh mênh mông

Dọc đường đi từ Tuy Hoà, qua Vũng Rô tới Đại lãnh khá thân thiện, các nếp nhà ven biển, các vuông tôm san sát... Đặc điểm của nhà cư dân vạn chài là bé, lụp xụp, sang thì mái bằng còn 90% là 1 tầng, mái ngói, thậm chí sát các mép nước, mép biển còn là những ngôi nhà vách tôn mái cũng bằng tôn. Cả đời họ lênh đênh trên những chuyến tàu xa khơi, mái nhà chỉ là nơi trú chân đổ cá, tiếp hàng hoá, nhiên liệu, biển với họ mới là nhà còn đất liền chỉ là tạm. Những đứa trẻ miền biển, những người phụ nữ miền biển cũng vì thế mà nheo nhóc, tất bật, cả đời cũng chỉ biết hướng ra biển trông những người đàn ông trở về chứ có mấy khi hướng về góc nhà mà xây, mà cất cho đàng hoàng, trang trọng. Dọc đường đi, nhìn những căn nhà lúp xúp, lô xô ấy thấy thật nao lòng, chúng dường như cũng là đặc trưng cho dân cư ven biển Việt Nam. 

Sau Vũng Rô là ngọn hải đăng Đại Lãnh, cực đông của Tổ quốc, được xem là một trong những nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của Việt Nam. Cao gần 3000m so với mặt nước biển, ngọn hải đăng này được quản lý bởi giao thông đường biển Phú Yên, đi bộ lên đó mất chừng 20 phút, đường đổ bê tông, có bậc thang khá dễ đi. Lên tới nơi, thấm mệt nhưng bù lại tầm mắt phóng ra biển thì đẹp mê hồn, không bút mực nào tả xiết, cảnh đẹp ở đây quá khác biệt so với những nơi tôi đã đi qua. Địa danh này là nơi các bạn dân phượt xuyên Việt rất hay ghé qua “check in”, đánh dấu đường đi. Khách Âu Mỹ rất thích tới bãi tắm tự nhiên này để tắm, nghỉ ngơi. 

Vực Phun nơi có rừng cây bạt ngàn, xanh mát cùng dòng sông Bánh Lái hữu tình

Ngược chiều với Đại Lãnh, ngọn Hải Đăng là Nhà thờ Mằng Lăng, Gành Đá đĩa... Nhà thờ Mằng Lăng – một công trình xây cách đây cả trăm năm, hiện đang lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Và, gành Đá đĩa thì thật sự là một tuyệt tác của thiên nhiên. Hàng vạn viên đá tròn trịa, ngay ngắn, đều tăm tắp xếp tầng xếp lớp lên nhau. Có đi mới thấy, thiên nhiên thật quá diệu kỳ, tầng tầng lớp lớp đá đều đặn, ngay ngắn trải qua không biết bao nhiêu năm, hoà trong mép nước và xa xa, bập bềnh là những con thuyền đánh cá nho nhỏ thi nhau neo đậu. Màu biển xanh ngắt, những hàng dương thi nhau rì rào thổi sáo …

 
Đầm Ô Loan với đặc sản Sò huyết trứ danh

Phú Yên, không thu hút du khách bởi sự trang hoàng, sáng rực lộng lẫy như Nha Trang ( Khánh Hoà) hay sự đầy đủ tiện ích, đa dạng, thuận lợi như Quy Nhơn ( Bình Định). Nó chinh phục du khách bởi những “chất” rất riêng. Từ phong thái hồn hậu, dung dị, yêu thơ ca hò vè của người dân bản địa tới sự hoang sơ, độc đáo trong thắng cảnh. 

Nếu chọn biển, hãy một lần thử tới Phú Yên…

 
 
San hô ở Hòn Yến
 
Top
Top