Tại sao muốn kinh tế phát triển thì thuế suất phải tăng?

24/06/2024 19:31 GMT+7

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, xu thế của thế giới hiện nay là tập trung nâng cao sức mạnh tài chính công, đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội... Muốn thúc đẩy kinh tế phát triển thì thuế suất phải tăng lên.

Thảo luận về luật Thuế giá trị gia tăng chiều 24.6, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhìn nhận, lâu nay Quốc hội đã bàn rất nhiều về việc giảm thuế suất xuống để hỗ trợ cho kinh tế - xã hội. Ông đặt vấn đề nên chăng luật hóa quy định này, đưa ra những tiêu chí để khi nào cần thiết thì Chính phủ có thể tự động điều chỉnh một số mặt hàng, giảm thuế cho phù hợp.

Tại sao muốn kinh tế phát triển thì thuế suất phải tăng?- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Tô Lâm dự phiên thảo luận chiều 24.6

GIA HÂN

"Nhưng về lâu về dài, tôi cho rằng cần phải tăng thuế suất đối với thuế trị gia tăng (VAT) để theo đúng xu hướng cải cách thuế, đi đúng vào bản chất của sắc thuế rất quan trọng này", ông An nói.

Giải trình ý kiến của các đại biểu, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ. Do đó, dự luật này "khó vì sẽ đụng chạm đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh". 

Cụ thể, về quy định giao cho Chính phủ quy định hàng hóa dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế VAT, theo Bộ trưởng Tài chính, việc phân cấp cho Chính phủ rất quan trọng và đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành. 

"Hiện nay, luật quy định kinh doanh của một hộ dưới 100 triệu/năm là không thu thuế, tương ứng một tháng được khoảng hơn 8 triệu. Thời giá ngày một trượt giá, nếu tính CPI cũng như tăng lương, nếu Chính phủ ban hành quy định 100 triệu thì năm sau 150 triệu, năm sau nữa 200 triệu. Việc giao cho Chính phủ quy định sẽ linh hoạt hơn", ông Phớc nói.

Tại sao muốn kinh tế phát triển thì thuế suất phải tăng?- Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình chiều 24.6

GIA HÂN

Bộ trưởng Phớc cũng giải thích thêm, nếu để Thường vụ Quốc hội thẩm định cũng đồng ý, nhưng sẽ thêm khâu thẩm định rồi "trình lên, trình xuống bao nhiêu lần mới ra được". Trong khi thế giới qua một đêm Bộ trưởng Tài chính sau khi xin ý kiến có thể áp giá với thép, cá ba sa hay là mặt hàng khác tăng lên để bảo vệ nền kinh tế trong nước, thì ở Việt Nam ít nhất phải 6 tháng mới có thể sửa được các sắc thuế.

Đặc biệt, liên quan đến tranh luận về việc có đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế hay không, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hiện có nhiều quan điểm đề nghị phân bón không chịu thuế, hoặc chịu thuế 5%. Thực tế luật Thuế VAT từ năm 2008 đến năm 2013 - 2014 đã từng đưa thuế VAT với phân bón nhưng sau đó bỏ. 

Ông Phớc cho biết sẽ đánh giá lại tác động một lần nữa để trình với Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Cụ thể, hiện nay, sản lượng phân bón sản xuất trong nước là 73,3%, còn nhập khẩu là 26,7%, tức là khoảng 4 triệu tấn/năm. 

Việc áp thuế như thế này đối với doanh nghiệp không gây mất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu. Nếu tính hoàn thuế cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỉ đồng, tương ứng mỗi hộ nông dân một năm trả thêm 461.000 đồng.

Với thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ được thực hiện miễn theo Hiệp định Kyoto. "Nhưng hiện nay các nước trên thế giới, ví dụ như EU đã bỏ miễn VAT với hàng hóa dưới 22 euro, ở Anh là 135 bảng Anh, Thái Lan hiện nay thu thuế suất là 7%", ông Phớc nói và cho hay, dự thảo luật vẫn thu thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ.

Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, hết năm nay nên hoàn thành chính sách tài khóa mở rộng để tập trung vào tài khóa thắt chặt. Xu thế của thế giới hiện nay là tập trung để nâng cao sức mạnh của tài chính công, đảm bảo trang trải cho xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, vấn đề an sinh xã hội và các vấn đề khác. Muốn thúc đẩy kinh tế phát triển thì thuế suất phải tăng lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.