Dịch: Mê Linh
Tại một trong những cây cầu buộc bằng dây cáp lớn nhất ở Nam châu Phi, hàng trăm ngôi sao thời trang đã tụ tập lúc nửa đêm để xem chương trình được mong chờ mùa thu 2011 của David Tlale. Nhằm kỷ niệm dịp này, ông Tlale đóng cầu Nelson Mandela, biến lòng đường đông xe thành sàn diễn thời trang. 92 người mẫu, bằng với số tuổi của cựu tổng thống Nelson Mandela ở thời điểm đó, băng qua cầu khi ánh sáng từ đường chân trời thành phố chiếu sáng sàn diễn.
Ngồi ở hàng ghế đầu là phóng viên ảnh Thụy Điển Per – Anders Pettersson, người dành 5 năm qua ghi lại khung cảnh thời trang sống động ở toàn châu Phi hạ Sahara.
Tatum Keshwar, cựu hoa hậu Nam Phi, biểu diễn trong chương trình David Tlale tại cầu Nelson Mandela, Johannesburg năm 2011
Khảo sát bằng hình ảnh
Cuốn sách ảnh mới của ông, “African Catwalk”, là một cuộc khảo sát bằng hình về ngành thời trang mới nổi của châu Phi, đem đến cho người xem cái nhìn của người trong cuộc về sự trình diễn xuyên lục địa thường không được tiết lộ. Chương trình “đường biến thành sân khấu” ở Johannesburg là một trong hơn 40 sự kiện mà ông Petterson đã chụp, di chuyển đến khoảng 16 đất nước trong lục địa. Nét đặc biệt của từng vùng và văn hóa trở nên rõ ràng trong nhiều bức ảnh.
Nhà thiết kế Tây Phi Deola Sagoe sáng tạo các thiết kế đương đại bằng cách dùng chất liệu adire nhuộm tay ở Nigeria do phụ nữ của bộ tộc Yoruba làm; nhà thiết kế trang sức Tây Phi Ami Doshi Shah bày tỏ lòng kính trọng cội nguồn Kenya của mình thông qua cách trang trí. Nhiều nhà thiết kế có mặt trong cuốn sách, trong đó có Tlale và Laduma Ngxokolo, người thiết kế nhãn hàng MaXhosa, đều giới thiệu tác phẩm của mình trên toàn thế giới, nhưng ông Pettersson tập trung vào các chương trình ở châu Phi.
Tại các tuần lễ thời trang châu Phi uy tín, ở Nigeria, Senegal và Nam Phi, các nhà thiết kế, người mẫu và người mua hàng từ khắp lục địa đổ về, các nhà thiết kế châu Phi những người làm việc ở nước ngoài thường trở về để trình làng những bộ sưu tập mới nhất lấy cảm hứng từ phương Tây.
Trong những năm sống tại châu Phi, ông Pettersson, 49 tuổi, đã chứng kiến sự phát triển của thời trang ở đó, điều mà ông nối kết với tầng lớp thượng trung lưu đang tăng trưởng ở những thành phố lớn nhất châu Phi. “Một số chuyện xảy ra với ngành thời trang cũng là kết quả của những gì diễn ra trong 7 năm qua ở châu Phi”, ông trình bày. “Người ta có nhiều tiền hơn, được giáo dục tốt hơn và đi nhiều hơn”.
Anh Ngxokolo đại diện cho sự phát triển này. Năm 2010, anh khởi nghiệp với MaXhosa, dòng hàng dệt kim, nhằm tôn vinh amakrwala, nghi thức Xhosa truyền thống (truyền thống cắt bao quy đầu), sự phát triển từ cậu bé cho đến khi trở thành đàn ông. Theo anh Ngxokolo, những chàng thanh niên hoàn thành quá trình khai tâm 4 tuần, sau đó họ bỏ tài sản của mình và ăn mặc bảnh bao trong 6 tháng đầu tiên sau khi trưởng thành.
Bản thân đã trải qua nghi thức, anh Ngxokolo, 29 tuổi, nhận biết lỗ hổng trên thị trường, khi hiểu hàng trăm chàng trai Xhosa được tặng quần áo mới không đại diện cho nền văn hóa của họ. “Khi chúng tôi quay trở lại, cha mẹ mang cho chúng tôi quần áo chất lượng, như những món quà”, anh Ngxokolo tâm sự. “Phần rắc rối nằm ở chỗ ba mẹ mua cho chúng tôi quần áo tiêu chuẩn phương Tây. Không có ai thiết kế riêng cho truyền thống này”.
Muôn vàn khó khăn
Các thiết kế cao cấp của anh, được làm bằng những chất liệu Nam Phi, lấy cảm hứng từ nghệ thuật đính hạt phức tạp của bộ tộc Xhosa. Dòng hàng đạt giải thưởng “Scouting for Africa 2015” của tạp chí Vogue Ý, tạo điều kiện cho Ngxokolo ra mắt bộ sưu tập tại chương trình Palazzo Morando ở Milan.
Tuy thành công, anh Ngxokolo thừa nhận những khó khăn mà các nhà thiết kế mới nổi gặp phải trên thị trường quốc tế, gồm thách thức cho việc đáp ứng tăng trưởng trong khi vận hành cơ sở hạ tầng chậm trễ ở quê nhà.
Hai người mẫu nữ mặc trang phục của nhà thiết kế Cameroon Martial Tapolo tại Tuần lễ thời trang Dakar vào tháng 6/2014 ở Dakar, Senegal
Ông Pettersson lặp lại cảm nghĩ này, khi cho biết nhiều nhà thiết kế châu Phi không có tiềm lực kinh tế hoặc được đào tạo để sản xuất các thiết kế số lượng lớn.
“Nhiều nhà thiết kế trẻ cố gắng là nhà thiết kế uy tín giống Valentino”, ông Pettersson thổ lộ. “Nhưng nếu bạn nhìn kỹ mặt sau bộ quần áo, các sợi chỉ có thể còn lơ lửng hoặc không ăn khớp”.
“Người tiêu dùng châu Phi hiện đại kiểu cách hơn”, ông kể. “Thật là khó cho các nhà thiết kế nếu không nhận được sự ủng hộ để duy trì những kỳ vọng của họ”. Nhiều sáng kiến nhắm đến chuyện khép lại khoảng cách nguồn lực này, trong đó bao gồm Tổ chức thời trang châu Phi quốc tế (A.F.I.), một trong những sân khấu thời trang danh tiếng của lục địa, và đội ngũ sáng tạo đứng phía sau Tuần lễ thời trang Mercedes-Benz ở Johannesburg và Cape Town. Chương trình Fast Track của tổ chức là vườn ươm kéo dài một năm để hướng dẫn các nhà thiết kế trẻ.
Bryan Ramkilawan, người phụ trách thời trang mới được bổ nhiệm tại A.F.I, nói trong một vài năm tới tổ chức sẽ đưa “kinh doanh lên hàng đầu” trong việc xây dựng các sự kiện và chương trình đào tạo. “Chúng tôi đang hướng đến chuyện làm thế nào chúng tôi có thể phát triển công việc kinh doanh bền vững”, ông chia sẻ. “Chúng tôi muốn có thể mua các bộ sưu tập của các nhà thiết kế và đem bán chúng trong các cửa hàng”.
Mặc dù các nhà thiết kế châu Phi mới nổi vật lộn với chuyện mở rộng dòng hàng, nhiều người mẫu tìm cách vươn ra thế giới, hy vọng là Alek Wek kế tiếp, người mẫu Nam Sudan người được phát hiện ở London sau khi chạy trốn cuộc nội chiến ở quê nhà.
Hy vọng là biểu tượng |
Bìa cuốn sách của ông Pettersson là ảnh chân dung người mẫu Uganda 23 tuổi tên Patricia Akello đeo vòng cổ bằng chất liệu đặc trưng châu Phi dùng làm tấm lót để kết những hạt màu vàng nhỏ xíu lên trên đó của nhãn hàng Halisi, Uganda. Cô Akello chuyển đến Nam Phi cách đây 2 năm để theo đuổi sự nghiệp người mẫu, ký hợp đồng với Fusion Models và diễn trong Tuần lễ thời trang Mercedes-Benz Berlin 2015 và 2016. Cô kể cô có thể tự lo cho bản thân với tư cách là người mẫu, và sẽ chuyển đến New York trong thời gian sắp tới để thi tuyển (giờ đây cô làm việc với Công ty Muse Management) nhằm tham gia các chương trình của thành phố trong tháng 9. “Một ngày nào đó, tôi sẽ là biểu tượng trong nghề”, Akello tâm sự. “Tôi muốn điều này từ lâu rồi”. |